Giáo viên thời 4.0 giờ đây không còn là trung tâm của tri thức hay giống như một chiếc “máy cái” truyền thụ kiến thức cho học sinh. Họ buộc phải thay đổi để trở thành những huấn luyện viên dẫn dắt, kiến tạo tri thức cho học trò.
Giáo viên phải trở thành huấn luyện viên
Đại dịch Covid-19 bùng phát cũng là lúc giáo viên phải học cách thay đổi để thích nghi với bối cảnh dịch bệnh. Trong những lớp học trực tuyến với khung thời gian hạn hẹp, giáo viên phải học cách tiếp cận và tận dụng công nghệ để chuẩn bị cho những bài giảng.
Họ cũng không còn là người truyền đạt kiến thức nữa mà phải trở thành người dẫn dắt, kiến tạo tri thức cho học sinh.
Rất nhiều vai trò mới mà người thầy cần phải thực hiện như hỗ trợ việc học tập của học sinh ở nhà; giúp đỡ học sinh về mặt tâm lý; phối hợp với phụ huynh trong các hoạt động học tập của trẻ hay thiết kế chương trình dạy học cá nhân hóa tới từng học sinh.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), đây cũng là thời điểm thích hợp để giáo viên nhìn nhận lại vai trò của mình trong thời đại 4.0.
“Công nghệ 4.0 đã làm cho tri thức vượt quá khả năng xử lý của con người. Tất cả những thông tin hiện tại sẽ rất nhanh lỗi thời, cũ kỹ. Vì thế, giáo viên giờ đây không thể trở thành trung tâm của tri thức hay giống như một chiếc “máy cái” truyền thụ kiến thức cho học sinh nữa. Họ buộc phải thay đổi để trở thành người nắm vai trò tổ chức, điều phối; đồng thời truyền dạy cho học sinh phương pháp học tập suốt đời và cách thức khai thác nguồn học liệu”.
Ông Nam cũng cho rằng, người học giờ đây phải là những người có tư duy sáng tạo thay vì tư duy tái tạo. Và, những sự sáng tạo ấy phải là của học sinh. Thầy cô chỉ có thể giúp học trò phát huy sự sáng tạo thông qua việc đặt câu hỏi thay vì “chế biến sẵn” nội dung kiến thức.
Nói một cách dễ hiểu, giáo viên phải trở thành những huấn luyện viên hay những người hỗ trợ, đồng thời cá nhân hóa tới từng học sinh. “Cũng giống như những vận động viên, mỗi người lại có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Vai trò của huấn luyện viên là phải đưa ra những hướng dẫn phù hợp cho năng lực của từng người, từ đó khắc phục điểm yếu, tối ưu hóa điểm mạnh”, ông Nam lấy ví dụ.
Người thầy thời 4.0 phải trở thành những huấn luyện viên cho học trò
“Giáo viên chỉ nên nói trong 7 phút”
Để việc dạy học trực tuyến thành công, theo ông Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, người thầy buộc phải thay đổi mới có thể thu hút được học trò.
“Muốn dạy online hiệu quả thì việc đầu tiên là phải thiết kế lại chương trình, chứ không phải lấy chương trình trực tiếp và “gán” vào y hệt khi dạy qua Zoom. Giáo viên chỉ nên nói trong vòng 7 phút, sau đó phải dừng và chuyển trạng thái cho học sinh thảo luận nhóm, làm bài tập, trò chơi…. Kết thúc hoạt động đó, giáo viên quay lại kiểm tra kiến thức xem học sinh đã hiểu bài chưa, rồi tiếp tục chuyển qua phần kiến thức mới, nhưng cũng chỉ được gói gọn trong khoảng 7 phút”.
Ông Dũng cũng cho rằng, dù học theo hình thức nào, bài giảng có hấp dẫn hay không vẫn phụ thuộc phần lớn vào người thầy. Đó là khả năng ăn nói, trình bày vấn đề. Do vậy cách đây 3 năm, khi còn làm hiệu trưởng, ông Dũng đã cho giảng viên học các khoá học nghệ thuật nói chuyện trên mạng, nghệ thuật thuyết trình, nghệ thuật làm phim. Theo ông Dũng, việc dạy học cũng giống như một bộ phim điện ảnh, như thế mới có thể thu hút được người học.
Còn PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, giáo viên có thể thu hút người học vào bài giảng giống như chuyện… chơi game. Các hoạt động dạy học nên được thiết kế ngắn gọn, tối đa hóa dưới dạng trò chơi, đặt ra các câu hỏi tạo sự quan tâm và tranh luận của học trò, sử dụng các ứng dụng đơn giản để tăng tương tác.
Thiết kế các hoạt động thực hành luyện tập cũng cần dựa trên các trò chơi, dự án, thảo luận nhóm, các phiếu bài tập trên nền tảng trực tuyến; sử dụng các công cụ lấy ý kiến trực để khảo sát bình chọn cho các ý tưởng.
Ngoài ra, giáo viên còn có thể sử dụng các công cụ thiết kế hẹn giờ để giúp học sinh nắm được lịch trình; sử dụng các công cụ quản lý lớp học trực tuyến để quản lý sự tập trung chú ý và tạo nên tính kỷ luật hơn cho học sinh.
Nguồn: vietnamnet