Nằm ở khu vực bãi bồi sông Lam (huyện Nam Đàn, Nghệ An) rộng lớn, nhiều hộ dân xã Thượng Tân Lộc chuyển sang trồng dưa hấu chuyên canh, thu nhập cao hơn trồng lúa.
Những ngày này, dọc tuyến đường vào trung tâm hành chính xã Thượng Tân Lộc (huyện Nam Đàn, Nghệ An), rất nhiều xe thô sơ chở đầy dưa hấu đỏ và các loại dưa khác bày bán ven đường.
Chị Trần Thị Loan (SN 1971, trú tại xóm Minh Tân, xã Thượng Tân Lộc) cho biết, năm nay số lượng người trồng dưa nhiều hơn các năm trước. Do thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài khiến quả dưa chậm phát triển, nhỏ hơn những mùa khác.
Vào đầu vụ, dưa từ 3-4 kg/quả bán được giá 8.000 đồng/kg, loại nhỏ hơn giá từ 5.000-6.000 đồng/kg. Dưa thu hoạch đến đâu thì người dân thuận lợi bán hết đó.
“Bình quân mỗi sào dưa cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Năm ngoái, dưa có năng suất tốt mà giá cao hơn năm nay”, chị Loan nói.
Chị Trần Thị Loan bán cả xe dưa mới hái từ ruộng lên.
Tùy vào việc trồng dưa sọc hay dưa đen trồng truyền thống mà cho thu nhập khác nhau. Nếu như dưa vỏ đen đầu mùa chỉ bán 6.000-7.000 đồng/kg thì dưa sọc có giá 10.000-12.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Vân (SN 1962, trú xóm Hợp Tân) đang bán dưa ven đường chia sẻ, trồng dưa ở đất bãi bồi phù sa cho thu nhập 10 triệu đồng/sào; còn trồng ở khu vực khác thì cho thu nhập thấp hơn.
“Bình thường việc trồng, chăm sóc và thu hoạch dưa diễn ra trong vòng hai tháng. Tuy nhiên, năm nay thời tiết mưa gió, nắng nóng bất thường nên kéo dài hơn một chút mới cho thu hoạch”, bà Vân kể.
Hai vợ chồng bà Vân, ông Tiến bên xe dưa.
Ông Tiến cân dưa bán cho khách.
Tăng diện tích trồng dưa, cho thu nhập hàng chục tỷ đồng
Để duy trì nguồn nước tưới tiêu cho cây dưa hay cây bầu, người dân địa phương tự khoan giếng ngay tại ruộng, sâu từ 10-12m.
“Nhà nào trồng dưa, ngô, bầu ở đây đều khoan giếng để tưới tiêu. Ở bất kỳ ruộng nào cũng có giếng khoan và hiếm khi thiếu nước để tưới cho cây”, chị Loan cho biết. Gia đình chị làm hơn 10 sào ruộng, phải khoan đến 5 giếng nước.
Ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1962, chồng bà Vân) vừa chở xe dưa từ dưới ruộng lên cho vợ bán, chia sẻ: “Dưa đẹp bán cho thương lái trung bình chỉ được 5.500 đồng/kg, bán lẻ 7.000- 8.000 đồng/kg. Gia đình trồng 5 sào dưa cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng”.
Mặc dù thời tiết có lúc bất lợi cho người trồng dưa, thế nhưng cây dưa hấu rất hợp với vùng đất bãi bồi sông Lam. Nghề trồng dưa hấu hàng năm mang lại nguồn thu nhập cao hơn trồng lúa cho người dân ở xã Thượng Tân Lộc.
Cây dưa đỏ cho thu nhập cao cho người dân ở xã Thượng Tân Lộc.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Cảnh Lộc – Chủ tịch xã Thượng Tân Lộc (huyện Nam Đàn), thông tin, toàn xã có 2.900 hộ dân, trong đó gần 1.000 hộ dân trồng dưa, bầu và ngô.
“Cây dưa dễ chăm sóc và cho nguồn thu nhập ổn định hơn trồng lúa nhiều lần. Bình quân mỗi sào 500m2 đạt khoảng từ 1,5-2 tấn, thu nhập từ 8-10 triệu đồng. Năm nay bà con tăng diện tích trồng dưa đỏ lên nhiều hơn so với mọi năm”, ông Lộc nói.
Toàn xã Thượng Tân Lộc năm nay có khoảng 245ha trồng dưa, cho thu nhập trên 40 tỷ đồng.
Ngoài ra, người dân ở địa phương còn trồng thêm dưa lê cho thu nhập cao hơn dưa đỏ. Kết thúc vụ trồng dưa, người dân chuyển sang trồng bầu và ngô.
Cây dưa đang là nguồn thu nhập chủ lực cho người dân trên địa bàn xã; tiếp đến là cây bầu, ngô, cho thu nhập mỗi năm trên 250 triệu đồng/ha. Tính tổng diện tích trồng cả 3 vụ dưa, bầu và ngô cho thu nhập trên 70 tỷ đồng/năm toàn xã, ông Lộc chia sẻ.
Nguồn: vietnamnet