Việc được chạm vào chiếc ghế thần tượng ngồi mà thấy thỏa mãn đến mức phải hôn ghế chứng tỏ bạn trẻ đó là nạn nhân của cuộc sống thiếu lành mạnh.
Chia sẻ trong một chương trình truyền hình về chủ đề “Lệch lạc xu hướng thần tượng ở giới trẻ”, Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A có lý giải cho hiện tượng giới trẻ hôn ghế thần tượng.
Theo lý giải của Thạc sĩ Tô Nhi A, không phải hiện nay giới trẻ mới có xu hướng thần tượng một ai đó, mà ngay từ xưa, thế hệ trước cũng có xu hướng này. Ví dụ như bố mẹ cô cũng thần tượng các nhân vật trong tiểu thuyết và đặt tên con gái theo nhân vật.

Chen lấn, gào thét tên thần tượng đến mệt lả. Ảnh: TTO
Về giới trẻ ngày này, vị chuyên gia tâm lý cho rằng việc thần tượng ngôi sao quá mức là do phát triển của mạng xã hội, giới trẻ có cơ hội bày tỏ sự hâm mộ. Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân nữa là do gia đình các em thiếu sự định hướng giáo dục cần thiết. Đỉnh điểm của việc giới trẻ thần tượng các nghệ sĩ Hàn là hành động hôn lên chiếc ghế mà thần tượng ngồi.
Theo Thạc sĩ Tô Nhi A, nếu bạn trẻ đó được nuôi dưỡng trong gia đình có mối liên kết lành mạnh, được trao đổi với phụ huynh và được phụ huynh lắng nghe, và nếu bạn đó có đời sống tinh thần phong phú, đủ đầy thì chắc chắn không có hành vi đó.
Hành động phát cuồng vì thần tượng đó chỉ xảy ra ở những bạn trẻ có cuộc sống bị mất cân bằng, dành phần lớn thời gian trong ngày cho thần tượng, hầu như không có sự níu kéo từ gia đình hay mối quan hệ với người thân, bạn bè. Thường là bạn trẻ đó không cân bằng được cuộc sống giữa thực tại và cuộc sống trong thế giới ảo.
“Việc được chạm vào chiếc ghế thần tượng ngồi mà cảm thấy thỏa mãn đến mức phải hôn chiếc ghế đó chứng tỏ bạn trẻ đó là nạn nhân của cuộc sống thiếu lành mạnh”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng xu hướng thần tượng của giới trẻ cũng thay đổi rất nhanh, thường chạy theo cái mới và bỏ quên ngay xu hướng cũ. Thạc sĩ Tô Nhi A lấy ví dụ từ một ngôi sao ca nhạc mới nổi được rất nhiều bạn trẻ hâm mộ, tuy nhiên, khi xuất hiện nhân tố mới lập tức quay lưng.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng nói thêm, tâm lý thần tượng còn do tính tò mò, thấy cái gì thú vị, hay hay thì quan tâm. Dẫn chứng từ câu chuyện của Khá Bảnh, vị chuyên gia cho biết, khi được khảo sát có tới 90% học sinh một trường THPT đều nói biết Khá Bảnh, nhưng không ai ủng hộ hành vi của nhân vật này, tuy nhiên vẫn có khoảng 30% cảm thấy thú vị trước các clip của Khá Bảnh. Lý do đưa ra là các bạn trẻ cảm thấy cách ăn nói, hành động múa quạt đó “hay hay”.
Nói tất cả những điều trên, Thạc sĩ Tô Nhi A cho rằng, việc thần tượng một ai đó là một quá trình phát triển bình thường, nhưng cần có định hướng, hướng tới những hành động tốt, có ích cho xã hội.
Trước đó đã có nhiều chuyên gia tâm lý giáo dục, ĐBQH cùng lên tướng cảnh báo về một xu hướng thần tượng lệch lạc của giới trẻ.
Mới đây nhất, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) dẫn chứng từ hiện tượng thần tượng Khá Bảnh và đưa ra nhận định rằng, đã có những thang giá trị bị thay đổi trong suy nghĩ của lớp trẻ.
“Nếu nói về thần tượng của giới trẻ thì có nhiều thứ và Khá Bảnh cũng là một dạng nhưng không chuẩn”, ông Nguyễn Hữu Cầu bình luận.
Vị đại biểu cho hay, việc này giống như một trào lưu, xuất phát từ nhận thức lệch lạc và có thể nó sẽ không tồn tại lâu. Đến khi các bạn trẻ lớn lên một chút, nhận thức khác đi, họ sẽ thấy Khá không phải là người mình hâm mộ nữa.
Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên được ông Cầu cho rằng là do ảnh hưởng từ mạng xã hội, do giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo ông, để giải quyết được tình trạng này cần có cuộc cách mạng chấn hưng về đạo đức. Các cơ quan truyền thông cần lên tiếng, định hướng cho lớp trẻ những thang giá trị đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội…
Theo Báo Đất Việt