Các thương hiệu lớn của Mỹ đang có nhà máy sản xuất ở Việt Nam cố gắng hết sức để duy trì sự liên tục của chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu khi quyết định cho hàng nghìn công nhân ngủ lại nhà máy.
Khi số ca nhiễm tăng cao thì những thách thức mà doanh nghiệp sản xuất gặp phải không chỉ từ việc bảo vệ người lao động mà còn phải duy trì hoạt động sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa cho nhà cung cấp, thị trường.
Các doanh nghiệp như Intel, Coca Cola, Nike… đến nay đã triển khai những kế hoạch duy trì sản xuất như lập trại tại nơi làm việc, chia ca giãn cách, triển khai làm việc ở nhà đến mức tối đa… để tiếp tục sản xuất giữa tâm dịch.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Trúc – giám đốc nhân sự của Coca Cola Việt Nam – cho biết ngay khi dịch có diễn biến phức tạp, ban lãnh đạo công ty đã triển khai thiết lập trại cho công nhân ăn, ở lại ngay trong nhà máy với sự đồng thuận từ người lao động. Ban đầu, dự kiến trại chỉ ứng phó trong 5 ngày nhưng đến nay đã kéo dài sang 3 tuần. “Chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình trong thời gian này để bảo vệ sức khỏe lẫn tinh thần cho người lao động”, bà Trúc nói.
Để duy trì môi trường sinh hoạt cho hơn 100 nhân sự, nhà sản xuất đã lên một thời khóa biểu cụ thể không thiếu yếu tố “thiết quân luật” để giữ gìn vệ sinh chung. Mỗi nhân viên có một lều riêng được trang bị những đồ dùng cơ bản và có dịch vụ giặt ủi miễn phí.
“Đến nay, Coca Cola Việt Nam đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên 14 ngày của chương trình “3 tại chỗ” và 98% người lao động vẫn cảm thấy an toàn, thoải mái. Sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của người lao động sẽ tác động lớn đến năng suất lao động”, bà Trúc nói thêm.
Intel Việt Nam cũng đã triển khai một số biện pháp để giảm thiểu thiệt hại và rủi ro ngay khi các biện pháp chống dịch của TP được ban hành. Bà Uyên Hồ, giám đốc truyền thông Intel Việt Nam, cho biết hãng bắt đầu tổ chức sinh hoạt ăn, ở cho nhân viên ngủ lại nhà máy như phương án tốt nhất phòng khi điểm phong tỏa ngày càng tăng.
Chuyên sản xuất vật tư y tế cung cấp cho 70 quốc gia trên thế giới và nhu cầu này đang tăng mạnh nên Công ty Diversatek (Mỹ) càng phải đẩy mạnh, không để gián đoạn sản xuất. Do đó, hãng luôn ưu tiên sức khỏe của người lao động cũng như người thân bằng cách lập khu lưu trú cho nhân viên và thường xuyên cho nhân viên kiểm tra nhanh COVID-19.
Với Hãng Nike, dù không sở hữu nhà máy ở Việt Nam nhưng đang làm việc với rất nhiều nhà máy của 200 nhà cung cấp ở Việt Nam.
Đại diện Nike Việt Nam cho biết đã làm việc với các bộ phận sản xuất và có kế hoạch, xây dựng các lều tập trung cho người lao động lưu lại nhà máy, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho các nhà cung cấp.
Tại hội thảo trực tuyến “Duy trì sản xuất trong đại dịch” do Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam vừa được tổ chức, ông Luke Treloar – giám đốc bộ phận tư vấn chiến lược ngành y tế và đời sống của KPMG Việt Nam – cho biết toàn cầu đang cố gắng khắc phục các hoạt động sản xuất sau ảnh hưởng COVID-19, chi phí để duy trì, tránh đứt gãy của doanh nghiệp sẽ cao hơn rất nhiều.
Trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp cần có một kịch bản tài chính thật tốt, có tính bền vững. Sự chuẩn bị này sẽ giúp doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất, bảo vệ được người lao động, trong đó có cả tài chính để triển khai tiêm vắc xin ngay khi có cơ hội.
Nguồn: tuoitre.vn