Huế nổi tiếng là xứ thi ca, nhưng lâu nay du khách đến chơi cố đô chủ yếu thưởng thức nhạc, họa, kiến trúc và ẩm thực. Vậy văn chương xứ Huế với những giá trị đặc sắc đang ở đâu trong hệ thống sản phẩm du lịch cố đô?

Huế muốn khai thác du lịch văn chương - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến đề xuất xây dựng “Đồi thi nhân” tại khu vực đồi Vọng Cảnh nằm bên bờ sông Hương 

Chúng tôi sẽ đưa những ý tưởng, đề xuất của giới văn nghệ sĩ đến với chính quyền tỉnh và giới kinh doanh du lịch, nhằm nhanh chóng khai thác các giá trị đặc sắc của văn học nghệ thuật Huế để phát triển du lịch, để văn nghệ sĩ Huế cùng tham gia tạo ra sản phẩm du lịch xứ Huế.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc (chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế)

Phải làm thế nào để khai thác nguồn tài nguyên đó – không chỉ kho tàng tác phẩm văn chương đặc sắc mà còn một đội ngũ văn nhân thi sĩ xứ Huế hùng hậu – trở thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách đến Huế?

Những câu hỏi này vừa được đặt ra tại cuộc hội thảo do Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật và Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cùng tổ chức.

Thăm Nguyễn Du trên “Đồi thi nhân”

Đó là ý tưởng của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, được chính tác giả trình bày chi tiết như một dự án du lịch. Theo ông, xứ sở nào ở Việt Nam cũng có nhà thơ, nhưng chỉ có Huế được mệnh danh là xứ thơ vì đây vừa là “cái nôi của thơ” vừa là nơi quy tụ nhiều nhà thơ đến học hành, sinh sống suốt chiều dài lịch sử của vùng đất này.

Nơi đây từng lưu dấu ấn sâu đậm của thi hào Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Phan Bội Châu. Sách Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân vinh danh 44 nhà thơ thì đã có 14 nhà thơ từng học hành và phát tiết tài thơ ở Huế, về sau là gương mặt đại diện của nền thi ca Việt Nam: Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Bích Khê, Tế Hanh…

Huế có các vị vua không chỉ giỏi việc trị nước mà cũng rất giỏi làm thơ như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức…

Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đề xuất chọn một ngọn đồi phía tây nam Huế, nơi có phong cảnh nên thơ với cây xanh rợp mát, hoa thơm cỏ lạ, suối khe róc rách làm Đồi thi nhân. Không gian chính là ngọn đồi với khu tượng thi nhân trưng bày theo lịch sử, chủ đề, với bức tượng chính là thi hào Nguyễn Du và đỉnh đồi tạc hai câu thơ thể hiện tinh thần giữ nước.

Nơi đây có nhà trưng bày tác phẩm, tư liệu của thơ ca xứ Huế và Việt Nam như một bảo tàng thơ. Đây cũng là nơi để các nhà thơ đến giao lưu với độc giả, nơi biểu diễn nghệ thuật sắp đặt, trình diễn thơ và cũng là nơi tổ chức các buổi học ngoại khóa cho học sinh, sinh viên…

Theo nhà thơ Mai Văn Hoan – chủ tịch Chi hội Kiều học Việt Nam tại Huế, chỉ riêng dấu ấn của thi hào Nguyễn Du với 10 năm sống tại Huế và yên nghỉ cũng tại đây đã quá đủ cho du khách yêu Tố Như tìm đến.

Hướng dẫn viên đưa khách lên Đồi thi nhân và đọc hai câu thơ “Hương giang nhất phiến nguyệt / Kim cổ hứa đa sầu” (Một mảnh trăng trên sông Hương / Mà xưa nay đã gợi biết bao mối sầu) là du khách đã nao lòng với Huế…

Ông Lê Hữu Minh – quyền giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế – rất hào hứng với đề xuất của nhà thơ và cho biết đây là một ý tưởng khả thi, ông sẽ chuyển cho các nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện.

