Bạn đọc Thái Việt đặt vấn đề như vậy trong bài viết gửi tới Tuổi Trẻ Online. Theo tác giả, hành khách hủy vé, bỏ vé chịu mất tiền vé máy bay là đương nhiên, nhưng các khoản phí cần phải được trả lại cho hành khách.

Hủy vé bay, các khoản phí sân bay, phí an ninh vào túi ai? - Ảnh 1.

Các khoản phí Vietnam Airlines thu của hành khách cùng với giá vé 

Mỗi vé bay của các hãng hàng không cơ bản sẽ gồm tiền vé, thuế, tiền an ninh sân bay. Tùy vào mỗi hãng, các khoản phí có tên gọi khác nhau. Vietnam Airlines gọi là phí soi chiếu an ninh hành khách và hành lý, phí dịch vụ hành khách. Trong khi đó Bamboo Airways gọi là “phí thu hộ”, còn Vietjet Air là phí sân bay và phí an ninh sân bay.

Trong thông tư 53 ban hành ngày 31-12-2019 của Bộ Giao thông vận tải, phí trên được gọi là phí dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không (tôi tạm gọi là phí sân bay), phí dịch vụ đảm bảo an ninh hành khách, hành lý (tôi tạm gọi là phí an ninh).

Hủy vé bay, các khoản phí sân bay, phí an ninh vào túi ai? - Ảnh 2.

c khoản phí thu cùng giá vé trên vé của Vietjet Air

Hủy vé bay, các khoản phí sân bay, phí an ninh vào túi ai? - Ảnh 3.

Các khoản phí thu cùng giá vé trên vé của Bamboo Airways 

Vậy khi hành khách không thực hiện chuyến bay (bỏ vé) và không được hoàn tiền vé bay (do quy định của hãng, thường là các vé bay giá rẻ), khoản tiền phí sân bay và phí an ninh kia đang nằm ở đâu?

Cụ thể, thông tư 53 có nêu đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ trên là đơn vị được cấp phép cung cấp dịch vụ hàng không (khai thác nhà ga hành khách) cung cấp dịch vụ hành khách.

Mức giá này quy định đối với hành khách đi chuyến bay nội địa tại sân bay nhóm A (khai thác 24/24 giờ) đã có VAT là 100.000 đồng, nhóm C (sân bay Côn Đảo, Điện Biên, Cà Mau, Rạch Giá) là 60.000 đồng và các sân bay còn lại của nhóm B là 80.000 đồng.

Riêng dịch vụ đảm bảo an ninh hành khách, hành lý có giá 20.000 đồng áp dụng cho tất cả các sân bay.

Cũng trong thông tư này, hành khách thanh toán khoản phí trên cho hãng bay khi mua vé, hãng thu hộ đơn vị cung cấp dịch vụ. Số tiền thanh toán của hãng bay cho bên sân bay trên cơ sở sân bay lập danh sách hành khách của các chuyến bay và gửi về cho các hãng hàng không thanh toán. Các hãng bay được hưởng hoa hồng 1,5%.

Như vậy, đối với hành khách hủy vé, bỏ vé vì bất cứ lý do gì mà không được hoàn tiền vé thì phí sân bay và an ninh này đơn vị nào sẽ nhận? Nếu là sân bay thì hành khách chưa từng sử dụng dịch vụ, chưa bước tới sân bay mà vẫn phải trả tiền thì thật vô lý, còn nếu là hãng bay thì đây không phải là tiền của hãng, hãng chỉ là đơn vị thu hộ.

Tôi không có số liệu hành khách bỏ vé bay nhưng với mỗi vé cơ bản, phí dịch vụ trên từ 80.000 – 120.000 đồng này không phải là số tiền nhỏ đối với người bay máy bay giá rẻ – phần lớn các hạng vé này khi bỏ vé không được hoàn tiền. Chưa kể tới các chuyến bay quốc tế sẽ có giá thấp nhất là 10 USD và cao nhất là 27 USD (Nội Bài).

Hủy vé bay, các khoản phí sân bay, phí an ninh vào túi ai? - Ảnh 4.

Hành khách được Air Asia hoàn các khoản phí sau khi hủy vé 

Với trải nghiệm của mình từng có, tôi từng được hoàn trả tiền phí sân bay của Hãng hàng không Air Asia (Malaysia) và Cebu Pacific (Philippines). Trong vòng 6 tháng kể từ ngày chuyến bay thực hiện, hành khách không tham gia chuyến bay với bất cứ lý do nào hãng cũng sẽ trả lại tiền phí sân bay và phí an ninh. Hành khách chỉ cần lên website của hãng và làm đề nghị trả phí sân bay, tiền sẽ được trả về tình trạng thanh toán ban đầu khi đặt vé.

Thông qua báo Tuổi Trẻ, tôi muốn được một câu trả lời minh bạch từ các hãng hàng không và các sân bay về khoản tiền này.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19Hủy véPhí sân bayvé máy bay

Các tin liên quan đến bài viết