Từ lâu đời, núi Bà Rá nằm trên địa bàn thị xã Phước Long không chỉ là danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn là một ngọn núi linh thiêng, liên quan đến tâm linh, cội nguồn lịch sử, văn hóa của người S’tiêng. Yếu tố văn hóa, tâm linh, huyền thoại được gắn liền với các sự kiện đã hình thành nên quần thể văn hóa – tâm linh liên quan đến ngọn núi nổi tiếng này trong dân gian. Vì vậy, núi Bà Rá đã gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần, trung tâm câu chuyện huyền thoại về vị thần đã có công trong việc hình thành và bảo vệ núi Bà Rá.

Từ năm 1998 đến nay, tôi đã viết khá nhiều bài về truyền thuyết núi Bà Rá. Gần đây nhất vào năm 2018, tôi có bài viết “Ai là nhân vật liên quan đến quần thể văn hóa – tâm linh núi Bà Rá?”, đăng trên Tạp chí Khoa học thời đại tỉnh Bình Phước, ISSN 1859-3747, số 41, ngày 6-2-2018, tr.70-71. Trong bài viết đã nhắc đến vị thần khổng lồ (Yau Nhưt) và hai người em gái của vị thần (Mi Jiêng và Mi Lơm) sinh hoạt trên núi Bà Rá. Vấn đề cần trao đổi, ai là (nữ thần) nhân vật đang được thờ trong miếu Bà hiện nay.

Theo tác giả Lưu Ty, ngày xưa có một ông tiên tên là Giang (viết theo chữ S’tiêng là Yang đúng hơn) trấn thủ vùng này từ vùng rừng núi Tây Ninh đến Phước Long, chạy sát biên giới Miên. Vị tiên này có hai người em gái, người chị tên là Lơm và người em là Giêng (viết Jiêng đúng hơn). Mỗi người có một sở thích và cá tính khác nhau. Bà Lơm thích tu hành, thích lập chùa để cúng bái. Bà Giêng thích ở một mình nơi thanh vắng. Trước hai sở thích ấy, người anh đã chiều và đắp cho mỗi người một quả núi để ở. Bà Lơm là chị thích tu hành và nơi đông người nên ở tại núi Bà Đen (Tây Ninh). Còn Bà Giêng thì ở núi Bà Rá, Phước Long (Lưu Ty, 1972, tr. 42-43).

Địa bàn cư trú của người S’tiêng theo truyền thuyết vào đầu thế kỷ XX (theo tác giả Barthélémy M.D trong “Au pay Mois” Paris Plon-Noutit 1904) – nguồn: Mạc Đường, 1985, Vấn đề dân tộc ở Sông Bé, tr.15

Tác giả Cửu Long và Toan Ánh (Cao Nguyên Miền Thượng, 1974, tr.553) cũng cho rằng ông Giang có hai người em gái tên là Lơm và Giêng. Hai chị em có nếp sống khác nhau. Bà Lơm mê tu hành, lập chùa chiền cúng vái, bà Giêng thích một mình ở nơi thanh tịnh vắng vẻ. Trước hai sở thích đó, ông tiên mới đắp cho mỗi người một trái núi ở hai nơi cách xa. Bà Lơm là chị ở núi Bà Đen (Tây Ninh), con bà Giêng là em ở núi Bà Rá (Phước Long).

Mạc Đường (Vấn đề dân tộc ở Sông Bé, 1985, tr.15) cho rằng: “Vị tổ người S’tiêng có hai người em gái, ông ta đắp núi Bà Đen và Bà Rá cho hai em ở. Cô gái đầu làm chủ vùng núi Bà Đen, cô em gái thứ hai làm chủ núi Bà Rá”. Như vậy, theo các tác giả này thì cô em (Giêng) là nữ thần ngự trị trên núi Bà Rá và đang được thờ trong miếu Bà.

Có người cho rằng, Bà Đen, Bà Rá và Bà Chúa Xứ (ở An Giang) là ba chị em. Theo kết quả nghiên cứu giả thiết này không có cơ sở. Về mặt không gian văn hóa và tâm linh không có liên quan. Ngọn núi ở An Giang không có mối quan hệ với ngọn núi Bà Đen và Bà Rá (các núi ở An Giang nằm trong dãy núi “Đậu Khấu” bắt nguồn từ biên giới Thái Lan).

