Nhà Trắng đã có “đòn trừng phạt” ngay lập tức đối với phóng viên CNN Jim Acosta sau khi anh có màn “hỏi xoáy” gây khó chịu đối với Tổng thống Donald Trump.

Tại buổi họp báo hậu bầu cử giữa kỳ Mỹ hôm 6/11, Jim Acosta, trưởng phóng viên chuyên trách Nhà Trắng của hãng thông tấn CNN đã không ngần ngại chất vấn tổng thống.

Acosta yêu cầu lãnh đạo Nhà Trắng làm rõ cách ông sử dụng cụm từ “cuộc xâm lược” khi mô tả đoàn người di cư từ Trung Mỹ, gồm khoảng 3.600 – 7.200 cá nhân, đang ùn ùn kéo về khu vực biên giới giữa Mỹ với Mexico. Những người di cư này đều hy vọng có được quyền tị nạn ở Mỹ.

Phóng viên CNN cũng hỏi ông Trump xem liệu ông có đang tô xấu hình ảnh của những người nhập cư hay không.

“Tôi nghĩ anh nên để tôi lãnh đạo đất nước, còn anh thì chịu trách nhiệm về CNN. Nếu anh làm tốt điều đó, tỉ lệ tín nhiệm của anh sẽ cao hơn nhiều”, ông Trump đáp.

Khi tổng thống cố gắng gọi một nhà báo khác đặt câu hỏi, Acosta từ chối trao lại micrô và tiếp tục chất vấn ông chủ Nhà Trắng về cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đối với nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Hỏi xoáy ông Trump, phóng viên bị tước quyền tiếp cận Nhà Trắng
Phóng viên CNN Acosta từ chối trả micrô và tiếp tục đặt câu hỏi khó với Tổng tống Trump. 

“Đủ rồi. Đủ rồi”, ông Trump nói, đồng thời yêu cầu phóng viên CNN phải nhường lời, trong lúc một nhân viên Nhà Trắng cố gắng lấy lại micrô từ tay anh.

Khi Acosta cuối cùng trả lại micrô và ngồi xuống, ông Trump bắt đầu công kích nam phóng viên này không thương tiếc: “CNN chắc chắn phải xấu hổ vì thuê anh làm việc cho họ. Anh là một người thô lỗ, tồi tệ. Anh đáng lẽ không được làm việc cho CNN … Cách anh đối xử với [Thư ký báo chí Nhà Trắng] Sarah Huckabee [Sanders] thật tồi tệ. Cách anh đối xử với người khác cũng rất khủng khiếp. Anh không nên đối xử với mọi người theo cách đó”.

Khi ông Trump chuyển sang trả lời câu hỏi tiếp theo của phóng viên kênh NBC Peter Alexander, người này đã tận dụng cơ hội để bênh vực đồng nghiệp Acosta. “Tôi đã đi cùng Jim (Acosta) và quan sát anh ấy. Anh ấy là một phóng viên siêng năng và cũng luôn làm việc tích cực như tất cả chúng tôi”, nhà báo Alexander nhấn mạnh.

Theo báo RT, đây không phải là lần đầu tiên phóng viên CNN Acosta hỏi xoáy hay đưa ra những câu chất vấn gây tranh cãi đối với giới chức Nhà Trắng. Trong một buổi họp báo Nhà Trắng hồi tháng trước, anh từng cố gắng buộc bà Sanders phải nói ra tên của các hãng thông tấn bị Tổng thống Trump coi là “kẻ thù của nhân dân”.

Vài tiếng sau họp báo ngày 6/11, bà Sanders ra thông báo rút bỏ quyền tiếp cận Nhà Trắng đưa tin của Acosta. Thư ký báo chí Nhà Trắng giải thích, quyết định nhằm trừng phạt việc phóng viên CNN đã “đặt tay lên người một nữ thực tập sinh Nhà Trắng đang cố làm nhiệm vụ của mình và thiếu tôn trọng các đồng nghiệp khác khi không cho phép họ có cơ hội đặt câu hỏi”.

CNN đã lên tiếng bảo vệ phóng viên của hãng. Trong một thông điệp đăng tải trên Twitter sau đó, hãng thông tấn này cáo buộc, “các cuộc tấn công báo chí của ông Trump đang đi quá xa, không chỉ nguy hiểm mà còn hủy hoại cả tự do báo chí thiết yếu đối với nền dân chủ Mỹ”.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bầu cửDonal Trumphọp báonhà trắng

Các tin liên quan đến bài viết