Năm 2014, Bộ GD-ĐT có những bước đi đầu tiên để làm gọn nhẹ kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi xét tuyển ĐH, CĐ. Sau 10 năm, các kỳ thi ở quy mô quốc gia này đã thay đổi ra sao?
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM năm 2022
Sau nhiều năm học sinh thi tốt nghiệp sáu môn, năm 2014 Bộ GD-ĐT quyết định phương án thi bốn môn. Ngoài hai môn bắt buộc toán và văn, thí sinh được chọn hai môn tự chọn trong số lý, hóa, sinh, sử, địa. Thí sinh thi vào đầu tháng 6, trong 3 ngày.
Bước ngoặt 2015
Dù vậy, thí sinh vẫn phải thi thêm các đợt thi ĐH, CĐ để xét tuyển, giống với trước năm 2013. Có ba đợt thi: đợt 1 dành cho các thí sinh thi khối A, A1; đợt 2 cho khối B, C, D; đợt 3 dành cho hệ CĐ. Các đợt thi thường diễn ra đầu tháng 7, kéo dài khoảng 2 tuần.
Năm 2015 là một bước ngoặt khi Bộ GD-ĐT “gộp” hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển ĐH, CĐ thành một, tên là kỳ thi THPT quốc gia. Cộng đồng gọi nôm na là kỳ thi “2 trong 1”, bởi vừa dùng để xét tốt nghiệp vừa dùng xét tuyển ĐH, CĐ. Thí sinh thi ba môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ, cộng thêm một môn tự chọn.
Một năm sau, kỳ thi THPT quốc gia đánh dấu bước chuyển lớn về địa điểm dự thi. Nếu như trước đó hàng trăm ngàn thí sinh “rồng rắn” về các thành phố lớn thi ĐH, CĐ thì năm 2016 mỗi tỉnh là một cụm thi và thí sinh có thể thi tại chỗ.
Ở kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD-ĐT lần đầu tổ chức các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Thí sinh thi ba bài thi độc lập là toán, văn, ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp. Hình thức này cơ bản được giữ cho đến nay, dù từ năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia được đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2023 là 10 năm kể từ bước đi đầu tiên “tinh gọn” các kỳ thi quốc gia năm 2014. Từ việc vừa thi tốt nghiệp vừa thi ĐH, CĐ dàn trải hơn một tháng, đến nay chỉ còn kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi trong đúng 2 ngày. Từ việc phải đến những thành phố lớn dự thi, thí sinh hiện thi ngay tại quận huyện, thậm chí thi ngay tại trường mình theo học.
Học sinh TP.HCM dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Thi cử ngày càng nhẹ nhàng hơn
ThS Trương Kiều Trinh – khoa khoa học liên ngành Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – thuộc thế hệ dự thi tốt nghiệp THPT năm 2013, một năm trước khi có những bước tinh gọn đầu tiên.
Cô Trinh nhớ lại hồi năm của mình trở về trước, đến gần cuối tháng 3, học sinh rất hồi hộp đợi Bộ GD-ĐT công bố sáu môn thi tốt nghiệp. Các môn toán, văn, ngoại ngữ là cố định, ba môn còn lại sẽ được chọn trong lý, hóa, sinh, sử, địa.
Từ khi công bố môn thi đến ngày thi khoảng 2 tháng, vì vậy thí sinh sẽ khá áp lực nếu nhiều môn mà Bộ GD-ĐT chốt không nằm trong thế mạnh hoặc không được các bạn đầu tư. Chẳng hạn, một học sinh dành sức ôn ba môn toán, lý, hóa cho kỳ thi tuyển ĐH, CĐ thường sẽ vất vả khi sử, địa được chọn thi tốt nghiệp.
“Nhiều bạn có sức học khá giỏi cũng sợ sẽ bị điểm liệt ở những môn không phải là thế mạnh. Trong giai đoạn nước rút, học sinh sẽ phải ôn tập vừa các môn thi tốt nghiệp, vừa các môn thi ĐH”, cô Trinh nói.
Một tháng sau kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi tuyển ĐH, CĐ. Từ Kon Tum, cô Trinh đến điểm thi tại TP Quy Nhơn. Đợt thi khối A diễn ra trước khoảng một tuần đến đợt thi cho khối D. Do đường vào ĐH chủ yếu chỉ thông qua việc thi tuyển, nên mức độ cạnh tranh cao.
“Hiện giờ, tôi thấy việc thi cử và xét tuyển đã nhẹ nhàng hơn. Các bạn cũng có nhiều cách để vào đại học như xét học bạ, thi đánh giá năng lực, từ đó áp lực dành cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng được giảm bớt”, cô Trinh nhận xét.
