Sáng nay, cậu con trai lớn học lớp 6 của chị Bích Hạnh (quận Nam Từ Liêm) lần đầu tiên được tới ngôi trường mới sau gần một năm phải học trực tuyến, còn cậu út lớp 3 cũng háo hức để được mẹ đưa tới trường.
Từ tối qua, cả hai anh em đã lôi quần áo ra mặc thử, thậm chí trước đó một ngày đã rủ nhau “tập dượt” dậy sớm để làm quen với nề nếp mới.
Sau gần một năm, đồng phục của cả hai anh em cũng đã chật hết. Cậu em phải mượn quần áo của anh trai để mặc tạm, thậm chí còn đòi mẹ cho mặc luôn đi ngủ vì sợ hôm sau dậy không kịp.
“Mọi ngày, 7h30 mẹ gọi nhưng không đứa nào chịu dậy, vậy mà sáng hôm nay, cả hai anh em đã bật dậy từ sớm trong tâm trạng phấn khởi, hồi hộp. Thế mới biết bọn nhỏ thích đi học đến nhường nào”.
Con hân hoan, vui sướng, mẹ cũng cảm thấy mừng vui và nhẹ nhõm khi cả hai anh em đều được tới trường. Tuy nhiên, ngày con đi học trở lại, chị Hạnh lại thấy “thiêu thiếu” và nhớ các con.
“Hàng ngày, mẹ vừa phải làm việc ở nhà, vừa phải “canh me” con học, thậm chí ba mẹ con thường xuyên xảy ra lục đục, gào thét. Vậy mà, giờ chúng đi học hết mình lại thấy nhớ, đứng ngồi không yên chờ tới giờ tan trường để đón con về”.
Còn với nhiều học sinh lớp 1, đây cũng là lần đầu tiên trẻ được đến trường. Do đã ở nhà trong một khoảng thời gian dài, nhiều trẻ vẫn quen với tác phong… mẫu giáo.
Chị Nguyễn Lê (quận Hà Đông) chia sẻ, sáng nay đưa con đến trường, phụ huynh cũng thấy “thương cô giáo” khi nhiều trẻ lớp 1 vẫn mang phong cách mẫu giáo. Cô và mẹ phải vừa bế lên, vừa dụ con vào lớp trong tình trạng “giãy đành đạch” dù thực tế các con cũng đã sắp sửa hoàn thành chương trình lớp 1.
“Lúc chào cờ, khi nghe cô giáo hô “chào cờ chào”, một số bé lớp 1 chưa quen, cũng hô theo “chào cờ chào”. Hay bình thường, con ở nhà học online vẫn ngủ dậy lúc 9 giờ, thậm chí muộn hơn. Hôm nay, tiết chào cờ diễn ra xong xuôi, con vẫn ỉu xìu, ngáp ngắn ngáp dài”, chị Lê kể.
Đưa con tới trường trong tâm trạng rộn ràng của ngày “khai giảng trái mùa”, nhưng khi vừa tới lớp, con bỗng “òa khóc nức nở” khiến chị Mỹ Hằng (quận Hà Đông) không biết phải làm sao.
“Trường có quy định yêu cầu phụ huynh phải thả con ở cổng để các con tự vào lớp. Thế nhưng, khi tới trường, con vẫn không chịu theo cô giáo vào dù mẹ đã ra sức dỗ dành. Cả mẹ, cả cô phải quay ra quay vào 3, 4 lượt con mới chịu theo cô vào lớp”.
Giống như chị Hằng, nhiều phụ huynh cũng cố nán lại để vẫy chào và trông ngóng con vào lớp dù các thầy cô đã ra sức yêu cầu phụ huynh quay về, nhường chỗ cho phụ huynh khác đưa con tới lớp.
Trong khi đó, một phụ huynh có con học tiểu học ở quận Đống Đa cho hay, sáng nay, vì lâu ngày không đến trường nên con chị đã quên, mang cả dép lê đến lớp.
“Tối qua, mẹ con đã lôi đống đồng phục ra thử mấy bộ, chọn mãi rồi cũng xong, sắp xếp mọi thứ cẩn thận. Nhưng sau đó lại quên không nghĩ đến chuyện giày dép. Sáng nay khi đi ra khỏi nhà, hai mẹ con mới phát hiện ra con vẫn đang đi dép lê. Đến trường mới thấy con “lạc lõng”, mẹ đành nói khéo với cô giáo thông cảm”, chị kể.
Còn chị Huyền Linh (quận Hoàng Mai) cho hay, sáng nay, cả gia đình chị cũng “loạn cào cào” về vụ quần áo đồng phục của con. “Bao ngày tháng không đến trường, giờ mặc bộ nào cũng thấy chật và ngắn cũn cỡn. Thế là con cứ mặc vào rồi lại đòi thay ra”.
Biết sáng nay con đi học trở lại, từ tối qua, gia đình chị cũng ý thức đi ngủ sớm để sáng nay, con đi học trong trạng thái được tỉnh táo nhất. Nhưng cũng vì thế, chị đã lỡ mất những tin nhắn được gửi trong nhóm chát tối qua của lớp.
“Sáng nay, mặc quần áo xong xuôi, trong lúc ngồi xem lại những tin nhắn nhắc nhở tối qua, bố mới biết cô dặn phải mặc áo trắng, quần sẫm. Thế là, cả nhà lại vã mồ hôi đi tìm quần áo để thay. Khi đến lớp mới thấy, hóa ra, trong lớp cũng mỗi bạn một vẻ về trang phục vào ngày đầu tiên”, chị Linh cười nói.
Trong khi đó, khâu chuẩn bị sách vở cũng khiến vợ chồng chị hết hơi. “Con tự tin, nằng nặc bảo đã nhớ thời khóa biểu trong đầu nên soạn theo trí nhớ. Những gần đến giờ đi học, bố mở lại tin nhắn của cô thì thấy thiếu thiếu. Hóa ra là vì hàng ngày học online, các con chỉ có lịch buổi sáng. Thời khóa biểu mới cập nhật có thêm sách vở học buổi chiều. Thế là cả nhà lại rối lên đi tìm thêm sách vở cần mang”, chị Linh kể.
Trao đổi với VietNamNet, cô Nguyễn Thị Quỳnh Như, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung cho biết, trong sáng hôm nay, nhiều học sinh, đặc biệt là những học sinh lớp 1 lần đầu đến trường đã không nhớ hoặc không biết vị trí lớp mình. Chính vì vậy, nhà trường phải phân chia sân, bố trí đặt các biển lớp để nếu học sinh nào không nhớ/ không biết vị trí lớp mình thì đến các điểm này để được giáo viên dẫn lên lớp.
Dù vậy, cô Như nói, thầy cô trong trường vô cùng xúc động, có cảm giác như ngày đầu tiên đón học trò tới trường. Với cô Như, không khí nhà trường hôm nay tưng bừng phấn khởi, đúng như một ngày hội.
Nguồn: vietnamnet