Để hạn chế ô nhiễm tiếng ồn do hoạt động kinh doanh karaoke gây ra, các quán phải tuân thủ rất nhiều quy định khắt khe. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều gia đình đã tự sắm dàn karaoke về hát. Bên cạnh đó, xuất hiện hình thức hát karaoke kết nối từ điện thoại với các thiết bị đi kèm như loa công suất lớn di động, ai cũng có thể hát mọi lúc, mọi nơi. Điều này gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh, làm gây mất tình làng nghĩa xóm.
Bất kể ngày đêm, đầu tuần hay cuối tuần, nhiều hộ dân sinh sống tại khu dân cư tổ 3, ấp An Hòa, xã Tân Tiến (Đồng Phú) lại bị tra tấn bởi tiếng karaoke phát ra từ một gia đình trong tổ. Hộ bà Nguyễn Thị Vân (54 tuổi) “chịu trận” nặng nhất. “Gia đình này mới mua dàn karaoke và thường xuyên mở tiệc nhậu, hát thâu đêm khiến tôi và các hộ sống cạnh bên không thể ngủ yên. Họ hát cả ngày lẫn đêm. Công việc của tôi buôn bán tại nhà, chỉ tranh thủ chút giờ trưa và buổi tối để nghỉ ngơi. Cuối tuần, các cháu nội đến chơi, thấy hát ầm ĩ chúng cũng không thích đến nữa” – bà Vân nói.
Karaoke loa kéo là một trong những sản phẩm điện tử bán chạy hiện nay
Anh Lê Văn Phú, ngụ ấp An Hòa cho biết, trước đây, để sắm được dàn karaoke tại gia đình phải tốn hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện nhiều phần mềm hát karaoke trên điện thoại di động. Chỉ cần mở điện thoại di động rồi cầm micro có kết nối bluetooth với chiếc loa “kẹo kéo” là đã có thể hát mọi lúc, mọi nơi. “Nhà tôi cũng mới sắm một dàn để khi nào gia đình đi dã ngoại hay vui chơi thì hát. Tuy nhiên, mình cũng ý thức khi hát thì để âm lượng vừa đủ, tránh ảnh hưởng đến các hộ xung quanh” – anh Phú chia sẻ.
Tương tự, một số hộ dân ở tổ 3, khu phố Phú Lộc, phường Tân Phú (Đồng Xoài) cũng luôn bị “tra tấn âm thanh” từ nhóm “các bà mê ca hát” với dàn loa kéo di động. Nhóm này gồm những phụ nữ làm các nghề tự do, ban ngày đi làm, đêm về tụ tập nhậu rồi mang dàn loa kéo ra sân ca hát. Anh N.V.M, người dân trong tổ chia sẻ: “Hát hò suốt ngày, mình là người lớn mà còn đau đầu, huống gì trẻ con. Góp ý cũng không ăn thua, nói nặng lời thì gây mất tình làng xóm”.
Một nhân viên tại cửa hàng bán thiết bị karaoke ở thị xã Đồng Xoài cho biết, chiếc loa vali với công suất 80W, có khe cắm thẻ nhớ, USB, kết nối bluetooth giá thấp nhất là 1,8 triệu đồng. Nếu người dùng mua loại tốt hơn, kết nối với nhiều micro hơn thì giá có thể lên đến 8 triệu đồng tùy loại và thương hiệu. Nắm bắt được nhu cầu người dùng, các hãng sản xuất còn tung ra nhiều loại micro không dây trang bị tính năng kết nối với loa qua cổng kết nối không dây chỉ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng. Gần đây, loa thùng kéo và micro không dây là mặt hàng bán rất chạy.
Trước đây, sau mỗi cuộc nhậu mọi người thường rủ nhau đi “tăng 2” tại các quán karaoke. Hiện nay, với dàn karaoke tại nhà cùng sự tiện dụng của loa kéo, các cuộc nhậu có thể kéo dài từ sáng tới trưa, trưa đến khuya với tiết mục ca hát. Dẫu là cuộc vui của người trong cuộc nhưng lại gây phiền toái, khó chịu cho nhiều người xung quanh. Ca hát là một hình thức giải trí, thú vui lành mạnh, là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, giải trí không để ảnh hưởng đến người khác. Vì vậy, ở các khu dân cư, nhất là những thôn, ấp, khu phố văn hóa, chính quyền và ngành chức năng cần nhắc nhở, vận động để người dân nâng cao ý thức tự giác, thực hiện nếp sống văn minh.
Theo Báo Bình Phước