Ngày 20/7, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức hoạt động tư vấn về phát triển nông nghiệp hữu cơ và sử dụng chế phẩm sinh học trong bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Bình Phước. 

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Dự buổi tư vấn có Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước; GS.TS Phạm Thị Thùy – Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Trung tâm sinh học nông nghiệp và bảo vệ môi trường cùng lãnh đạo các sở, ngành, các thành viên CLB Trí thức và hơn 100 nhà nông, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi tư vấn, các đại biểu được nghe GS.TS Phạm Thị Thùy trình bày các nội dung như: Sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP); nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam hiện trạng – hướng phát triển theo hệ thống an toàn; chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật từ vi rút trừ sâu hại cây trồng và đấu tranh sinh học trong sản xuất rau hữu cơ.

Theo GS.TS Phạm Thị Thùy, nông nghiệp hữu cơ dựa vào quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và quá trình phát triển tự nhiên phù hợp với từng điều kiện của địa phương. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ chính là sản xuất truyền thống kết hợp đổi mới các tiến bộ kỹ thuật mới có lợi cho các sinh vật, con người và môi trường trên cơ sở chia sẻ và thúc đẩy các mối quan hệ công bằng nhằm hướng tới cuộc sống tốt, đảm bảo chất lượng cho tất cả các bên có liên quan (người sản xuất, nhà bán lẻ, người tiêu dùng…).
GS.TS Phạm Thị Thùy - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Trung tâm sinh học nông nghiệp và bảo vệ môi trường chia sẻ về sản xuất nông nghiệp hữu cơGS.TS Phạm Thị Thùy – Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Trung tâm sinh học nông nghiệp và bảo vệ môi trường chia sẻ về sản xuất nông nghiệp hữu cơ

GS.TS Phạm Thị Thùy nhấn mạnh, Bình Phước hoàn toàn có thể sản xuất nông nghiệp hữu cơ. GS.TS Phạm Thị Thùy yêu cầu, trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần tuyệt đối không được sử dụng hóa chất và chất ô nhiễm… để bảo vệ các loài thiên địch sao cho chúng cân bằng với dịch hại, giúp đấu tranh sinh học trên các loại cây trồng. Vận dụng các biện pháp sản xuất hữu cơ theo chuỗi khép kín với tinh thần trách nhiệm cao như của nhà mình và cả liên nhóm để tăng thu nhập. Mặt khác, nâng cao nhận thức trong quá trình sản xuất hữu cơ, nhằm kiểm soát dịch hại cây trồng suốt mùa vụ.

Tại buổi tư vấn, các đại biểu đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến cách phòng trị bệnh trên cây điều, sầu riêng, cao su… Những nội dung này đã được GS.TS Phạm Thị Thùy trả lời hợp lý, thấu đáo.

Kết luận buổi tư vấn, Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương mong muốn, các nông dân, doanh nghiệp cần áp dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, qua đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp Bình Phước sạch và bền vững.

Theo khoahocthoidai.vn

Từ khóa : GS.TS Phạm Thị Thùynhà nôngnông dân

Các tin liên quan đến bài viết