Xuôi theo dòng truyền thuyết của người S’tiêng, địa bàn cư trú của người S’tiêng trải dài từ núi vùng Bà Rá, tỉnh Bình Phước đến núi Bà Đen thuộc tỉnh Tây Ninh. S’tiêng (Sơdiêng hay Sdiêng) Yau Nhưt (một vị thần khổng lồ) đã xây dựng nên núi Bà Rá và Bà Đen. Yau Nhưt có hai người em gái rất xinh đẹp tên là Mi Jiêng và Mi Lơm (Mi tức là cô, nàng) rất giỏi dệt thổ cẩm (tảng đá lớn giữa chân núi Bà Rá nơi có đường cáp treo đi qua chính là nơi hai em gái vị thần ngồi dệt thổ cẩm). Yau Nhưt đã đổ 7 gùi đất (gùi cũ) để đắp nên núi Bà Rá (poh Săh Tu). Trước khi đắp núi Bà Rá, Yau Nhưt đã đổ một gùi đất tại khu vực ở cuối thôn 7, xã Long Giang, thị xã Phước Long ngày nay, người S’tiêng gọi núi đó là Bơnâm con Brăh, nghĩa là “núi con thần” hay còn gọi là Bơnâm Săh Tu (núi gùi cũ: đất đựng trong gùi cũ; núi mọc bên suối Săh Tu).

Lý do vị thần Yau Nhưt thay đổi địa điểm (không chọn suối Săh Tu) là khi vị thần đo khoảng cách từ núi Bà Đen đến núi Bà Rá không đủ 7 cây gậy (poh toong bơr nos – cây gậy của vị thần dùng để thụt canh). Trong đời sống tín ngưỡng dân gian của người S’tiêng, 7 là con số may mắn, con số tâm linh. Phải chăng, vì lý do đó mà vị thần khi xây dựng núi Bà Rá đã đổ hết 7 gùi đất, chọn kích thước “7 cây gậy” để làm khoảng cách từ núi Bà Đen đến núi Bà Rá.

Người S’tiêng Bu Dêh (vùng Bình Long, Hớn Quản) thì cho rằng: Ngày xưa vốn chỉ có một núi Bà Rá, nhưng do hai chị em tranh nhau lấy chồng. Người em gái xinh đẹp hơn nên được người đời quý mến hơn, người chị ghen tức và đuổi người em đi. Người em ra đi chỉ mang theo một gùi đất, dọc đường người em dừng chân tại xã Phước An, huyện Hớn Quản, đất bị rơi rớt tạo thành Bnâm Roh (Núi Gió ngày nay). Người chị lấy cây gậy đo khoảng cách từ núi Bà Rá đến nơi ấy thấy vẫn gần, người chị lại tiếp tục đuổi em đi. Người em đi mãi đến tận Tây Ninh và dựng núi Bà Đen.

Theo câu chuyện này (tác giả đi khảo sát tại xã An Khương năm 1999) thì cô Lơm là chị ở núi Bà Rá, cô em là Jiêng ở núi Bà Đen. Dù là truyền thuyết nửa người nửa thần, dù là chị hay em đang ngự trị trên núi Bà Rá, việc xây dựng công trình miếu Bà có ý nghĩa, giá trị quan trọng về mặt lịch sử, văn hóa và tâm linh (trong đó có công của những người bị tù đày tại Bà Rá trong thời kỳ chống thực dân Pháp). Trước khi người S’tiêng theo đạo, trong các sự kiện nghi lễ tín ngưỡng truyền thống, người S’tiêng luôn khấn mời các vị thần trong vùng như: thần Sông Bé, Thác Mơ, Thác Mẹ và không thể quên thần núi Bà Rá. Trong cuộc sống, người S’tiêng thường kể về sự giỏi giang của hai nữ thần để giáo dục con cái (hai nữ thần rất giỏi dệt vải). Trong hôn nhân, những cô gái chảnh chọe thường bị cha mẹ mắng bằng câu “ay klanh y bêi Mi Jiêng, Mi Lơm” (con nghĩ mình đẹp như cô Jiêng, cô Lơm chắc). Hoặc những người con trai kén vợ cũng bị cha mẹ mắng bằng câu “nar kơi may pơs sai klanh ur y bêi Mi Jiêng, Mi Lơm” (mai mốt xem con cưới vợ có đẹp như cô Jiêng, cô Lơm không?). Có thể thấy, ngoài yếu tố tâm linh, hình ảnh hai nữ thần đã in sâu vào tiềm thức của cộng đồng người S’tiêng.

Để phát huy tốt giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh của núi Bà Rá nói chung và miếu Bà nói riêng, chính quyền địa phương, ngành chức năng, những người quản lý miếu Bà nên phối hợp với các nhà khoa học, trí thức, già làng người S’tiêng, sở, ngành liên quan của tỉnh Tây Ninh tổ chức hội thảo khoa học. Qua đó trao đổi, giới thiệu đầy đủ hơn về ý nghĩa lịch sử, văn hóa và tâm linh của miếu Bà (Bà Rá), mối liên hệ giữa hai nữ thần (núi Bà Đen và núi Bà Rá) để tránh những cách hiểu không thống nhất, thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa tâm linh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của Bình Phước nói chung và Phước Long nói riêng.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : Bà Rá

Các tin liên quan đến bài viết