Di cư tự do đến Bình Phước lập nghiệp và sinh sống đã hàng chục năm nhưng người Tày, Nùng vẫn không nguôi nhớ núi rừng Việt Bắc cùng tiếng đàn, câu hát, những trò chơi dân gian đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Bằng nhiều cách, đồng bào Tày, Nùng vẫn giữ được văn hóa truyền thống. Không chỉ vậy, họ còn tiếp nối, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp đến đông đảo cộng đồng, xã hội.
Ở Bình Phước, người Tày, Nùng tuy sinh sống tập trung ở những khu vực khác nhau nhưng họ vẫn thường xuyên kết nối, giao lưu, cùng bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc. Điều đó được thể hiện rõ qua các điệu hát, trò chơi dân gian trong ngày lễ, hội và được tổ chức bài bản, giữ đúng tinh thần, bản sắc văn hóa ông cha để lại.
ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC
Ông Nông Văn Phùng (dân tộc Tày) sống tại ấp Đồng Bia, xã Tân Lợi (Đồng Phú) đã hơn 30 năm, kể: “Rời quê hương vào Đồng Phú lập nghiệp, điều kiện kinh tế của chúng tôi rất khó khăn. Quanh năm đầu tắt mặt tối làm rẫy, làm thuê lo cái ăn, cái mặc. Bây giờ cuộc sống đã cải thiện nên muốn khôi phục một số phong tục tập quán của dân tộc mình để nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội”.
Một tiết mục biểu diễn đàn tính, hát then của đội văn nghệ ấp Thuận Tân, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2017
Đã thành lệ, dịp đầu năm mới đồng bào Tày, Nùng sinh sống trên địa bàn huyện Đồng Phú lại tập trung về Nhà văn hóa ấp Đồng Bia, xã Tân Lợi và ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến (Đồng Phú) để hòa mình vào lễ hội mùa xuân. Trước đó, người dân tranh thủ dọn vệ sinh, chuẩn bị sân bãi, dụng cụ để tham gia các trò chơi dân gian. Trên bãi đất rộng, một cây nêu cao gần 20m được dựng làm cột tung còn, phần ngọn lấy một thanh tre uốn thành vòng tròn rồi dùng giấy đỏ dán kín, ở giữa khoét một vòng tròn nhỏ. Quả còn do 4 bộ phận ghép thành, bầu còn gồm 4 mảnh vải màu hình tam giác khâu lại, phần trong bầu được nhồi mùn cưa hoặc cát. Chơi còn dễ mà khó, người chơi tung được quả còn qua vòng tròn trên ngọn cây nêu sẽ chiến thắng. Đây là trò chơi không thể thiếu của người Tày, Nùng vào dịp lễ, hội; cũng là nơi nam thanh, nữ tú gặp gỡ, trao duyên.
Ngoài ném còn, trò chơi thu hút nhiều người tham gia và rộn ràng nhất là lày cỏ – trò chơi đếm số, thể hiện sự nhanh tay, nhanh mắt của người chơi. Trò chơi này không phân biệt tuổi tác và chỉ có đàn ông tham gia. Lày cỏ có thể chơi giữa một người với một người, hoặc lập đội mỗi bên từ 2 người trở lên. Cách chơi lày cỏ (giống trò chơi oẳn tù tì), tuy nhiên chỉ đếm tổng số ngón tay trên một bàn tay của hai người chơi đưa ra, một trong hai người đọc đúng thì trò chơi sẽ dừng lại, người thua cuộc bị phạt uống một ly rượu. Nghe thì có vẻ chẳng hấp dẫn, thế nhưng bằng những âm, vần, ngữ điệu cao thấp trong cách hô, lúc nhẹ nhàng lôi cuốn, lúc cao trào như khẩu chiến ra trận, lại đặc biệt cuốn hút người xem. Cho dù không phải là người bản địa, không hiểu tiếng Tày, Nùng, không biết gì về trò chơi này nhưng người xem vẫn bị cuốn hút, bởi nó mang đậm nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng Tày, Nùng và gắn bó với họ trong cuộc sống hằng ngày. Với đồng bào Tày, Nùng, rượu không chỉ là thức uống mà còn là văn hóa nên những cuộc chơi lày cỏ chỉ kết thúc khi một trong hai người chơi đã chuếnh choáng say.
