Thúc đẩy ngành du lịch phát triển có thể là sự bù đắp cho suy giảm thương mại, sản xuất hàng hóa của Việt Nam trong năm 2023, trong đó có sự hồi phục của nguồn khách từ Trung Quốc.
Sự phục hồi của thị trường khách châu Á sẽ góp phần làm sôi động ngành du lịch trong năm 2023
Du lịch sẽ là ngành then chốt trong năm 2023, và nguồn tăng trưởng của ngành này có thể sẽ đóng góp vào nền kinh tế, bù đắp phần nào sự sụt giảm của hoạt động sản xuất.
Đưa ra nhận định này trong báo cáo mới nhất về lát cắt nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia của HSBC cho rằng trong năm 2023 kinh tế Việt Nam sẽ chứng kiến sự dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Đây sẽ có thể là yếu tố giữ cho nền kinh tế Việt Nam vững vàng bất chấp tình hình thương mại đang chậm lại.
Sau khi mở cửa trở lại vào tháng 3-2022, du lịch nội địa của Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng du lịch quốc tế, vốn chiếm 60% doanh thu du lịch, lại không mấy sôi động. Tuy vậy, du lịch Việt Nam có những lý do chính đáng để nhìn về một sự phục hồi mạnh mẽ hơn, đặc biệt thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại từ ngày 8-1.
“Theo quan điểm của chúng tôi, Việt Nam có thể đạt được tỉ lệ khách du lịch Trung Quốc quay lại từ 50-80%, tương ứng từ 3 – 4,5 triệu lượt”, các chuyên gia của HSBC dự đoán.
Màu đỏ là nguồn khách Trung Quốc trong cơ cấu đón khách của một số nước ở khu vực Đông Nam Á
Cần gỡ nhiều nút thắt
Cơ hội tăng trưởng của ngành này vì thế không hề nhỏ. Nhưng để ngành này thực sự bùng nổ, Việt Nam phải giải quyết các nút thắt hiện nay như sự hạn chế chuyến bay với các thị trường lớn, và phải nới lỏng các yêu cầu về thị thực. Bên cạnh đó, Việt Nam phải nỗ lực mở rộng các cơ sở lưu trú, đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm tiếp tục thúc đẩy dòng khách du lịch.
Mặc dù quá trình phục hồi nguồn khách Trung Quốc có thể diễn ra từ từ, nhưng tác động đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn xét trên nhiều phương diện. Trước dịch COVID-19, trung bình khách du lịch Trung Quốc đã chi tiêu nhiều hơn và thời gian các chuyến đi dài hơn so với trước.
Việt Nam đón 3,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2022, chủ yếu là du khách đến từ Hàn Quốc (26%) và Mỹ (9%). Du lịch quốc tế mới chỉ phục hồi phần nào chứ chưa hẳn là hoàn toàn khi lượng khách chỉ bằng 20% so với mức của năm 2019.
“Điều đó càng nhấn mạnh tiềm năng đáng kể để mảng dịch vụ tiếp tục phát triển trong bối cảnh nhu cầu thương mại hàng hóa toàn cầu chậm lại. Năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu thu hút 8 triệu lượt khách quốc tế, với doanh thu từ du lịch dự kiến sẽ tăng hơn 30%. Vào năm 2019, tổng doanh thu du lịch từng cao tương đương 10% GDP”, chuyên gia HSBC lưu ý.
Không ngạc nhiên khi dữ liệu có chút đột biến vì Tết năm nay đến sớm. Mặc dù vậy, dữ liệu tiếp tục cho thấy những rủi ro suy giảm tăng trưởng và lạm phát cao.
Về tăng trưởng, các chỉ số thương mại của Việt Nam tiếp tục xấu đi, mặc dù một phần là do hiệu ứng cơ sở dịp Tết.
Mặc dù vậy, triển vọng FDI tươi sáng và nhu cầu trong nước vẫn mạnh mẽ có thể bù đắp một phần cho một số suy yếu trong lĩnh vực bên ngoài. Trong khi đó, không giống như hầu hết các quốc gia khác trong khu vực, lạm phát tiếp tục gia tăng, với nhiều rủi ro hơn đối với lạm phát cơ bản.
Nguồn: tuoitre.vn