Dựa theo format một sân chơi trên truyền hình, các học sinh lớp 6, 7 cũng ‘gọi vốn’ cho những dự án cộng đồng dễ thương như lứa tuổi các em.

Học sinh lớp 6, 7 ‘gọi vốn’ cho dự án cộng đồng - Ảnh 1.

Thanh Bình, học sinh lớp 6, vận hành mô hình thiết bị vớt rác cho các Shark xem 

Thay vì cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm bên ngoài, Trường The Dewey Schools Cầu Giấy (Hà Nội) tổ chức cho các em thuyết trình và gọi vốn cho những dự án cộng đồng mà các em thực hiện trong hai tháng qua.

Từ thiết bị vớt rác đến cẩm nang chống bạo lực học đường

Nhóm học sinh lớp 6 chọn đề tài chế tạo thiết bị thu gom rác trên bề mặt nước đã làm một mô hình trình diễn trong buổi chung khảo. Các bé thật thà: “Nếu có nhà đầu tư, chúng con có thể tạo được thiết bị cao khoảng 1,5 mét, đặt ở sông Tô Lịch để vớt rác. Nhưng nếu không có ai đầu tư, chúng con có thể bán mô hình/ý tưởng với giá 150.000 đồng”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông, Trường đại học Bách khoa Hà Nội – một trong ba Shark của cuộc thi, nhận xét về kỹ thuật, thiết bị của các bé làm khá ổn. Ông đánh giá cao ý nghĩa của dự án các bé chọn.

Một sản phẩm handmade thú vị có đến hai Shark nhận đầu tư là bộ lịch đếm ngược. Mỗi ngày mở ra một ô sẽ có một món quà bất ngờ trong ô đó. Quà tặng là những thứ thiết thực với học sinh chuẩn bị cho năm học mới. Bộ lịch làm dạng treo tường bằng vải hoặc bằng bìa các tông.

Dự án được các Shark đánh giá cao là sản phẩm Board game giúp học sinh thích học toán của nhóm học sinh lớp 6. Board game gồm một bàn cờ bằng giấy do học sinh thiết kế, trang trí, 2 viên xúc xắc và 40 lá bài ghi câu hỏi môn toán (8 câu hỏi dễ, 26 câu hỏi ở mức cơ bản, 6 câu hỏi khó). Nhóm xây dựng luật chơi với mục đích mang đến cho người chơi cảm giác vui, có tính giải trí nhưng lại ghi nhớ kiến thức vì buộc phải trả lời đúng câu hỏi nhận được.

Một nhóm khác đưa ra giải pháp giảm bạo lực học đường và kêu gọi đầu tư cuốn cẩm nang để giúp các gia đình kết nối, hiểu nhau, giảm xung đột… Cũng có nhóm muốn được đầu tư để làm sản phẩm snack Healthy, sau khi quan sát thấy thức ăn vặt không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Học sinh lớp 6, 7 ‘gọi vốn’ cho dự án cộng đồng - Ảnh 3.

Bộ câu hỏi trong Board game để tạo động lực học toán của những học sinh lớp 6 

Những nhà “gọi vốn” siêu thật thà

Đang khi trình diễn, thiết bị vớt rác chạy một lúc rồi bị chậm lại. Thanh Bình, đại diện nhóm, giải thích: “Tại nó hết pin rồi ạ”. Thì ra do nhóm hồi hộp nên thử chạy thiết bị nhiều lần, đến khi bật cho giám khảo xem thì… hết pin.

Nhóm nghiên cứu snack Healthy thì ngẩn ra khi các Shark hỏi các con định sản xuất ở đâu, như thế nào? Mặc dù đã nghiên cứu rất kỹ các chỉ số cho thấy ưu điểm của snack sạch, nguyên liệu để làm nhưng các cô cậu bé lớp 6 vẫn không tính được chuyện để làm ra gói bim bim phải cần tính toán thế nào.

Hà Anh, nhóm làm Board game, khi được hỏi đã cho các bạn chơi thử chưa thì thật thà cho biết “chưa ạ”. Nhóm làm bộ lịch trình bày slide rất thuyết phục nhưng lại… quên mang sản phẩm, khi Shark hỏi bao giờ “nhà đầu tư” được xem sản phẩm mẫu thì các bé vội nói “mai ạ”.

Đa số các bé đều chưa tính sát được mức giá cho các sản phẩm dự định làm sau khi được đầu tư. Sự thật thà, ngây thơ của các bé trong buổi “gọi vốn” khiến các Shark nhiều phen cười nghiêng ngả. Nhưng những câu chuyện đằng sau dự án, cách phân công nhau để tạo nên sản phẩm và chỉ “gọi vốn” với giá rất rẻ mang lại ý nghĩa cho cách giáo dục này.

Cô Đoàn Thị Lâm Oanh (giáo viên phụ trách dự án) cho biết các nhóm được tự lựa chọn chủ đề dự án. Qua lăng kính về cuộc sống của mình, các con được nói lên vấn đề mình quan tâm, tìm giải pháp cho chính mình và những người xung quanh, từ những câu chuyện quen thuộc hằng ngày đến những vấn đề vĩ mô, mang tính toàn cầu.

“Tôi vui khi thấy các con biết học hỏi từ thất bại, biết dũng cảm lựa chọn, quyết tâm giải quyết bài toán cuộc sống của mình”, cô Oanh chia sẻ.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : dự án cộng đồnghọc trải nghiệm

Các tin liên quan đến bài viết