Thực tế vẫn có nhiều lái xe ra đường tay lái còn non kém dẫn đến tai nạn, không hiểu luật giao thông cả về quy tắc giao thông, biển báo hiệu giao thông…
Đại tá Trần Sơn – nguyên phó trưởng phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an – trao đổi với Tuổi Trẻ về việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) và ý thức, trách nhiệm của người lái xe.
* Thưa ông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xem xét, sửa đổi bộ câu hỏi dùng cho sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ từ 450 lên 500 câu. Quan điểm của ông?
Tôi tán thành việc này. Ví dụ: quy tắc giao thông trên đường cao tốc trong bộ câu hỏi hiện nay còn rất ít, cần bổ sung. Luật giao thông đường bộ hiện nay mới chỉ có 1 điều về giao thông trên đường cao tốc. Trong khi nước ta đã có hơn 700km đường cao tốc và sẽ có hàng ngàn kilômet trong thời gian tới. Việc bổ sung như trên là cần thiết.
* Ông đánh giá thế nào về công tác đào tạo, cấp GPLX hiện nay?
Nhưng thực tế vẫn có nhiều lái xe ra đường tay lái còn non kém dẫn đến tai nạn; không hiểu luật giao thông cả về quy tắc giao thông, biển báo hiệu giao thông. Theo dõi trên các diễn đàn về ôtô thấy nhiều người đã có GPLX nhưng đặt những câu hỏi mà họ không hiểu dù nội dung này hoàn toàn nằm trong bộ câu hỏi sát hạch lái xe.
Có thực tế rất buồn là nhiều lái xe khi gây tai nạn giao thông, buộc phải kiểm tra lại luật giao thông thì không hiểu luật giao thông.
Ôtô, xe máy là nguồn nguy hiểm cao độ khi tham gia giao thông. Vì vậy, việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX phải được siết chặt, kể cả từ câu hỏi sát hạch đến giám sát đào tạo, thi sát hạch.
Tôi đi một số nước và tham khảo mô hình đào tạo, sát hạch cấp GPLX của Nhật Bản, Singapore, Thái Lan rất chặt chẽ về sân bãi tập đến học sát hạch rất quy củ. Và quan trọng là họ thực hiện đúng các quy định.
Xe biển xanh có quan chức cấp cao ngồi, lái xe chạy nếu không đúng thì quan chức phải nhắc nhở, chứ không phải cậy xe biển xanh rồi chà đạp lên luật pháp. Những việc như vậy là gương xấu trong giao thông.
Đại tá TRẦN SƠN
* Quy định, quy trình thì không thiếu nhưng vẫn lọt những tay lái có GPLX vẫn lơ mơ về luật giao thông. Làm gì để chấm dứt chuyện này?
Công tác đào tạo, cấp GPLX đang được nâng cao rất nhiều nhưng vẫn có đó ý thức của người lái xe chưa tốt. Đó là một nghịch lý.
Có tình trạng cơ sở đào tạo cạnh tranh nhau bằng học phí thấp, đảm bảo thi đỗ 100%, vẫn có chuyện bao thi lý thuyết, nhắc bài thi trong sa hình. Có cơ sở đào tạo lái môtô bị báo chí phản ánh cài người ngồi sau mách bài cho từng thí sinh…
Đây là lỗ hổng phải bịt kín toàn diện từ góc độ quản lý nhà nước. Quản lý để các cơ sở đào tạo cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở tuân thủ pháp luật để đảm bảo thời lượng, chất lượng dạy; có cơ chế kiểm tra giám sát cơ sở đào tạo; đảm bảo giáo viên có am hiểu, có đủ trình độ để giảng dạy có chất lượng, số giờ dạy phải tuân thủ đúng quy định.
Đồng thời phải quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ sở đào tạo, sát hạch. Khi phát hiện những sai phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX còn nhiều vấn đề cần được quan tâm từ Bộ GTVT, Bộ Công an, UBND các cấp.
* Có ý kiến cho rằng với giao thông phức tạp ở nước ta, tay nghề lái xe của tài xế Việt Nam không kém nhưng họ chủ quan, chạy ẩu nên gây tai nạn?
Đúng, nhiều người nước ngoài sang Việt Nam không lái xe được vì giao thông quá phức tạp. Nhưng tài xế Việt Nam ra nước ngoài lái xe lại dễ gây tai nạn vì bất cẩn, không tuân thủ nghiêm túc quy tắc giao thông.
Mặt khác, thời gian qua đã phát hiện một số tài xế xe khách, xe tải, xe container sử dụng ma túy. Việc này rất nguy hiểm và thể hiện sự không chuyên nghiệp của người làm nghề lái xe. Ở nước ngoài, nhiều tài xế xác định nghề lái xe nuôi sống gia đình họ nên lái xe rất lịch sự, điềm đạm, chu đáo để sống an toàn bằng nghề, cố gắng không để sơ sẩy làm ảnh hưởng nồi cơm của gia đình.
Nhưng nhiều tài xế ở ta vẫn chưa có ý thức đó trong khi nghề lái xe, người tham gia giao thông trên đường của chúng ta phải chịu áp lực và rủi ro lớn nhất bằng tính mạng, sức khỏe của mình.
Nguồn: tuoitre.vn