Theo thông tin trên tờ South China Morning Post (SCMP) và được trích dẫn bởi thông tấn Sputnik của Nga cho biết, các công ty công nghệ hàng đầu tại Trung Quốc đang hợp sức trong cuộc chiến liên quan đến chip giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các công ty công nghệ từ cả khu vực công và tư nhân của Trung Quốc đang hợp lực để tiêu chuẩn hóa thị trường bán dẫn nhằm bảo vệ các dây chuyền cung ứng quốc gia trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ với Trung Quốc

Theo đó, Ủy ban này được thành lập với 90 thành viên, bao gồm nhà cung cấp thiết bị viễn thông Huawei, nhà sản xuất chip SMIC, công ty bán dẫn HiSilicon, cũng như những gã khổng lồ công nghệ Tencent Holding, Xiaomi và Alibaba Group Holdings, cùng những người chơi khác.

Huawei, SMIC hợp sức trong cuộc chiến chip Mỹ – Trung

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) cho biết, để thực hiện mục tiêu đề ra, Viện Tiêu chuẩn hóa Điện tử Trung Quốc (CESI) đã đề xuất các kế hoạch, sẽ hỗ trợ và đảm bảo sự phát triển lành mạnh của ngành công nghiệp vi mạch tích hợp.

Huawei, SMIC hợp sức trong cuộc chiến chip Mỹ - Trung
Huawei, SMIC hợp sức trong cuộc chiến chip Mỹ – Trung

CESI cho biết thêm, sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong công nghệ vi mạch đã vượt qua các khuôn khổ tiêu chuẩn hóa trong thiết kế chip, đóng gói, thử nghiệm và các tiêu chuẩn khác do Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế đặt ra trong những năm gần đây. Việc thiếu các tiêu chuẩn gây ra khó khăn trong việc duy trì “một môi trường công nghiệp có trật tự” do chi phí truyền thông giữa các công ty bán dẫn và khách hàng tăng cao.

Những nỗ lực này diễn ra chỉ vài ngày sau khi một quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng cách tiếp cận “cả nước” để tách biệt khỏi công nghệ nước ngoài bất chấp những thách thức từ khoảng cách công nghệ và các lệnh trừng phạt của nước ngoài trong cuộc chiến thương mại.

Thông báo này được đưa ra vài tháng sau khi Trung Quốc cam kết chi 1,4 nghìn tỷ USD để xây dựng các công nghệ, bao gồm cơ sở hạ tầng, trí tuệ nhân tạo, 5G, năng lượng xanh và nhiều thứ khác, nhằm giảm sự phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu chính của nước ngoài.

Trong một động thái mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoãn thực thi một lệnh hành pháp được đưa ra vào tháng 11 năm 2020 dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump đến ngày 27 tháng 5 tới để xem xét lại cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, vốn đã đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen trong những năm gần đây, với lý do bị cáo buộc có quan hệ với Đảng Cộng sản và quân đội Trung Quốc, đưa quan hệ song phương của hai nước xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Thông tin từ SCMP cho biết, SEMI – một hiệp hội lớn của các nhà sản xuất chip toàn cầu, bao gồm Samsung, Intel, Micron Technologies và những người chơi khác, đã thúc giục Tổng thống Mỹ trong một bức thư ngỏ đề nghị đánh giá lại các hạn chế xuất khẩu đối với các công ty Trung Quốc từ chính quyền của Trump.

Bức thư kêu gọi chính quyền của Tổng thống Biden xem xét các hạn chế đối với Huawei, SMIC và các công ty Trung Quốc khác và ưu tiên các giấy phép thương mại còn tồn đọng hoặc có nguy cơ làm tổn hại đến sự đổi mới của Mỹ và buộc các công ty phải chịu các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh.

SEMI cho rằng, mặc dù các lệnh trừng phạt là một “công cụ an ninh quốc gia mạnh mẽ”, nhưng chúng đã tạo ra sự mất công bằng cho các công ty Mỹ vì khách hàng Trung Quốc có thể tìm các nhà cung cấp thay thế ở các nước khác.

Steven Weber, Giáo sư khoa học chính trị tại đại học UC Berkeley cho biết, trong một số lĩnh vực, đặc biệt là đối với lĩnh vực chip, Tổng thống Biden có thể thay đổi chính sách và hạ thấp nhiều lệnh cấm được đưa ra dưới thời của Tổng thống Trump để ủng hộ chiến lược của mình.

Tuy nhiên, nhà phân tích về lĩnh vực chip của công ty nghiên cứu Gartner – ông Sheng Linghai thì cho rằng, bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ không đến một cách nhanh chóng và trước mắt Biden còn phải tập trung vào các vấn đề khác.

Trong một bài phát biểu gần đây trước Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết: “Chúng ta nên cố gắng khởi động lại đối thoại, đi đúng hướng và xây dựng lại lòng tin lẫn nhau trong giai đoạn tiếp theo của quan hệ Trung-Mỹ”.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, chính quyền Mỹ đã thêm hơn 70 công ty công nghệ Trung Quốc vào Danh sách thực thể vào tháng 5 năm 2019 với lý do có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia của Mỹ. Các hạn chế khác cũng được áp dụng đối với các công ty công nghệ của Trung Quốc nhiều tuần trước khi Tổng thống Trump rời Nhà Trắng.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : CESIHuaweiMỹ - TrungSMIC

Các tin liên quan đến bài viết