Gần 40 năm qua, bà Nguyễn Thị Phước (ở phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) luôn cố công giữ gìn nghề truyền thống làm hương trầm, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Bám nghề để sống
Bà Nguyễn Thị Phước – chủ cở sở hương Vĩnh Phước cho hay, nghề làm trầm hương vất vả nhưng đã gắn bó với nghề thì không thể bỏ được. Để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn như làm bột, vót tăm, nhuộm màu tăm hương, phóng tăm,… Hương được làm quanh năm nhưng đến tết mới xuất ra thị trường nhiều vì ngày thường người dân dùng ít.
Hương được phơi nắng từ 1 – 2 ngày rồi đóng gói.
“Sản xuất hương trầm cũng tùy thuộc vào thời tiết, mùa nắng làm nhiều hơn mùa mưa. Nếu mưa thì hương phải sấy khô trong nhà kín, mất rất nhiều thời gian, công bỏ ra cũng nhiều hơn. Ngày trước, chưa sấy bằng điện mà sấy bằng than rất dễ bị cháy. Riêng xưởng nhà tôi đã bị cháy 2 lần…” – bà Phước bộc bạch.
Bà Lê Thị Thanh Phương (47 tuổi) làm công tại cơ sở Vĩnh Phước đã 20 năm cho biết: “Ở đây làm theo từng công đoạn, mỗi người một việc. Như tôi làm công đoạn đóng gói, ra thành phẩm. Mỗi ngày như vậy được trả công 200.000 đồng, công việc cũng nhẹ nhàng, ai cũng có thể làm được”.
Nhân công đang phóng tăm, lăn bột bằng máy.
Còn ông Nguyễn Đức Dũng (37 tuổi) làm khâu phóng tăm hương và lăn bột, nói: “Lương được tính theo sản phẩm, thợ giỏi ngày làm được khoảng 35 nghìn cây, còn riêng tôi trung bình ngày làm được 30 nghìn cây. Cứ 10 nghìn cây thì tiền công được 100 nghìn đồng. Mùa nào cũng có việc làm nên thu nhập ổn định”.
Bán lẻ từng bó để giữ được nghề
Trải qua 2 thế hệ, cơ sở làm hương trầm của bà Phước đã hoạt động gần 40 năm, tạo việc làm cho 25 lao động tại địa phương, thu nhập 6 – 9 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở sản xuất nhiều loại hương trầm như: hương nụ, hương khoanh, hương không tăm, hương có tăm, hương thẻ,…
Mỗi nhân công làm một khâu khác nhau, người làm hương nụ, người làm hương cây, hương thẻ…
Theo bà Phước, khâu chọn nguyên liệu khá quan trọng. Nếu dùng nguyên liệu không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng. Mà trước nhất sẽ ảnh hưởng đến nhân công làm hương. Chính vì vậy, nguồn nguyên liệu luôn được bà lựa chọn kỹ càng từ những nơi cung cấp có uy tín. Nguồn nguyên liệu chính được bà nhập từ Tiên Phước (Quảng Nam), Vạn Ninh (Khánh Hòa), Quảng Ninh,…
Hương được đóng gói và dán nhãn hiệu cho ra thành phẩm.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Phước cho biết thêm, trước đây bà phải đi bán lẻ từng bó hương ngoài chợ cho đến khi gây dựng được thương hiệu trên thị trường như hiện nay. Khi bắt đầu có tiếng cũng là lúc đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Thị trường có nhiều người làm hương giả nhãn hiệu Vĩnh Phước bán ra với giá rẻ, nhiều người mua không nhận biết được thật giả. Cũng vì nhiều trường hợp như vậy mà đôi lúc hương làm ra bị tồn cả xưởng không thể xuất ra thị trường trong mấy tháng liên tiếp. Những lúc như vậy, bà Phước đã muốn bỏ cuộc nhưng nhìn lại nhân công làm tại xưởng, bà lại cố gắng hết sức để bám nghề.
Hiện tại, hương trầm Vĩnh Phước được bán rộng rãi trên cả nước, đôi khi cũng xuất ra nước ngoài nếu có đơn đặt hàng.
Theo Dân việt