Khó hình dung được về Đinh Văn Dương, người lính duy nhất sống sót trong vụ máy bay Mi 171 rơi ở Hòa Lạc, Hà Nội ngày 7-7-2014: hay nói hay cười, vui tươi dễ gần, hóm hỉnh, lạc quan dù anh đã mất hết chân tay, người là một khối sẹo.
Hồi sinh kỳ diệu sau 891 ngày
Thượng úy Đinh Văn Dương cho biết hai con của anh vẫn thường nói chuyện với bố 

Cuối năm 2016, Đinh Văn Dương được rời Viện Bỏng quốc gia sau 891 ngày điều trị, trở về với gia đình và cuộc sống bình thường. Sự hồi sinh của anh được coi như một sự thần kỳ, bắt nguồn từ tài năng của các bác sĩ và nghị lực của anh, người lính đặc công.

Mở mắt và thấy bầu trời
Trên tường căn hộ 66m2 ở Long Biên, Hà Nội có tấm ảnh cưới của vợ chồng Dương – Hà. Người lính Đinh Văn Dương khi ấy có gương mặt cương nghị bên cạnh cô dâu xinh xắn. Đó là tấm ảnh cưới duy nhất còn lại sau vài lần chuyển nhà. Và giờ đây Đinh Văn Dương mang một gương mặt khác với cơ thể không còn lành lặn: tay chân cụt sát, tóc còn lơ thơ, tai, mũi biến dạng… Những ngày trái gió trở trời, anh đều bị ngứa gần như không ngủ nổi. Ký ức về cuộc sống lành lặn trong ảnh dù mới chỉ 2 năm rưỡi nhưng rất xa mờ, vì Dương vừa trải qua một chuyến đi dài dằng dặc và đã hồi sinh…Bà Trịnh Thị Đông, mẹ thượng úy Đinh Văn Dương, tết này rất vui vẻ. Suýt soát 2 năm rưỡi bà ở trong Viện Bỏng quốc gia cùng với con trai. Giai đoạn Dương còn nặng, chị gái anh cũng phải túc trực ở bệnh viện. Mặc dù ở đó có rất nhiều cán bộ y tế, nhưng bà Đông mong lúc nào cũng có một người thân bên anh. Hai mẹ con phân công nhau người thức đêm thì ngày mới được ngủ và ngược lại. Dương chỉ có mẹ và chị trong nhiều ngày tháng nằm viện, vì chỉ hai ngày sau khi anh gặp nạn thì chị Hà – vợ anh – sinh con thứ hai. Lúc anh mê man và cận kề cái chết thì chị “đi biển một mình”. “Lúc rơi từ trực thăng xuống đất tôi vẫn tỉnh, mở mắt ra là cảm giác nóng cháy toàn thân và trước mặt là bầu trời. Nhưng về Viện Quân y 105 và sau đó chuyển về Viện Bỏng quốc gia, khi tôi tỉnh lại và biết mình còn sống đã là 105 ngày sau vụ tai nạn. Khi tôi hồi tỉnh, tôi đã gọi mẹ và vợ, vợ tôi đã bế con trai mới hơn 3 tháng tuổi vào để cháu chạm vào cánh tay đang đính đầy dây truyền của bố. Lúc ấy tôi biết đã được trở về với cuộc sống, đã được gọi mọi người và chấn thương đã không ảnh hưởng tới não bộ của tôi” – thượng úy Đinh Văn Dương chia sẻ. Khi trở về, bệnh viện cử chuyên gia tâm lý hỗ trợ anh nhưng với bản lĩnh của một người lính, Dương hầu như không bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều sau khi biết mình mất hết chân tay và sẽ có cuộc sống phía trước phải phụ thuộc vào người thân, kể cả sinh hoạt cá nhân. Nhưng bốn tháng sau kể từ khi hồi tỉnh, anh bắt đầu tập phục hồi chức năng và bắt đầu biết đến nỗi khổ sở của một người tàn tật. Dù rất hụt hẫng nhưng Dương đã cố gắng rất nhiều, chỉ riêng chuyển từ nằm toàn bộ thời gian sang đôi khi ngồi dậy được, Dương phải mất ba tháng. Chỉ từ nằm ngửa toàn bộ sang nằm nghiêng được, anh cũng mất hàng tháng đau đớn tập luyện. Rồi đến tập những bước đi đầu tiên. Phần mỏm cụt tiếp xúc với chân giả bị tróc da, sẹo bỏng nứt ra, tóe máu. Nhưng bằng nghị lực, nay anh đã đi lại được 500-700m/lần. “Tôi đã may mắn hơn anh em bạn bè” – người lính Đinh Văn Dương nói.
