Thứ trưởng Ngoại giao Iran cảnh báo, thỏa thuận hạt nhân quốc tế JCPOA đã ký từ năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc có thể sụp đổ ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020.
Phát biểu tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị không phổ biến vũ khí hủy diệt 2019 ở Moscow, Nga hôm 9/11, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Seyed Abbas Araghchi cho biết: “Các cuộc bầu cử ở Mỹ và Iran không có chỗ trong tính toán của chúng tôi khi xét đến các lợi ích và an ninh quốc gia. Iran thực tế đang thực hiện các chính sách nhất quán, bất kể ai sẽ đắc cử chức tổng thống Mỹ trong thời gian tới”.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Seyed Abbas Araghchi. |
Ông Araghchi nhấn mạnh, Iran đang giảm dần việc thực hiện các nghĩa vụ ấn định trong JCPOA, dựa vào điều khoản 36 trong thỏa thuận. Quan chức này quả quyết, động thái này nhằm cứu vãn thay vì phá hủy thỏa thuận.
Theo ông Araghchi, thỏa thuận JCPOA có thể sụp đổ chỉ vài tháng trước cuộc tổng tuyển cử Mỹ vào năm 2020 nếu các bên liên quan không tìm ra giải pháp trong tương lai gần. Vị thứ trưởng ngoại giao cho biết thêm, việc Mỹ áp trừng phạt nhằm khiến xuất khẩu dầu mỏ của Iran về con số 0 thực tế lại là cơ hội để quốc gia Hồi giáo thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng hóa nền kinh tế.
Hôm 9/11, Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) thông báo Tehran đã nâng mức làm giàu uranium lên tới 5% sau khi tiến hành hàng loạt bước rút dần cam kết theo JCPOA. Động thái nhằm trả đũa việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 5/2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt Tehran.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov khuyến cáo, sự sụp đổ của JCPOA sẽ gây ra hậu quả thảm khốc trên toàn cầu. Sputnik dẫn lời ông Ryabkov nói: “Sự leo thang căng thẳng có thể biến thành một cuộc xung đột mở, có khả năng càn quét khắp thế giới, tác động đến nền kinh tế và các thị trường. Hy vọng Mỹ hiểu điều đó”.
Nhà ngoại giao Nga tin, việc xóa bỏ JCPOA có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mới ở Trung Đông và Iran hiểu điều đó. Ông hy vọng Tehran sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân khi các cơ chế kiểm soát cần thiết vẫn còn hiệu lực.
Nguồn: vietnamnet