Intel cho biết có thể mở rộng hoạt động thuê ngoài sản xuất các sản phẩm chip trong vài năm tới sau khi ghi nhận doanh thu kỷ lục năm 2020.
Intel đang chịu áp lực ngày một lớn sau khi công ty hoãn ra mắt tiến trình 7nm. Pat Gelsinger, người sắp giữ chức CEO Intel, “tự tin” phần lớn sản phẩm năm 2023 sẽ được sản xuất nội bộ. Cùng lúc này, do danh mục sản phẩm khá rộng, nhiều khả năng Intel sẽ thuê thêm một số hãng bên ngoài để sản xuất.
Trong khi đó, CEO Intel Bob Swan cho biết các đối tác thuê ngoài “đóng vai trò lớn hơn” trong sản xuất CPU thế hệ mới, dự kiến ra mắt năm 2023. Quyết định sản xuất cuối cùng cho dòng sản phẩm 2023 thuộc về Gelsinger.
Cho tới hiện nay, Intel tự thiết kế và sản xuất hầu hết sản phẩm quan trọng. Đây là chiến lược giúp hãng thống trị thị trường sản xuất chip Mỹ trong gần 50 năm. Tuy nhiên, việc trì hoãn ra mắt các công nghệ chip mới nhằm bắt kịp với đối thủ TSMC, Samsung lại ảnh hưởng tới thị phần của Intel những năm gần đây.
Năm 2020, Intel ghi nhận doanh số kỷ lục 77,9 tỷ USD, tăng từ 72 tỷ USD năm 2019, vượt kỳ vọng của nhà đầu tư. Kết quả quý IV/2020 cũng lập kỷ lục nhờ nhu cầu máy tính cá nhân và chip trong mùa dịch.
Xen lẫn với khó khăn về trì hoãn sản xuất, Intel còn chịu sức ép từ những đối thủ mới như Nvidia, AMD, đặc biệt trên thị trường trung tâm dữ liệu và chip 5G béo bở. Các đối thủ chính của Intel thường ký hợp đồng với nhà máy bên ngoài để sản xuất theo thiết kế của họ.
Theo Nikkei, Intel đang thảo luận ít nhất 5 dự án với TSMC để sản xuất một số chip cao cấp cho vài dòng sản phẩm, bao gồm laptop, máy chủ, thiết bị điện toán biên. Intel là khách hàng lâu năm của TSMC, thường thuê sản xuất một số chip đồ họa, modem, chip ngoại vi. Song nếu hai bên đạt thỏa thuận với 5 dự án này, đây sẽ là lần đầu tiên Intel quyết định thuê ngoài sản xuất nhiều sản phẩm quan trọng như vậy.
Ngoài ra, Nikkei còn đưa tin Intel đang đàm phán với Samsung để sản xuất chip.
Nguồn: vietnamnet