Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và các lãnh đạo châu Á khác đã nói về vai trò của châu Á trong một thế giới chia rẽ hiện nay. Châu Á đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng, xét về tầm quan trọng chiến lược và kinh tế.
Sáng 26-5, Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 27 (FOA 2022) đã khai mạc tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) với sự góp mặt của nhiều nhà lãnh đạo. Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự trực tiếp hội nghị.
Châu Á vẫn đang mở rộng và có thêm ảnh hưởng, xét về tầm quan trọng chiến lược và kinh tế. Thế giới đang theo dõi cách châu Á phản ứng và trỗi dậy trước thách thức.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nhận định tại Hội nghị Tương lai châu Á.
Vai trò của châu Á
Hội nghị năm nay kéo dài 2 ngày, được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Nếu FOA năm ngoái (tổ chức trực tuyến vì đại dịch COVID-19) có chủ đề “Định hình kỷ nguyên hậu COVID-19: Vai trò của châu Á đối với sự phục hồi toàn cầu” thì chủ đề năm nay là “Tái định hình vai trò của châu Á trong một thế giới bị chia rẽ”.
Ngoài phát biểu của các nhà lãnh đạo, còn có các phiên thảo luận như: Thay đổi thế giới từ châu Á – tương lai được tạo dựng bởi các doanh nghiệp; Xung đột Mỹ – Trung và ảnh hưởng đến trật tự, an ninh, kinh tế của châu Á; Phát triển doanh nghiệp châu Á thông qua giao lưu văn hóa…
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng các quốc gia châu Á đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được hòa bình và ổn định toàn cầu. Ông nhấn mạnh châu Á cần tăng cường tinh thần trách nhiệm trong việc tạo ra và duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì sự phát triển và thịnh vượng của khu vực cũng như thế giới. Điều này được thực hiện dựa trên nền tảng chung là đoàn kết, hợp tác, hiểu biết lẫn nhau, sự tin tưởng và trách nhiệm.
Trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ ra châu Á cần có một cách tiếp cận chung để giải quyết những thách thức cấp bách toàn cầu. Ông nói giờ là lúc các nước gác lại mâu thuẫn để đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cũng cho rằng châu Á có thể đóng vai trò lãnh đạo thế giới đang bị chia rẽ hiện nay.
Tạp chí Nikkei Asia nhận định Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, dù đại dịch đã ảnh hưởng lớn đến các công ty có nhà máy đặt tại Việt Nam vào năm ngoái. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ ra việc đẩy mạnh tiêm vắc xin COVID-19 đại trà đang giúp đảm bảo các dây chuyền sản xuất hoạt động bình thường.
Đề xuất giải pháp
Tại FOA 2022, các nhà lãnh đạo châu Á đã đề cập một loạt vấn đề từ xung đột Nga – Ukraine, quan hệ căng thẳng Mỹ – Trung cho tới phục hồi kinh tế sau dịch. Trong các phát biểu, họ cũng đề xuất những giải pháp nhằm hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho châu Á và toàn cầu.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo sẽ có một cuộc “chạy đua vũ trang hạt nhân” ở châu Á nếu các nước ưu tiên an ninh quốc gia hơn sự ổn định khu vực. Ông Lý cũng nói về “quan hệ khó khăn” giữa Mỹ và Trung Quốc. “Nếu quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục đi theo hướng này, nó sẽ dẫn đến sự chia tách công nghệ và chuỗi cung ứng hoặc thậm chí là những hậu quả không mong muốn tồi tệ hơn” – ông Lý nói.
Để tránh xung đột, ông Lý lưu ý ngay cả trong chiến tranh lạnh vẫn có các kênh liên lạc giữa các lãnh đạo Mỹ và Liên Xô. Ông nói: “Các kênh liên lạc như vậy cần phải được xây dựng và thiết lập giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa các quốc gia khác có tranh chấp với nhau”. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng, ông Lý cho rằng sẽ không có kết quả tốt nếu các nước châu Á bị chia thành hai phe.
Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nhận định việc có được một thị trường rộng mở và dựa trên luật lệ là điều cần thiết với kinh tế châu Á. Các nước trong khu vực đang nỗ lực hồi phục sau đại dịch và khắc phục tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Ông nhấn mạnh vai trò của các thể chế đa phương. Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cảnh báo các vấn đề chuỗi cung ứng do tác động của cuộc chiến ở Ukraine và căng thẳng Mỹ – Trung đang gây ra “các tác động lây lan tiêu cực”.
Hội nghị Tương lai châu Á là diễn đàn quốc tế có uy tín do Tập đoàn truyền thông Nikkei Inc. (sở hữu nhiều tờ báo lớn như Nikkei, Nikkei Asia và Financial Times) của Nhật Bản tổ chức gần như thường niên từ năm 1995.
Đây là nơi để các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế và học giả từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương thảo luận các vấn đề khu vực và vai trò của châu Á trên thế giới.
Nguồn: tuoitre.vn