Xóa đói giảm nghèo là một trong những chính sách lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, các địa phương, dân tộc. 20 năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Phước đã chung tay, góp sức tạo nên những chuyển biến đáng ghi nhận trong công cuộc giảm nghèo.
CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀO CUỘC
Ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) đã được quan tâm và dần trở thành phong trào phát triển ở hầu hết huyện, thị xã trong tỉnh. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền. Thông qua trợ giúp hộ nghèo về việc làm, vốn vay ưu đãi, trợ cước, trợ giá, nhà ở, đầu tư cơ sở hạ tầng, chăm lo sức khỏe, giáo dục, công tác XĐGN ở Bình Phước đã đạt được những thành tựu đáng kể. Năm 2000, toàn tỉnh về cơ bản xóa 100% hộ đói, giảm 8.622 hộ nghèo, đưa hộ nghèo của tỉnh từ 17,82% (đầu năm 1998) xuống còn 10,15%. Giai đoạn 2001-2005, toàn tỉnh giảm được 12.573 hộ nghèo. Đến cuối năm 2005, Bình Phước giải quyết dứt điểm tình trạng đói giáp hạt, hộ nghèo giảm còn 4%.
Bộ đội biên phòng Bình Phước hướng dẫn người dân cách phát hiện bệnh trên cây tiêu, nâng cao năng suất cây trồng
Chương trình giảm nghèo tiếp tục nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thể hiện ở việc ban hành các nghị quyết, quyết định, chương trình và hành động của các cấp. Hằng năm, mục tiêu giảm nghèo được đưa vào nghị quyết của các cấp ủy đảng, chính quyền. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, nhất là với hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Mặt trận Tổ quốc, các hội đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân đã tham gia và có vai trò rất quan trọng trong công tác XĐGN của tỉnh. Trong đó, cuộc vận động Quỹ “Vì người nghèo” đã trở thành hoạt động thường niên và sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần xóa nhà tranh tre, tạm bợ cho nhiều hộ nghèo trong tỉnh. Các hội đoàn thể đã xây dựng nhiều mô hình XĐGN; doanh nghiệp tích cực tham gia đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chương trình XĐGN, bộ mặt các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn của tỉnh đã thay đổi đáng kể; chất lượng cuộc sống của người dân nói chung và hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt.
Kết quả, giai đoạn 2001-2005, toàn tỉnh có 68.000 lượt hộ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế với 203 tỷ đồng. Giai đoạn 2011-2015, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo, cận nghèo đạt 573 tỷ 733 triệu đồng (trong đó cho vay hộ nghèo 316 tỷ 383 triệu đồng, hộ cận nghèo 257 tỷ 350 triệu đồng). Nhờ nguồn tín dụng ưu đãi này, hàng chục ngàn hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vốn kịp thời và sử dụng đúng mục đích đã vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, các hộ nghèo, cận nghèo còn được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xây nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ tiền điện… Đến cuối năm 2015, hộ nghèo của tỉnh giảm còn 2,96%.
HƯỚNG ĐẾN GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Bà Phạm Thị Mai Hương, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nói: “Sau 20 năm tái lập tỉnh, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của Bình Phước. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã có ý thức vươn lên, biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, tìm việc làm để tăng thu nhập và nộp đơn xin thoát nghèo”.
Để thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, UBND tỉnh vừa xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Bà Mai Hương cho biết, thay đổi tư duy, phương pháp xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp giảm nghèo đa chiều là mấu chốt quan trọng được tỉnh đặt ra trong giai đoạn mới. Chính sách và các dự án giảm nghèo sẽ được triển khai theo hướng giảm dần việc “cho không”, tăng cường cho vay có điều kiện, có hoàn trả nhằm nâng cao ý thức tự lực vươn lên của từng hộ nghèo, cận nghèo; hạn chế tối đa tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1% vào năm 2020, đòi hỏi tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác XĐGN; tiếp tục phát động phong trào giúp đỡ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đầu tư cơ sở hạ tầng; phối hợp, giám sát và phản biện xã hội trong việc thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo. Song song đó, tỉnh phải có giải pháp chấn chỉnh bệnh thành tích, kiểm soát chặt chẽ việc điều tra, bình xét hộ nghèo hằng năm để các chương trình, dự án giảm nghèo đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả lâu dài.
Minh Luận