Việc sử dụng thuốc điều trị Covid-19 không hợp lý có thể dẫn tới hội chứng nấm đen nguy hiểm. 

Vào sáng thứ 7, Akshay Nair, bác sĩ phẫu thuật mắt ở Mumbai (Ấn Độ), chờ đợi tới lượt phẫu thuật cho một phụ nữ 25 tuổi có bệnh nền tiểu đường, đã khỏi Covid-19 cách đây 3 tuần.

Bên trong phòng mổ, một bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng đang mổ cho cô gái.

Anh loại bỏ các mô bị nhiễm nấm đen, một bệnh hiếm gặp nhưng nguy hiểm. Sự lây nhiễm ảnh hưởng đến mũi, mắt và đôi khi là não.

Sau khi đồng nghiệp kết thúc, bác sĩ Nair sẽ thực hiện một quy trình kéo dài 3 giờ cắt bỏ mắt của bệnh nhân để cứu sống cô.

Khi đợt Covid-19 thứ 2 tàn phá Ấn Độ, các bác sĩ đang ghi nhận một số ca Covid-19 bị phát ban do nhiễm trùng nấm mucor – còn được gọi là nấm đen.

Hội chứng nấm đen gây hỏng mắt ở bệnh nhân Covid-19

Việc sử dụng steroid cho bệnh nhân Covid-19 cần đúng liều, hợp lý để tránh các biến chứng. 

Bệnh nấm đen là gì?

Bệnh nấm đen (nấm mucor) là dạng bệnh nhiễm trùng rất hiếm gặp do bệnh nhân tiếp xúc với loại nấm này.

Tiến sĩ Nair cho biết: “Nấm đen có mặt ở khắp nơi và được tìm thấy trong đất, không khí, thậm chí trong mũi và dịch nhầy của những người khỏe mạnh”.

Người bị nhiễm nấm thường có các triệu chứng nghẹt mũi, chảy máu mũi, sưng và đau mắt, sụp mí mắt, mắt mờ và cuối cùng là mất thị lực. Họ có thể có những mảng da đen xung quanh mũi.

Bệnh ảnh hưởng đến xoang, não, phổi, có thể đe dọa tính mạng ở những người mắc bệnh tiểu đường hoặc suy giảm miễn dịch nghiêm trọng như bệnh nhân ung thư hoặc nhiễm HIV.

Các bác sĩ tin rằng bệnh nấm đen, tỷ lệ tử vong 50%, có thể bị kích hoạt bởi việc sử dụng steroid. Đây là một trong những phương pháp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch.

Steroid làm giảm viêm ở phổi, ngăn chặn tác hại xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động quá mức để chống lại virus SARS-CoV-2. Nhưng steroid cũng làm giảm khả năng miễn dịch và đẩy lượng đường trong máu lên cao.

Giới chuyên môn cho rằng sự suy giảm khả năng miễn dịch có khả năng gây ra những trường hợp nhiễm nấm đen.

Tiến sĩ Nair cho hay: “Bệnh tiểu đường làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, virus SARS-CoV-2 làm tình hình trầm trọng thêm và sau đó các steroid như đổ thêm dầu vào lửa”.

Vị bác sĩ này nói, ông biết khoảng 40 bệnh nhân bị nhiễm nấm đen vào tháng 4. Nhiều người trong số họ có bệnh nền tiểu đường. 11 người đã phải phẫu thuật cắt bỏ mắt.

Từ tháng 12 đến tháng 2, 6 đồng nghiệp của Tiến sĩ Noir ở 5 thành phố – Mumbai, Bangalore, Hyderabad, Delhi và Pune – đã thông báo về 58 trường hợp nhiễm nấm đen. Hầu hết mắc bệnh này sau khi khỏi Covid-19 trong 12-15 ngày.

Bệnh viện Sion ở Mumbai ghi nhận 24 ca nhiễm nấm trong 2 tháng qua, tăng từ 6 trường hợp mỗi năm.

Mười một người trong số trên phải bỏ một mắt, 6 người đã tử vong. Đa số bệnh nhân ở tuổi trung niên và bị tiểu đường. “Chúng tôi chứng kiến 2-3 ca mỗi tuần ở đây. Đó là một cơn ác mộng ẩn trong một đại dịch”, bác sĩ Renuka Bradoo nói.

Tại thành phố miền nam Bengaluru, bác sĩ nhãn khoa Raghuraj Hegde đã gặp 19 trường hợp bị bệnh nấm đen trong 2 tuần qua, hầu hết là người trẻ tuổi. “Một số bị nặng đến nỗi chúng tôi không thể phẫu thuật cho họ”, bác sĩ Hegde kể.

Các bác sĩ ở Ấn Độ rất ngạc nhiên về mức độ nghiêm trọng và tần suất nhiễm nấm đen trong đợt Covid-19 thứ hai.

Tiến sĩ Nair biết không quá 10 trường hợp ở Mumbai trong 2 năm qua. Bác sĩ Hegde chưa bao giờ gặp nhiều hơn 1-2 trường hợp mỗi năm trong 10 năm hành nghề.

Bệnh nhân thường vào viện khi đã muộn, các bác sĩ phải cắt bỏ mắt để ngăn nhiễm trùng lên não.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị mất thị lực ở cả hai mắt. Ở một vài ca hiếm hoi, bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ xương hàm để ngăn chặn bệnh lây lan.

Thuốc tiêm tĩnh mạch chống nấm có giá 48 USD một liều và phải được tiêm hàng ngày trong tối đa 8 tuần là dược phẩm duy nhất có hiệu quả chống lại căn bệnh này.

Tiến sĩ Rahul Baxi, bác sĩ tiểu đường ở Mumbai, cho biết, cách để ngăn chặn nguy cơ nhiễm nấm là đảm bảo bệnh nhân Covid-19 – cả trong điều trị và sau khi hồi phục – được sử dụng steroid đúng liều lượng và thời gian.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Ấn Độbệnh lạCOVID-19

Các tin liên quan đến bài viết