Môn toán từ tự luận sang trắc nghiệm
Năm 2017 là lần đầu tiên môn toán ở kỳ thi quốc gia được chuyển sang thi hình thức trắc nghiệm.TS Trần Nam Dũng – phó hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho rằng nhiều câu hỏi phân loại trong đề thi tốt nghiệp môn toán đang ở hình thức “trắc nghiệm hóa” bài toán tự luận.Theo ông Dũng, có thể cải tiến hơn đề thi toán bằng cách cho vào các câu tự luận ở mức độ phân hóa bên cạnh các câu trắc nghiệm ở dạng cơ bản. Như thế sẽ hạn chế được những trường hợp “ăn may”. Đồng thời có thể đánh giá được khả năng suy nghĩ, hiểu bản chất vấn đề trong các bài toán khó ở các thí sinh.
Bỏ thi tốt nghiệp được không?
ThS Nguyễn Thanh Hải – hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Tiền Giang) – nhìn nhận một trong những bước ngoặt lớn nhất là khi gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ vào năm 2015.Bớt một kỳ thi là bớt gánh nặng cho học sinh và chi phí xã hội. Ngược lại, từ khi thi “2 trong 1”, đề thi buộc phải mang tính phân loại cao hơn.Có năm, một số đề không làm tốt được việc phân loại, dẫn đến điểm số thí sinh dôi lên đáng kể. Từ đó, một số ngành ở trường “hot” có khi lấy điểm chuẩn đến 30 điểm.Một băn khoăn khác của ông Hải là tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT những năm gần đây luôn ở mức “cao ngất”, có năm gần 99%. Mỗi kỳ thi lại huy động nhiều nguồn lực để tổ chức, như vậy có đáng hay không?Theo ông, nên nghiên cứu hướng tới cho các địa phương xét tốt nghiệp, riêng tuyển sinh sẽ giao quyền tự chủ lớn hơn cho các trường ĐH. Muốn như thế, trước hết cần giải quyết nút thắt ở Luật Giáo dục, đang yêu cầu cần phải thi và đáp ứng chuẩn đầu ra sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT.TS Lâm Thành Hiển – hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng – cho rằng một trong những mục tiêu lớn nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá chất lượng học sinh, từ đó những người làm giáo dục có thể xem xét việc dạy và học có đạt được những yêu cầu đề ra hay không, có cần phải thay đổi gì hay không?Đây là điều thường bị bỏ qua. Chẳng hạn, trong một năm mà điểm ngoại ngữ ở địa phương mình quá thấp, địa phương ấy nên có kế hoạch để điều chỉnh và bồi dưỡng môn học này trong những năm sau.TS Lâm Thành Hiển cho rằng trong thời gian tới, một nhiệm vụ khác cần được đặt ra từ các kỳ thi tốt nghiệp THPT là thu hẹp khoảng cách giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Rõ ràng đang có một độ chênh lớn khi điểm học bạ thì đẹp, điểm thi lại thấp.Cần đưa điểm học bạ tương đồng với điểm thi. Khi đã tương đồng, có thể đủ niềm tin để địa phương xét tốt nghiệp dựa vào điểm học bạ.
Khó như… trượt ĐH
Từng có thời gian giảng dạy tại ĐH Tennessee (Mỹ), TS Nguyễn Đông Hải – hiện là hiệu trưởng Trường THPT An Dương Vương (TP.HCM) – nêu thực tế ở Mỹ, tâm lý của các bạn trẻ không “sính” ĐH.
Thường chỉ có khoảng 40 – 50% học sinh hoàn thành bậc phổ thông sẽ vào ĐH. Còn lại, các em sẽ vào trường CĐ cộng đồng, CĐ nghề. Tâm lý này ngược lại với Việt Nam, khi phần đông các em muốn vào ĐH. “Cầu” cao, cạnh tranh sẽ cao.
Về “cung”, ở Việt Nam những năm gần đây ghi nhận sự gia tăng số trường ĐH khiến việc đậu ĐH đôi khi còn khó hơn… trượt.
“Nhưng nhìn ở một góc độ khác, xu hướng này cũng tạo một thách thức: làm thế nào để đậu vào những trường ĐH tốt, uy tín, chất lượng. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là một con đường để vào các trường ĐH tốt, vì thế áp lực trong kỳ thi dù giảm nhưng vẫn luôn hiện hữu”, ông Hải nói.
Nguồn: tuoitre.vn