Thiên nhiên thơ mộng, lòng người giàu chất thơ, Huế cần có một công trình mang tên “Đồi thi nhân”. Đó sẽ là một không gian du lịch độc đáo.

Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ

Huế muốn khai thác du lịch văn chương - Ảnh 4.

Nhiều ý kiến đề xuất xây dựng “Đồi thi nhân” tại khu vực đồi Vọng Cảnh, nằm bên bờ sông Hương 

Hiểu sâu hơn xứ Huế

Vừa trở về sau chuyến du lịch văn chương xứ Hàn Quốc, nhà thơ Mai Văn Hoan cho biết khách du lịch đổ xô đến công viên Chunhyang để tận mắt chứng kiến câu chuyện tình của nàng Sung Chunhyang với chàng Lee Mongryong – một sản phẩm du lịch được xây dựng từ tác phẩm văn chương khuyết danh Chunhyang Jeon (Xuân Hương truyện) của Triều Tiên ra đời khoảng thế kỷ 18.

Nhà thơ cho hay ở các nước Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… loại hình “du lịch văn chương” đã có từ lâu và hiện đang phát triển mạnh. Khách du lịch đến Trung Quốc không thể bỏ qua Hoàng Hạc lâu, chùa Hàn Sơn – nơi các nhà thơ Thôi Hiệu, Lý Bạch, Trương Kế đề thơ.

Hay nhà lưu niệm thi sĩ Puskin, điền trang của văn hào Lev Tolstoy đã thành điểm tham quan đặc sắc của du lịch Nga.

“Huế cũng có kho tàng văn học, sao vẫn chưa thành sản phẩm du lịch để du khách có thêm điểm tham quan mà kéo dài thời gian lưu trú và hiểu sâu hơn về Huế?” – ông Hoan đặt vấn đề.

Từ gợi ý của nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong và nhà thơ Đông Hà, các công ty lữ hành có thể thiết kế rất nhiều tour du lịch kết nối nhà lưu niệm, làng quê, lăng mộ của các văn nhân thi sĩ xứ Huế.

Chỉ riêng thôn Vỹ Dạ cũng đã có phủ Tuy Lý Vương Miên Trinh, từ đường Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, gia đình Đạm Phương Nữ Sử – nhà văn Hải Triều (con trai) – nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Châu Hương Viên của Ưng Bình Thúc Giạ Thị và câu chuyện tình thơ bất hủ gắn liền bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử.

Huế muốn khai thác du lịch văn chương - Ảnh 5.

Phủ của hoàng tử kiêm nhà thơ Tùng Thiện Vương, chủ soái thi đàn Mặc Vân Thi Xã, là một điểm tham quan đậm đà chất Huế 

Một sản phẩm du lịch khả thi

Lâu nay, các đơn vị lữ hành cũng đã khai thác văn thơ xứ Huế để phục vụ du khách nhưng chỉ mới một vài bài thơ, một vài câu thơ kết hợp cùng nhạc, họa.

Công ty chúng tôi đã thiết kế tour 5 ngày với đủ món: tham quan lăng tẩm, chùa chiền, nhà vườn, đầm phá và cuối cùng là buổi trò chuyện với thầy Bửu Ý – dịch giả của nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng.

Hướng dẫn viên thành công nhất của chúng tôi là những người biết đưa những câu thơ hay về Huế vào câu chuyện kể cho du khách.

Du khách rất thích những câu thơ khắc trên đá ở chùa Huyền Không Sơn Thượng. Vì vậy, theo tôi, việc khai thác văn thơ Huế để tạo ra sản phẩm du lịch là hoàn toàn khả thi, thậm chí sẽ tạo ra những sản phẩm độc đáo.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : du kháchdu lịch văn chươngđồi Vọng CảnhHuếsông hương

Các tin liên quan đến bài viết