Hành trình đồng đội
Ngay sau khi ra viện và được đưa về Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh), Dương và mẹ đã có một chuyến quay lại Bình Yên (ngoại thành Hà Nội), địa điểm chiếc máy bay Mi 171 rơi cách đây 2 năm rưỡi. 21 anh em trên chuyến máy bay hôm ấy chẳng ai ngờ có một cái kết bất ngờ: máy bay rơi, không ai kịp nhảy dù. 20 người lính hi sinh. Ở Bình Yên giờ có nhà tưởng niệm đang xây tạm để có chỗ thắp hương cho 20 cán bộ chiến sĩ. Và người sống sót duy nhất là Đinh Văn Dương có tâm nguyện đóng góp sức mình vào việc xây một nhà tưởng niệm tử tế hơn cho đồng đội của mình. So với các đồng đội trên chuyến bay hôm ấy, anh may mắn hơn vì đã được sống. Anh nói sẽ sống tiếp cuộc đời của mình và 20 đồng đội. Nói chuyện về sự hồi phục kỳ diệu sau gần 900 ngày dằng dặc ở bệnh viện của con trai, mẹ Dương nói bà đã nhiều lần lịm đi vì tưởng phải chia tay con trai mãi mãi khi có lúc tim anh ngừng đập. PGS.TS Hoàng Mạnh An, nguyên giám đốc Bệnh viện 103, đánh giá Dương là một trường hợp đặc biệt, một sự hồi phục đặc biệt và thế giới cũng có rất ít trường hợp rơi từ trực thăng xuống được cứu sống. “Không chỉ nhờ sự tận tâm và tài năng của các bác sĩ, sự hồi phục của Dương còn nhờ ở sự nỗ lực, nghị lực tập phục hồi chức năng, cố gắng quay lại với cuộc sống của chính bản thân Dương. Một người mất hết cả chân lẫn tay, mắt bị ảnh hưởng, khắp người đầy sẹo mà tập đi lại được, trí tuệ vẫn minh mẫn, tự tin và đầy niềm tin vào cuộc sống, vào con người, có mong muốn đóng góp cho đồng đội thì đáng khâm phục biết bao nhiêu” – PGS An nói. Vốn là người lính ở đội đặc công chống khủng bố, đã được huấn luyện nhiều kỹ thuật khó khăn, giờ không có tay anh cảm thấy bất tiện. Anh Dương chỉ mơ ước có một bàn tay giả có thể cầm nắm được, khi đó anh có thể tự lo cho sinh hoạt cá nhân. “Tôi không có mơ ước gì hơn nữa, tôi đã may mắn hơn nhiều so với đồng đội rồi” – anh nhắc đi nhắc lại. Ngoài kia là dòng sông và mùa xuân đang tới. Tết đang đến rất gần…

Tai nạn thảm khốc

Sáng 7-7-2014, máy bay trực thăng Mi 171 số hiệu 01 của trung đoàn không quân trực thăng 916, sư đoàn không quân 371 thuộc Quân chủng phòng không – không quân chở 21 cán bộ, chiến sĩ bay huấn luyện nhảy dù cất cánh từ sân bay Hòa Lạc, Hà Nội. Đến khoảng 7h45 cùng ngày, do sự cố kỹ thuật, máy bay rơi tại địa phận thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội, cách sân bay khoảng 3km và bốc cháy dữ dội. Phi công được cho là đã cố gắng điều khiển máy bay ra xa khu vực đông dân cư trước khi máy bay rơi xuống đất. Vụ tai nạn máy bay ở Hòa Lạc khiến 20 chiến sĩ hi sinh, còn thượng úy Đinh Văn Dương bị thương nặng, được đưa vào điều trị tích cực tại Viện Bỏng quốc gia. Sau 891 ngày điều trị, ngày 16-12-2016 thượng úy Đinh Văn Dương xuất viện.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chuyến bayĐinh Văn Dươngđồng độihồi sinhmáy bay Mi 171thượng úyViện bỏng quốc gia

Các tin liên quan đến bài viết