Bình Phước là tỉnh biên giới, có tổng diện tích đất rừng gần 148.000ha, chiếm 21,53% diện tích toàn tỉnh. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt, thiên tai diễn ra ngày càng nhiều với quy mô, tính chất phức tạp.
Theo ghi nhận, năm 2017, toàn tỉnh xảy ra hơn 100 vụ giông, lốc, lũ cục bộ… làm gãy đổ hàng chục ngàn héc-ta tiêu, điều, cao su…, sập đổ nhà ở gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 8 khu công nghiệp, một khu kinh tế cửa khẩu, hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau và hầu hết đều sử dụng các loại hóa chất, vật liệu dễ gây cháy, nổ. Trong năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 30 vụ cháy, gây thiệt hại gần 13 tỷ đồng.
Huấn luyện phương án cứu nạn tại Bộ CHQS tỉnh Bình Phước. |
Trước thực trạng này, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước xác định công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN) là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên liên tục, là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của lực lượng vũ trang. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã quán triệt các văn bản chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 7, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước về công tác PCTT, TKCN. Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh cũng đã xây dựng nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, phương án PCTT, TKCN… từ cấp tỉnh đến cơ sở. Thường xuyên quan hệ chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Quốc phòng và Quân khu 7 đứng chân trên địa bàn, với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn để sẵn sàng liên hệ, chi viện cho nhau thực hiện công tác PCTT, TKCN. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Bùi Minh Đăng, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Phước cho biết: “Đơn vị thường xuyên tổ chức huấn luyện kỹ các nội dung trong chương trình huấn luyện PCTT, TKCN cho các đối tượng, bảo đảm 100% cán bộ, chiến sĩ nắm chắc các phương án cứu hộ. Khi có tình huống xảy ra chúng tôi nhanh chóng điều động lực lượng xử lý, lấy lực lượng tại chỗ là chủ yếu”.
Năm 2017, tỉnh Bình Phước đã huy động hơn 2.500 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân khắc phục hậu quả mưa bão. Cơ quan quân sự các địa phương đã huy động hơn 1.450 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực và dân quân tự vệ tham gia giúp dân khắc phục hậu quả do hỏa hoạn gây ra. Ban CHQS các xã, phường có rừng phòng hộ đã phối hợp với công an, kiểm lâm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương áp dụng mô hình giao khoán rừng cho các khu dân cư, hộ gia đình nhận trồng mới, chăm sóc, bảo vệ; 100% xã có rừng đã xây dựng phương án phòng, chống cháy rừng theo quy định; 100% xã, phường, thị trấn thành lập ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và xây dựng phương án chữa cháy tại chỗ. Vì thế, thời gian qua, mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng lớn, nhưng trên toàn tỉnh Bình Phước không xảy ra cháy rừng.
Có được những kết quả này một phần quan trọng là do có sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh trong thực hiện công tác PCTT, TKCN, nhất là việc quán triệt, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Khi có tình huống xảy ra, các lực lượng đã kịp thời phối hợp, xử trí kịp thời, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.