Ngày 21-5, các giáo sư đầu ngành, tiểu ban điều trị cùng 4 bệnh viện Bắc Ninh, Bệnh nhiệt đới trung ương, Phổi Đà Nẵng, Đa khoa vùng Tây Nguyên đã hội chẩn tư vấn điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng.

Hội đồng giáo sư hội chẩn về các bệnh nhân COVID-19 nặng - Ảnh 1.

Buổi hội chẩn quốc gia lần thứ 4 trong tuần đã được tổ chức tại Trung tâm Quản lý và điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19.

Tham dự hội chẩn có 4 giáo sư là các chuyên gia đầu ngành gồm:

– Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Gia Bình – tổ trưởng tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng;

– Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Kính – chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam;

– Giáo sư, tiến sĩ Ngô Quý Châu – chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam;

– Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Hà – phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam

– Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê – cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, phó trưởng tiểu ban điều trị – đã hội chẩn tư vấn điều trị các ca bệnh nặng cũng như chỉ đạo chiến lược điều trị, chăm sóc đối với các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.

Bốn bệnh viện xin ý kiến hội chẩn của tiểu ban điều trị và tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng là Bệnh viện Bắc Ninh, Bệnh nhiệt đới trung ương, Phổi Đà Nẵng, Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Bệnh viện Bắc Ninh đang điều trị cho 61 bệnh nhân có triệu chứng, trong đó có 20 bệnh nhân thở oxy, 3 bệnh nhân thở máy không xâm nhập, 1 bệnh nhân thở máy xâm nhập và lọc máu liên tục.

Đáng lưu ý có bệnh nhân 3760 được hội chẩn lần 3, là trường hợp bị viêm phổi nặng, suy hô hấp, tiểu đường, suy giáp, suy thượng thận.

Tại buổi hội chẩn, ông Lương Ngọc Khuê cho biết ngay sau khi có công văn đề nghị của Sở Y tế Bắc Ninh, sáng nay Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị Bệnh viện Bạch Mai xuất khẩn cấp cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh vay một số loại vật tư, hóa chất để sử dụng cho hệ thống ECMO và máy lọc máu liên tục để đảm bảo công tác điều trị người bệnh.

Bệnh viện Bạch Mai cũng đã kịp thời cử kíp cán bộ và hỗ trợ chuyên môn hồi sức tích cực cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh củng cố khoa hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch.

Còn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang điều trị 360 bệnh nhân (khoảng 20% là bệnh nhân nặng, 37 bệnh nhân phải thở oxy, 87 bệnh nhân có những bệnh lý nền).

Trong đó, nhiều bệnh nhân được hội đồng chuyên môn hội chẩn nhiều lần như bệnh nhân 3015 được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do O. Anthropi/Xơ gan rượu. Bệnh nhân có tiền sử uống rượu nhiều năm, xơ gan, hiện bị xuất huyết tiêu hóa, phù não, an thần thở máy, nguy cơ tử vong cao.

Một trường hợp khác là bệnh nhân 3207, mới 37 tuổi, được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 ngày 18-5 với tình trạng suy hô hấp tăng dần lên, được chuyển lên khoa hồi sức tích cực triển khai ECMO cấp cứu tối cùng ngày. Hiện tình trạng sốt cao lúc vào viện đã giảm hơn, bệnh nhân bắt đầu có ý thức, ho khạc đờm, nhưng tình trạng phổi vẫn còn đông đặc.

Một bệnh nhân 37 tuổi khác là một bác sĩ, không có bệnh nền nhưng có diễn biến tương đối nặng. Bệnh nhân đã được đặt nội khí quản và thở máy. Hiện tình trạng bệnh nhân đã đỡ sốt và đang có những tiến triển khá lên.

Bệnh nhân 3721 (nữ, 36 tuổi, Lạng Sơn), làm việc ở khu công nghiệp tại Bắc Giang, hiện cũng thở máy qua ống nội khí quản.

Đối với những bệnh nhân không có bệnh nền, tình trạng nhiễm trùng chưa nhiều, các chuyên gia cũng khuyến cáo các bệnh viện không sử dụng kháng sinh phổ rộng.

Bệnh nhân 3153 bị dị dạng cột sống, viêm cột sống dính khớp, chức năng hô hấp kém và là một trong những bệnh nhân được hội chẩn nhiều lần. Hiện bệnh nhân thở máy qua ống nội khí quản, lọc máu liên tục.

Đặc biệt, có một thai phụ là bệnh nhân 3263 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, đây là người liên quan đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Bệnh nhân 35 tuổi, phát hiện dương tính hôm 9-5. Hiện bác sĩ sản khoa hằng ngày siêu âm và kiểm tra sức khỏe thai nhi, sức khỏe bệnh nhân đã có nhiều cải thiện hơn so với hôm hội chẩn ngày 18-5.

Theo ông Nguyễn Gia Bình, nhiều bệnh nhân không bị COVID-19 tình trạng sức khỏe đã rất nặng, tiên lượng tử vong như bệnh nhân 3153, 3780 (bị K phổi khá lâu), bệnh nhân 3019 (K phổi di căn xương), do đó việc điều trị đối với những bệnh nhân này thực sự là một hành trình khó khăn.

Bệnh viện Phổi Đà Nẵng có 2 ca xin hội chẩn, trong đó có bệnh nhân người Hàn Quốc sinh năm 1954 mắc thêm bệnh tăng huyết áp, béo phì. Hiện bệnh nhân đang được điều trị, an thần, giãn cơ, thở máy xâm nhập.

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên xin ý kiến hội chẩn đối với bệnh nhân 3836, 50 tuổi, tại Đắk Lắk. Bệnh nhân đã đến Bắc Ninh và tiếp xúc với với bệnh nhân 3052. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, nhịp thở vẫn còn cao.

Các chuyên gia đã đề nghị bệnh viện tăng cường dinh dưỡng, cho đặt nội khí quản, đồng thời bệnh viện phải đề xuất sớm những trang thiết bị, máy móc còn thiếu để đảm bảo công tác điều trị người bệnh COVID-19. Đồng thời thành lập đội điều trị bệnh nhân COVID-19 với nhiều chuyên khoa để tăng thêm sức mạnh và hiệu quả điều trị tập thể.

Từ ngày 27-4 đến nay, chỉ trong nửa tháng cả nước đã ghi nhận 1.835 ca, trong đó có 5 bệnh nhân tử vong do mắc các bệnh lý nền đi kèm với COVID-19.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bắc giangBệnh nhân nặngbệnh viện Nhiệt đớicovidECMOHội chẩnthợ máy

Các tin liên quan đến bài viết