Cùng sử dụng các thiết bị công nghệ, nhưng học sinh tại các nước phát triển thu nhận nhiều lợi ích, trong khi học sinh Việt Nam lại đối diện nguy cơ nghiện, trì trệ và những nguy hại cho sức khỏe.

 Do đâu có sự khác biệt này. Thiết bị công nghệ có thực sự là “thủ phạm” gây hại cho trẻ?  

“Giải oan” cho công nghệ

Theo Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics – AAP) tại “Hội nghị chuyên đề về sự phát triển của trẻ em trong thời đại số” (Growing Up Digital: Media Research Symposium), việc cho phép trẻ em sử dụng thiết bị thông minh từ sớm không hẳn nguy hại như phụ huynh vẫn nghĩ. Mà ngược lại có thể giúp mở khóa nhiều tiềm năng ở trẻ. (*)

Cụ thể, các nhà giáo dục, bác sĩ nhi khoa, các chuyên gia khoa học xã hội tham gia hội nghị đều chia sẻ sự đồng thuận, rằng công nghệ là công cụ kích thích trẻ rèn luyện khả năng tự kiểm soát hành vi, khám phá phương án giải quyết vấn đề.

Đặc biệt, việc phụ huynh hướng dẫn con trẻ sử dụng công nghệ sẽ giúp trẻ tăng khả năng tiếp thu và học hỏi, đồng thời gia tăng sự gắn kết bền chặt giữa các thành viên trong gia đình.

Học sinh và thiết bị công nghệ: nên hay không nên - Ảnh 1.

Sử dụng công nghệ đúng cách mang đến nhiều lợi ích cho việc nuôi dạy trẻ

Đây có vẻ là thông tin lạ với những ai tin rằng công nghệ là nguyên nhân giãn rộng sự xa cách của các thành viên.

Tuy nhiên theo AAP, không thể đổ lỗi cho công nghệ khi chính cha mẹ giao cho các thiết bị thông minh trách nhiệm “làm vú em” thay vì đặt chúng vào đúng vị trí là công cụ hỗ trợ giáo dục trẻ. Nói cách khác, cách cha mẹ sử dụng công nghệ – chứ không phải chiếc điện thoại hay máy tính bảng – mới quyết định các thiết bị này có hại hay có lợi cho con.

Công bố của các tổ chức uy tín khác cũng góp phần “giải oan” cho thiết bị di động trước những nghi ngờ về tác hại lên sức khỏe con người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cập nhật: “Cho đến nay, không có tác dụng bất lợi nào trên sức khỏe được xác định là do việc sử dụng thiết bị di động gây ra.” 

Viện Hàn lâm Hoa Kỳ về Mắt (AAO) cũng kết luận chứng mỏi mắt và các tật khác về mắt có nguyên nhân từ những thói quen xấu của con người khi sử dụng thiết bị như: xem ở khoảng cách quá gần, chỉnh độ sáng màn hình không phù hợp, xem chăm chú liên tục trong thời gian dài… chứ không phải thiết bị di động là “thủ phạm” gây ra các vấn đề sức khỏe.

Trong bài báo đăng tải trên Forbes, Giáo sư Jordan Shapiro (Đại học Temple, Hoa Kỳ) ví von: “Đến giờ phút này, ta lo lắng về việc tiếp xúc với màn hình không khác gì ta lo lắng về việc tiếp xúc với ngành nông nghiệp, hệ thống ống nước trong nhà, chữ viết hoặc xe hơi.”

Theo ông, thế giới trên màn hình chỉ là một môi trường khác, cũng có những điểm lợi, điểm hại như môi trường sống thực. Điều quan trọng là nếu cha mẹ biết ứng dụng công nghệ đúng cách, đây là môi trường rộng lớn, lý tưởng để truyền cảm hứng học tập vô tận cho trẻ.

STEM – Đường cao tốc đến tương lai

Không lúng túng như các quốc gia đang phát triển, tại các nước như Hoa Kỳ, Anh quốc, công nghệ được khuyến khích sử dụng trong giáo dục trẻ từ giai đoạn sớm, phổ biến nhất qua phương thức giáo dục tích hợp STEM.

Là chữ viết tắt tiếng Anh của bốn từ: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học), giáo dục STEM đề cao phong cách học tập sáng tạo. Bằng cách tích hợp linh hoạt 4 lĩnh vực trên, STEM đặt trẻ vào vai trò của một nhà phát minh.

Đơn cử, khi một đứa trẻ quan sát một con chuồn chuồn, nếu được hướng dẫn với STEM, đứa trẻ sẽ không chỉ dừng lại ở việc biết gọi tên sự vật. Xa hơn, trẻ sẽ được tìm hiểu nguyên lý giúp chuồn chuồn có thể giữ thăng bằng và bay giỏi với đôi cánh mỏng (khoa học), học cách phân tích tỉ lệ hoàn hảo của cơ thể chuồn chuồn (toán học), khám phá cách thức con người áp dụng thuật mô phỏng để chế tạo máy bay (kỹ thuật)… Và tất cả được hỗ trợ sinh động bởi các thiết bị thông minh (công nghệ).

Với phương pháp học STEM, không chỉ là quan sát chuồn chuồn mà còn dùng nhiều kiến thức để phân tích

Chính vì vậy, STEM được hệ thống giáo dục của các quốc gia tiên tiến tin là phương pháp ưu việt bậc nhất, giúp trẻ phát triển óc tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề, năng khiếu phát minh và khả năng hợp tác nhóm.

Đặc biệt, ở cấp tiểu học, STEM là nút kích hoạt lòng yêu thích học tập của trẻ – nhiệm vụ được xem là quan trọng nhất của giáo dục giai đoạn này. Cụ thể, các bài học STEM có khả năng giảm hội chứng “sợ lớp học” bởi cho phép trẻ tư duy theo nhiều cách khác nhau chứ không gò ép rập khuôn.

Nhờ đó, STEM khơi nguồn sáng tạo vô tận – kho báu của những đứa trẻ. Giáo dục STEM cũng cho phép trẻ sai và sửa trong môi trường an toàn của công nghệ, đồng thời mở ra cho trẻ thế giới rộng lớn vượt hẳn không gian quen thuộc từ nhà đến trường.

Học sinh và thiết bị công nghệ: nên hay không nên - Ảnh 3.

Phương pháp học STEM giúp trẻ vượt qua hội chứng “sợ lớp học”

Hiện nay tại Mỹ, theo khảo sát của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, những người được hưởng phương pháp giáo dục STEM có thu nhập cao hơn, thậm chí khi họ làm việc trong các lĩnh vực không liên quan đến Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật hay Toán học (**). Đây là yếu tố khẳng định vai trò của STEM trong phát triển tư duy, kỹ năng của trẻ từ giai đoạn sớm.

Có thể thấy, khi được áp dụng đúng cách, công nghệ không phải là rào chắn ngăn giữa trẻ và thế giới thực mà sẽ là con đường cao tốc dẫn trẻ đến bất kỳ nơi nào trẻ muốn…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bác sĩ nhi khoagiáo dụchệ thống giáo dụchọc sinhthiết bị công nghệ

Các tin liên quan đến bài viết