T. đã từng có thời gian 5-6 năm thức khuya đến tận sáng, thỉnh thoảng nhịn ăn và uống thuốc giảm cân.
Chiều tối 18/9 vừa qua, hotgirl Hải Phòng Đ.H.T đã ra đi mãi mãi ở tuổi 26 vì ung thư dạ dày khiến nhiều người không khỏi xót thương, tiếc nuối.
T. phát hiện ung thư dạ dày cách đây 1,5 năm, đã từng phẫu thuật tại một bệnh viện ung bướu ở Hà Nội. Tuy nhiên sau đó cô chủ quan không tái khám lại định kỳ mà tự uống thuốc ở nhà.
Hình ảnh của T. trong buổi tiệc sinh nhật mừng tuổi 26 cách đây hơn 2 tháng |
Gần 1 tháng trở lại đây, khi thấy bệnh nặng lên, cô mới vào BV Bạch Mai điều trị nhưng ung thư dạ dày đã ở giai đoạn quá muộn, bác sĩ không thể can thiệp gì do khối u đã di căn nhiều bộ phận, hạch ở toàn bộ ổ bụng chèn ép gây tắc mật. Bệnh nhân cũng bị rối loạn đông máu, thiếu máu trầm trọng, suy nhược cơ thể, vàng da.
Suốt 3 tuần điều trị ở BV Bạch Mai đến trước khi qua đời, các bác sĩ chỉ có thể dẫn lưu mật và tiêm morphine giảm đau cho T.
Nhịn ăn sáng, stress là một trong những yếu tố nguy cơ
Về thông tin cho rằng T. mắc ung thư dạ dày do thói quen thức khuya, bỏ bữa sáng, một người bạn của T. cho biết đó chỉ là một phần. Theo đó T. hay ăn uống và sinh hoạt thất thường, thỉnh thoảng nhịn ăn và uống thuốc giảm cân. Đặc biệt 5-6 năm liên tiếp, T. thường thức khuya đến gần sáng mới ngủ. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là T. thường xuyên bị stress.
Nói rõ hơn về nguyên nhân gây ung thư dạ dày, BS Nguyễn Thanh Hùng, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai – bác sĩ trực tiếp điều trị cho T. cho biết, đến nay trong y văn, sách vở chưa từng nhắc tới việc bỏ ăn sáng, thức khuya gây ung thư dạ dày.
Bỏ ăn sáng có thể khiến dạ dày tiết dịch vị tiêu hoá nhưng không được sử dụng, nguy cơ gây viêm loét dạ dày. Còn thức khuya làm căng thằng thần kinh, có thể làm tăng nguy cơ viêm loét. Nếu viêm loét dạ dày kéo dài, nguy cơ ung thư dạ dày sẽ cao hơn những người khác.
Theo BS Hùng, đến nay, ung thư dạ dày vẫn chưa rõ nguyên nhân, khoa học mới tìm ra những yếu tố thuận lợi. Trong đó khoảng 70% trường hợp mắc ung thư dạ dày do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP); 10% ung thư dạ dày do di truyền khi người thân trong gia đình mắc bệnh.
Hầu hết các trường hợp mắc ung thư dạ dày đều nhiễm vi khuẩn HP |
Còn lại là các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc lá, căng thẳng kéo dài, ăn các thực phẩm kích thích mạnh như cay, nóng, mặn, béo phì… Trong đó các trường hợp hút thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 40%, thậm chí 82% ở người nghiện. Stress kéo dài có thể gây ra các bệnh trào ngược dịch vị dạ dày thực quản, cũng như viêm loét dạ dày tá tràng, là một yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư dạ dày.
Tại Việt Nam, ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến hàng đầu, xếp thứ 2 ở nam giới (sau ung thư phổi) và xếp thứ 5 ở nữ giới.
Theo ghi nhận, mỗi năm nước ta có trên 15.000 ca mắc mới và hơn 11.000 trường hợp tử vong vì ung thư dạ dày.
99% ung thư dạ dày ở Việt Nam phát hiện muộn
GS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K cho biết, dù là một trong những loại ung thư phổ biến hàng đầu song trong số hàng nghìn ca ung thư dạ dày điều trị tại BV mỗi năm, chỉ có khoảng 30 ca phát hiện sớm do người dân chưa có thói quen khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm bệnh.
“Trong khi với ung thư dạ dày, tỉ lệ chữa khỏi ở giai đoạn rất sớm gần như đạt 100%, càng để muộn thì tỉ lệ chữa khỏi càng thấp”, PGS Thuấn nói.
Ông cho hay, Nhật Bản là nước có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày thuộc nhóm cao nhất thế giới, tuy nhiên đây cũng là quốc gia có tỉ lệ chữa khỏi ung thư dạ dày cao nhất thế giới, với trên 80%.
5 dấu hiệu đặc trưng khi mắc ung thư dạ dày
– Nôn hay đại tiện ra máu: Dù đây không phải dấu hiệu đặc biệt của ung thư dạ dày vì viêm ruột, viêm đại tràng cũng có thể có triệu chứng tương tự nhưng khi có dấu hiệu này cần đi khám ngay.
– Sụt cân bất thường
– Đau dạ dày dai dẳng
– Chán ăn, ăn không ngon
– Ợ nóng, khó tiêu: Đây được xem là một trong những biểu hiện sớm của ung thư dạ dày.
Giai đoạn sớm, 1 triệu đồng là khỏi
GS Thuấn cho biết, ở giai đoạn sớm, bác sĩ chỉ cần nội soi cắt hớt lớp niêm mạc là bệnh nhân sẽ khỏi với chi phí chỉ 1-2 triệu đồng.
Giai đoạn muộn hơn, người bệnh sẽ phải mổ (mở hoặc nội soi) để cắt khối u. Dựa trên kết quả sau mổ, bác sĩ sẽ cân nhắc có tiếp tục truyền hoá chất, xạ trị.
Hình ảnh khối u dạ dày ở giai đoạn sớm |
Phương pháp nội soi cắt dạ dày chỉ chỉ định cho những trường hợp mắc ở giai đoạn 1-3. Mổ nội soi giúp giảm tối đa tổn thương các mô lành xung quanh, thời gian hồi phục sau mổ nhanh hơn và đảm bảo thẩm mỹ.
Để phát hiện sớm ung thư dạ dày, Giám đốc BV K khuyến cáo, người dân nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, trong đó có nội soi dạ dày từ 1-2 lần/năm, đặc biệt với những người trên 40 tuổi, và những trường hợp viêm loét dạ dày mãn tính. Nếu nội soi lần đầu không có gì bất thường thì những lần sau có thể làm 2 năm/lần.
Những trường hợp có người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư (ung thư vú, đa polip đại trực tràng, tiền sử nhiễm HP, viêm gan…) cần đi khám sàng lọc ở tuổi sớm hơn.
Nguồn: vietnamnet