Bị kẻ lừa đảo giả danh Viện phó VKSND Tối cao dọa đã có lệnh bắt bị can để tạm giam đối với mình, ông T. vội chuyển khoản ngót tỷ đồng cho kẻ lừa đảo…
Hôm nay (16/12), TAND TP Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Văn Nhật (SN 1985, ở Thanh Hóa) mức án 13 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đồng phạm, bị cáo Ngô Anh Tuấn (SN 1996, Thái Bình) và Trần Ngọc Lâm (Thanh Hóa) cùng nhận mức án 7 năm tù.
Theo cáo buộc, khoảng giữa năm 2019, Nhật quen biết đối tượng tên Anh, quốc tịch Đài Loan. Anh đặt vấn đề thuê Nhật mở tài khoản cá nhân tại các ngân hàng ở Việt Nam nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, sau đó các bị hại sẽ chuyển tiền vào các tài khoản này.
Các bị cáo tại tòa |
Anh hứa, mỗi tài khoản được mở, Nhật sẽ được nhận 2 triệu đồng. Nhật đồng ý và rủ thêm bạn là Tuấn, Lâm mở nhiều tài khoản để giao cho Anh.
Sau khi Nhật chuyển các tài khoản trên cho Anh, một số đối tượng đã sử dụng tài khoản đứng tên các bị cáo để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Một trong số những người bị hại của nhóm tội phạm này phải kể đến ông Nguyễn Văn T. (ở Hà Nội).
Ngày 3/7/2019, ông T. nhận được điện thoại của một đối tượng nữ, tự xưng là cán bộ bưu điện, thông báo việc ông có giấy mời của TAND TP Hà Nội yêu cầu đến làm việc liên quan đến khoản vay 40 triệu đồng của Ngân hàng ACB chưa trả.
Khi ông T. nói, mình không có khoản vay nào như trên, muốn trình bày với cơ quan công an thì đầu máy bên kia nói sẽ kết nối, chuyển cuộc gọi đến đường dây nóng của Công an Hà Nội để ông trình báo.
Sau đó, một đối tượng nam nghe máy, tự xưng là cán bộ CQĐT, Công an Hà Nội, yêu cầu ông T. cung cấp thông tin cá nhân. Đối tượng này thông báo việc ông T. đang đứng tên một tài khoản tại Ngân hàng ACB với số tiền khoảng 6 tỷ đồng, tài khoản này thường xuyên giao dịch với các đối tượng buôn bán ma túy.
CQĐT đã bắt giữ một số đối tượng, thu được thẻ ATM mang tên ông T. nên đã ra lệnh bắt tạm giam ông thời hạn 4 tháng, đang chuyển VKSND Tối cao phê chuẩn lệnh bắt.
Để ông T. tin là đang bị ra lệnh bắt tạm giam, đối tượng này tiếp tục kết nối, chuyển cuộc gọi để ông T. nói chuyện với một đối tượng nam giới khác, tự xưng là Nguyễn Văn Dũng, Viện phó VKSND Tối cao.
Đối tượng tự xưng tên Dũng thông báo đã có lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét, niêm phong tài sản đối với ông T. để điều tra vụ án.
Ông T. hoảng sợ, đề nghị không bắt tạm giam và xin được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cứ trú. Lúc này, người xưng tên Dũng đồng ý với điều kiện, ông T. phải chuyển khoản 800 triệu đồng để tạm giữ và xác minh, nếu không liên quan đến vụ án sẽ trả lại.
Do hoảng sợ, trong ngày 3/7/2019, ông T. đã 3 lần chuyển tiền vào tài khoản mang tên Ngô Anh Tuấn mở tại Ngân hàng Eximbank số tiền 736 triệu đồng.
Do từ ngày 1/7/2019, các ngân hàng tại Việt Nam thực hiện thay đổi phương thức xác thực mã OTP và giới hạn mức chuyển tiền khi thực hiện giao dịch chuyển tiền qua dịch vụ Internet banking nên sau khi ông T. chuyển tiền, các đối tượng lừa đảo không thực hiện được việc chuyển tiền đến các tài khoản khác để chiếm đoạt.
Anh gọi điện cho Nhật nhờ đi rút tiền. Khi các bị cáo đến ngân hàng rút tiền thì bị công an bắt giữ.
Ngày 3/9/2019, ông T. được CQĐT trao trả lại số tiền bị lừa đảo chiếm đoạt và không có yêu cầu bồi thường gì khác.
Nhiều người nhẹ dạ sập bẫy lừa
Ngoài trường hợp kể trên, CQĐT còn nhận được đơn tố giác của chị Nguyễn Thu H. (SN 1974, ở Hoàng Mai), Nguyễn Thị H. (SN 1988, ở Hưng Yên), bà Trịnh Thị D. (SN 1942, ở Long Biên) tố giác việc họ bị một số đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc giả danh cán bộ công an, VKS gọi điện đe dọa người bị hại phải chuyển tiền để chiếm đoạt.
Cáo buộc cho rằng, dù nhận thức được việc một số đối tượng người nước ngoài thuê mở tài khoản tại các ngân hàng ở Việt Nam là để lừa đảo, nhưng để có tiền tiêu sài, các bị cáo vẫn đăng ký mở nhiều tài khoản ngân hàng, cung cấp thông tin về tài khoản, mật khẩu đăng nhập và chuyển sim số điện thoại đăng ký tài khoản cho đối tượng tên Anh.
Anh đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người bị hại bằng thủ đoạn giả danh cán bộ công an, VKS gọi điện đe dọa buộc họ chuyển tiền vào tài khoản đứng tên các bị cáo.
Riêng bị cáo Nhật còn có hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt của 3 người bị hại là bà Nguyễn Thị D. hơn 360 triệu đồng, chị Nguyễn Thị H. 460 triệu đồng và bà Nguyễn Thị Thu H. hơn 880 triệu đồng. Tổng số tiền chiếm đoạt là hơn 1,7 tỷ đồng, hiện chưa khắc phục hậu quả.
Nguồn: vietnamnet