Cùng với ném còn, lày cỏ, các trò chơi dân gian khác như đánh cù, nhảy bao bố, đi cà kheo, kéo co… đều được đồng bào Tày, Nùng yêu thích bởi mỗi trò chơi đều thể hiện sự khéo léo, đoàn kết, nhanh nhẹn, bền bỉ của người tham gia. Ông Lê Xuân Nghị, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Đồng Phú cho biết: Việc lồng ghép các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Tày, Nùng vào lễ hội không chỉ giúp đồng bào bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa độc đáo của dân tộc mình, mà còn là cách để giới thiệu tới cộng đồng các dân tộc chung sống trên địa bàn một “mâm cỗ” tinh thần vô cùng quý giá của đồng bào Việt Bắc – cái nôi của cách mạng, để cùng thưởng thức, giao lưu, từ đó hiểu nhau và đoàn kết hơn trong cuộc sống.
VANG MÃI ĐIỆU THEN
Năm nay đã gần 70 tuổi nhưng tình yêu dành cho cây đàn tính và điệu then vẫn luôn cháy bỏng trong bà Hoàng Thị Dung (dân tộc Nùng), ngụ ấp Thuận Tân, xã Thuận Lợi (Đồng Phú).
Sinh ra ở Cao Bằng, quê hương của làn điệu then nên từ lúc trẻ, bà Dung được tiếp xúc với đàn tính, hát then. Năm 1992, gia đình bà vào Bình Phước lập nghiệp. Tối nào bà cũng mang cây đàn tính ngân nga vài điệu then để vơi nỗi nhớ nhà và quên đi những nhọc nhằn trong cuộc sống. Năm 2008, bà thành lập đội hát then ấp Thuận Tân gồm 5 thành viên để sinh hoạt văn nghệ, tạo không vui vẻ cho người dân trong ấp sau những giờ lao động mệt nhọc. Sau hơn 10 năm thành lập, đội hát then ấp Thuận Tân không chỉ hát cho nhau nghe mà còn thường xuyên tham gia biểu diễn tại các sự kiện, hội thi trong và ngoài huyện. Với bà Dung, việc giữ gìn hát then, đàn tính là giữ gìn tinh hoa văn hóa của dân tộc để mỗi người dân xa quê không quên cái gốc của mình. Vì vậy, bà luôn nhiệt tình truyền dạy hát then, đàn tính cho thế hệ trẻ. Bà Dung nói: “Trong ấp có 3 cháu đam mê và đã biết hát then, đàn tính. Mỗi lần địa phương tổ chức sự kiện, hội thi các cháu đều tham gia biểu diễn. Mong sao các cháu tiếp tục giữ niềm đam mê và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc”.
Bà Hoàng Hồng Loan (dân tộc Nùng), trú ấp 5, xã Phước Sơn (Bù Đăng) cho biết: “Hát then, đàn tính là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Nùng. Kinh tế dần phát triển, cuộc sống ổn định, tôi vận động chị em trong ấp thành lập đội văn nghệ đàn tính, hát then vừa giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc vừa kết nối những người xa quê với nhau”. Đến nay, đội văn nghệ có 10 người, già, trẻ đều có, ai cũng biết hát, biết đàn. Tranh thủ thời gian nhàn rỗi, đặc biệt vào buổi tối, các thành viên tập trung tại nhà một thành viên trong đội để tập luyện, sáng tác lời mới và dạy các em nhỏ. Đội văn nghệ thường xuyên đi biểu diễn tại các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh, vừa thỏa mãn niềm đam mê vừa giới thiệu đến bạn bè các địa phương trong cả nước về văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Hiện nay, ngành văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh vẫn chưa có chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa của đồng bào Tày, Nùng trên đất Bình Phước. Những gì mà người Tày, Nùng ở Bình Phước đang gìn giữ, phát huy và lưu truyền qua bao thế hệ rất đáng được ghi nhận và trân quý.
Theo Báo Bình Phước