Ngày 30/6, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học “Chọn bảng chữ cái tiếng S’tiêng”.

Hiện nay, việc dùng tiếng Việt và tiếng S’tiêng đã tạo điều kiện gắn kết giữa các dân tộc tại địa phương, các lĩnh vực giao lưu bằng hai hoặc ba thứ tiếng này ngày càng phổ biến. Tuy nhiên trên thực tế tiếng nói – chữ viết nói riêng và văn hóa truyền thống của dân tộc S’tiêng ở Bình Phước đang đứng trước thách thức lớn. Đời sống của đa số người S’tiêng tại Bình Phước còn gặp nhiều khó khăn, dân trí thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, đội ngũ cán bộ người S’tiêng trong tỉnh chưa biết viết tiếng mẹ đẻ. Điều này đã gây khó khăn cho công tác vận động, thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục tỉnh nhà.

Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Bình Phước nói chung và dân tộc S’tiêng nói riêng; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho công tác phát triển tiếng nói, chữ viết của người S`tiêng là một trong những việc làm cần thiết, góp phần vào công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo
Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã thống nhất chọn hệ thống chữ viết tiếng S’tiêng gồm có 33 chữ cái, trong đó có 15 chữ cái ghi nguyên âm và 18 chữ cái ghi phụ âm.

Hội thảo này nằm trong khuôn khổ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Xây dựng chương trình dạy tiếng S’tiêng cho học sinh ở bậc tiểu học tại tỉnh Bình Phước” do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước triển khai thực hiện vào tháng 3/2017, dự kiến nghiệm thu tháng 2/2019. Qua hội thảo này nhằm tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và đại diện các sở, ngành của tỉnh, từ đó giúp ban Chủ nhiệm đề tài có thêm thông tin để kết quả nghiên cứu của đề tài tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước, Chủ nhiệm đề tài cho biết, sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhà khoa học đưa ra tại hội thảo, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để ngành giáo dục tỉnh cùng với các nhà khoa học Trường Đại học Tây Nguyên hoàn thiện tốt chương trình dạy tiếng S’tiêng cho học sinh tiểu học theo chủ trương của mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đoàn Hùng

Từ khóa : bảng chữ cáichữ cái S'tiênghội thảo

Các tin liên quan đến bài viết