Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 cao thứ hai thế giới, trong khi số ca mắc mới ở thủ đô Jakarta cũng tăng cao kỷ lục kể từ đầu dịch.
Tính đến sáng 12/7, tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Indonesia đã lên tới hơn 2,5 triệu người, tăng 36.197 trường hợp so với một ngày trước đó và xếp thứ 2 thế giới chỉ sau Ấn Độ với 37.676 ca. Thêm 1.007 ca bệnh tử vong trong 24 giờ qua đã nâng tổng số trường hợp bệnh nhân không qua khỏi ở quốc gia Đông Nam Á lên 66.464 người.
Nhân viên y tế Indonesia đang tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân. |
Indonesia hiện là ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á với thủ đô Jakarta đang là tâm chấn của đợt lây nhiễm mới. Theo thống kê của nhà chức trách, trong ngày 11/7, Jakarta cũng lập kỷ lục về số ca nhiễm mới là 13.133 ca với 54 người tử vong. Tính từ tháng 3/2020 đến nay, thành phố ghi nhận 662.442 ca mắc, trong đó 9.403 bệnh nhân không qua khỏi.
Các quan chức Indonesia cảnh báo, diễn biến dịch phức tạp có thể khiến số ca mắc mới ở nước này lên tới 70.000 ca/ngày. Nhà chức trách đang nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch chủng ngừa đại trà cho dân nhưng cho đến hiện tại mới tiêm được hơn 51,1 triệu liều vắc xin Covid-19, tương đương khoảng 9,5% dân số được chủng ngừa đầy đủ nếu mỗi cá nhân cần tiêm đủ 2 liều.
Mỹ khuyến cáo tác động tiêu cực của các biến thể với nền kinh tế
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 11/7 bày tỏ quan ngại về nguy cơ mà các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể gây ra đối với tiến trình hồi phục nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch.
Phát biểu trước báo giới sau hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Venice, Italia, bà Yellen cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng COVID-19 để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào năm tới.
Trước đó, trong tuyên bố chung công bố chiều 10/7, các Bộ trưởng Tài chính G20 cảnh báo sự bùng nổ các biến thể mới của virus corona và khả năng tiếp cận vắc xin còn thấp của các nước đang phát triển đe doạ sự phục hồi của kinh tế thế giới.
Dù nhấn mạnh tới việc ủng hộ chia sẻ vắc xin toàn cầu một cách công bằng nhưng các lãnh đạo tài chính G20 không đề xuất các biện pháp cụ thể. Họ chỉ ghi nhận khuyến nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới, Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức thương mại Thế giới tài trợ 50 tỷ USD cho các vắc xin mới.
Nam Phi kéo dài các hạn chế thêm 14 ngày
Để đối phó với diễn biến dịch phức tạp, Chính phủ Nam Phi hôm 11/7 đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt thêm 14 ngày, bao gồm duy trì lệnh cấm tụ tập, tiếp tục triển khai giới nghiêm từ 21 giờ tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau cũng như cấm bán rượu bia trên toàn quốc.
Là nước chịu ảnh hưởng nặng nề ở châu Phi xét về số ca mắc và tử vong vì Covid-19, Nam Phi đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3 do sự hoành hành của biến thể Delta. Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Cyril Ramaphosa thừa nhận, hệ thống y tế của nước này đang phải chống chịu áp lực lớn. Số ca mắc mới tăng đến mức kỷ lục hơn 26.000 ca/ngày từ đầu tháng 7 đang khiến các bệnh viện trên toàn quốc đối mặt với nguy cơ sụp đổ.
Theo Reuters, ông Ramaphosa đã cho triển khai các biện pháp hạn chế mức 4, tức là mức cao thứ hai trong thang hạn chế 5 cấp độ của nước này từ cuối tháng 6 nhằm làm chậm lại sự lây lan của mầm bệnh nguy hiểm. Lãnh đạo Nam Phi cho biết thêm, một ủy ban cố vấn chính phủ đang tìm mọi cách sớm đưa vắc xin CoronaVac của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinovac vào chương trình chủng ngừa Covid-19 quốc gia.
Cho đến nay, Nam Phi mới tiêm được khoảng 4,2 triệu liều cho tổng dân số 60 triệu dân. Nhà chức trách hy vọng có thể tăng tốc tiêm chủng lên ít nhất 300.000 liều/ngày vào cuối tháng 8.
Nam Phi hiện ghi nhận gần 2,2 triệu ca mắc, 64.289 trường hợp tử vong.
Các tin đáng chú ý khác về đại dịch:
– Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 12/7 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 187,6 triệu người, trên 4 triệu ca tử vong. Song, hơn 171,6 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
– Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 34,7 triệu ca mắc và 622.845 bệnh nhân không qua khỏi. Cho đến nay, nhà chức trách đã tiêm được xấp xỉ 333,6 triệu liều vắc xin, tương đương khoảng 50,8% dân số được tiêm chủng ngừa đầy đủ. Các quan chức hàng đầu xứ sở cờ hoa dự kiến sẽ có cuộc gặp với hãng dược Pfizer trong ngày 12/7 để thảo luận về đề xuất của giới chức y tế liên bang về việc tiêm liều vắc xin thứ 3 cho dân.
– Rebeca Grynspan, Tổng thư ký Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hợp Quốc (LHQ) kêu gọi các nước phát triển chuyển giao lượng vắc xin Covid-19 dư thừa của họ cho Mỹ Latinh, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch. Bà Grynspan cho biết, các nước giàu đang dự trữ lượng vắc xin nhiều gấp 3 lần số liều cần thiết để chủng ngừa cho toàn bộ người dân của họ.
– Bộ trưởng Y tế Israel Nitzan Horowitz ngày 11/7 thông báo, những người trưởng thành bị suy giảm miễn dịch, đã tiêm 2 liều vắc xin Pfizer có thể được tiêm thêm một liều bổ sung. Quyết định này sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
– Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Saksayam Chidchob cho biết, những khu vực không sử dụng tại 2 sân bay quốc tế Suvarnabhumi và Don Mueang ở thủ đô Bangkok sẽ được dùng để lập các bệnh viện dã chiến với sức chứa 7.000 giường điều trị trong bối cảnh số ca mắc mới tăng vọt tại đây.
– Ban tổ chức và các thí sinh tham gia cuộc thi Miss Grand Samut Sakhon ở thủ đô Bangkok, Thái Lan hồi tháng 6 đang bị điều tra và có thể phải đối mặt với cáo buộc hình sự vì không đeo khẩu trang khiến dịch bùng phát. Cho đến nay, 13 thí sinh tham dự và 9 người khác có liên quan đến cuộc thi đã dương tính với Covid-19. Số ca mắc liên quan đến ổ dịch này được dự đoán sẽ còn gia tăng.
– Nguyên Phó Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia Lockman Hakim cho rằng, số ca mắc Covid-19 ở nước này có thể cao ít nhất gấp 4 – 5 lần dữ liệu công bố chính thức. Ông Hakim lý giải, điều đó do trước đây Malaysia chưa tiến hành xét nghiệm quy mô lớn.
Nguồn: vietnamnet