Cơ quan Y tế Hong Kong (Trung Quốc) vừa ghi nhận 2 trường hợp người lớn tuổi mắc bệnh mạn tính tử vong sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 do công ty ở đại lục sản xuất.
Sputnik trích dẫn thông cáo ngày 14/5 của nhà chức trách y tế Hong Kong cho hay, 2 ca bệnh nói trên qua đời tại bệnh viện trong lúc đang điều trị hôm 13/5.
Trường hợp tử vong đầu tiên là một cụ ông 80 tuổi, mắc bệnh thiếu máu cục bộ đường ruột. Ông đã tiêm vắc-xin ngừa virus corona chủng mới có tên CoronaVac do công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc Sinovac phát triển ngày 1/3.
Người dân Hong Kong xếp hàng chờ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. |
Trường hợp tử vong thứ hai là một cụ ông 67 tuổi, đã được tiêm CoronaVac vào ngày 2/3. 9 ngày sau, ông đột ngột bất tỉnh ở nơi công cộng và được đưa vào cấp cứu trong bệnh viện. Người đàn ông này có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, áp huyết cao và tăng lipid máu.
Theo cơ quan y tế Hong Kong, một cụ ông khác, 63 tuổi với tiền sử mắc bệnh đa hồng cầu, rung nhĩ, suy tim và gan nhiễm mỡ do nghiên rượu bắt đầu có các triệu chứng đáng ngờ hôm 10/3, một ngày sau khi tiêm vắc-xin CoronaVac. Ông được đưa vào phòng hồi sức tích cực của bệnh viện trong tình trạng nghiêm trọng cuối tuần qua.
Đặc khu hành chính Hong Kong đã bắt chiến dịch chủng ngừa hôm 26/2 và cho đến nay đã tiêm phòng cho hơn 160.000 người. Vùng lãnh thổ này hiện ghi nhận gần 11.300 ca nhiễm với 203 trường hợp tử vong vì dịch.
Hà Lan, Ireland tạm dừng tiêm vắc-xin AstraZeneca
Chính phủ Hà Lan hôm 14/3 tuyên bố sẽ tạm ngưng chương trình chủng ngừa Covid-19 bằng vắc-xin do hãng dược phẩm liên doanh Anh – Thụy Điển AstraZeneca bào chế, ít nhất tới ngày 29/3. Cùng ngày, Ireland cũng thông báo động thái tương tự trước những lo ngại về một số trường hợp bị đông máu sau tiêm vắc-xin ở Na Uy.
Trước đó, một số nước, bao gồm cả Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Thái Lan đã đình chỉ việc sử dụng vắc-xin AstraZeneca như “biện pháp phòng ngừa” các rủi ro. Tuy nhiên, nhà sản xuất khẳng định, kết quả kiểm tra đối với hơn 17 triệu người đã tiêm phòng ở châu Âu không phát hiện bằng chứng về việc tăng nguy cơ thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) hoặc giảm tiểu cầu ở bất kỳ nhóm tuổi, giới tính, lô vắc-xin hoặc ở bất kỳ quốc gia cụ thể nào.
Phát ngôn viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Harris hôm 12/3 cũng khẳng định, hiện không có lí do gì khiến các nước phải ngưng dùng vắc-xin AstraZeneca.
Bộ trưởng Lao động Pháp nhiễm Covid-19
Bộ trưởng Lao động Pháp Elisabeth Borne thông báo trên Twitter rằng, bà vừa được chẩn đoán dương tính với virus corona chủng mới. Song, quan chức này cho hay bà chỉ có các triệu chứng nhẹ và sẽ tiếp tục làm việc từ xa trong thời gian tự cách ly.
Bộ Y tế Pháp thống kê, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 26.343 ca nhiễm mới và 114 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên hơn 4 triệu người với 90.429 trường hợp không qua khỏi.
Thủ tướng Jean Castex nhấn mạnh, Pháp sẽ phải làm mọi cách để tránh phải áp phong tỏa lần nữa trong bối cảnh áp lực vì dịch lên các bệnh viện gia tăng. Thay vì triển khai các biện pháp phòng tỏa toàn quốc lần thứ 3, chính phủ Pháp đã ban hành lệnh giới nghiêm từ 18 giờ tối khắp cả nước và áp phong tỏa dịp cuối tuần ở 2 vùng “điểm nóng”, đồng thời cho đóng cửa các trung tâm mua sắm.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
– Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 15/3 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 120,4 triệu người, trong đó xấp xỉ 2,7 triệu ca tử vong. Song, hơn 96,9 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục, tương đương tỷ lệ khỏi bệnh trên 80,5%.
– Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 30 triệu ca mắc và 547.189 người không qua khỏi. Tiến sĩ Anthony Fauci, trưởng cố vấn y tế về phòng chống Covid-19 cho Tổng thống Joe Biden kêu gọi mọi người dân Mỹ tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của chính quyền liên bang, giãn cách xã hội và tiêm vắc-xin khi đến lượt. Ông cũng kêu gọi cựu Tổng thống Donald Trump khuyến khích những người ủng hộ ông hãy sẵn sàng tiêm vắc-xin để nước này sớm hoàn thành mục tiêu chủng ngừa.
– Hơn 1/4 trong tổng số 19 triệu dân của Chile đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin ngừa Covid-19, đưa quốc gia Nam Mỹ này vào tốp gần đứng đầu các nước đã chủng ngừa đại trà cho người dân. Chile bắt đắt đầu tiêm hơn 100.000 mũi vắc-xin gần như mỗi ngày từ đầu tháng 2 năm nay.
– Theo Reuters, một tuần sau khi Chính phủ Israel cho mở cửa trở lại hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, số ca nhiễm mới tại nước này tiếp tục giảm nhờ hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng toàn quốc. Israel hiện đi đầu thế giới về tốc độ chủng ngừa Covid-19, với khoảng 5,13 triệu người trên tổng số hơn 9 triệu dân đã được tiêm phòng ít nhất một mũi vắc-xin, trong khi số người tiêm đủ hai mũi là 4,12 triệu người.
– Do lo ngại nguy cơ lây lan dịch, Nhật đang cân nhắc việc giới hạn số lượng khán giả đến các địa điểm thi đấu Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 xuống 50% sức chứa. Song, nếu tình hình đại dịch cải thiện, có thể sẽ có nhiều người được phép tới xem trực tiếp hơn. Ban tổ chức Olympics của Nhật sẽ thông báo quyết định cuối cùng trong tháng 4.
Nguồn: vietnamnet