“Người lớn, trẻ nhỏ đồng bào Khơ me sinh ra đã biết nói tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình nhưng một chữ “bẻ đôi” thì tất cả chị em lứa tuổi 30 trở lên đều “mù tịt”. Chỉ mới 2 tháng được các sư của chùa dạy chữ, mỗi ngày học một hàng thôi nhưng nay ai cũng đã biết đọc kinh Phật. Học chữ Khơme là để biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình và thuộc kinh Phật” – chị Lâm Fola, Chi hội trưởng phụ nữ ấp 4, xã Lộc Hưng (Lộc Ninh) bộc bạch.
“NO CÁI BỤNG NHƯNG “ĐÓI” CÁI CHỮ DÂN TỘC”
Ngày tết Dương lịch (1-1-2016), mùa thu hoạch lúa vừa kết thúc, nhà người dân Khơme ở ấp 4, xã Lộc Hưng đã đầy bao lúa. Sau bữa cơm chiều, sân chùa Sereyodom đã có nhiều người lớn, trẻ em đến chơi, trong cảnh thanh bình với tiếng đọc kinh Phật của các tăng ni, phật tử. Đúng 19 giờ, sau tiếng kẻng, sư Thạch Danh bước vào lớp bắt đầu buổi học chữ Khơme dành cho người lớn.
Về ấp 4 hôm nay, ghi nhận của chúng tôi là nhiều gia đình khá giả đã có nhà xây khang trang. Nhiều hộ sửa sang, tô quét lại nhà sáng đẹp hơn. Đường chính vào ấp nằm bên cạnh chùa Sereyodom đã bê tông hóa sạch đẹp. Khi đường sá được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa thì nhiều nhà đã làm cổng, bờ rào. Đời sống của người Khơme nay khác xưa nhiều.
Chào sư bằng tụng kinh cũng là kiểm tra bài cũ ở lớp học tại chùa Sereyodom
Anh Lâm Dương, Ấp trưởng cũng đến chùa ngồi uống trà phấn khởi nói: Nhiều năm nay, nhờ chuyển giao khoa học – kỹ thuật sản xuất lúa nước và Nhà nước đầu tư kênh mương thủy lợi nên ruộng được tăng vụ, năng suất, sản lượng cũng tăng gấp 2 lần so với trước. Ấp 4 có 202 hộ, người Kinh 20 hộ còn lại là đồng bào Khơme. Cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình giúp nhau thoát nghèo của các hội, đoàn thể và quan trọng là nỗ lực vươn lên của nhân dân nên ấp 4 đã xóa được nhà tạm. Năm 2015, ấp 4 có 3 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo đã thoát nghèo (còn 5 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo).
Ấp trưởng Lâm Dương nói chân thành: “Nhờ Đảng, Nhà nước nên kinh tế của người Khơme ở ấp 4 ngày càng khá. Trẻ em, thanh thiếu niên được học hành nâng cao trình độ dân trí. Ban điều hành ấp đã vận động 100% con em Khơme trong độ tuổi đến trường nhưng chỉ có khoảng 20% em biết đọc, biết viết chữ Khơme. Người Khơme trong ấp hôm nay, cái bụng đã no nhưng còn “đói” chữ viết dân tộc.
HỌC CHỮ KHƠME ĐỂ DỄ THUỘC KINH PHẬT
Sư Thạch Danh bước vào lớp học, cả lớp chắp tay niệm Phật chào sư rồi hòa vào tiếng tụng kinh của chùa Sereyodom trong tối mùa khô ấm áp miền Đông Nam bộ. Với sư Thạch Danh, tụng kinh cũng chính là kiểm tra bài học cũ. Lớp có 30 “trò”, lứa tuổi 30-60.
Sư Thạch Danh quê ở Trà Vinh được phân công về trụ trì chùa Sereyodom 12 năm. Vào các kỳ nghỉ hè, sư Thạch Danh và các sư ở chùa mở lớp dạy chữ Khơme cho học sinh, với khoảng 100 em/năm ở các cấp học.
Không chỉ có các bà, các cô mà lớp học còn có vài em học sinh. Em Thị Bé Ngoan, 14 tuổi, lớp 7 Trường THCS Lộc Hưng cho biết: Ban ngày em học ở trường, tối đến chùa học thêm chữ viết của dân tộc mình. Bà Thị Dách (55 tuổi), mắt kém nên phải cầm thêm đèn pin để soi vào vở viết. Bà Thị Dách sắp có chắt ngoại nhưng đêm nào cũng cùng các bà trong ấp đến lớp học của chùa. Bà Thị Dách phấn khởi: “Biết chữ Khơme để học và dễ thuộc kinh Phật, đồng thời để con cháu học theo mình tìm về văn hóa dân tộc Khơme”. Chi hội trưởng phụ nữ ấp Lâm Fola chia sẻ: Viết được chữ Khơme cũng giúp nhiều chị em biết cả chữ Việt. Người Khơme ấp 4 sinh sống tập trung nên nói tiếng dân tộc từ khi mới biết nói nhưng chữ phổ thông viết, đặc biệt là phụ nữ 30 tuổi trở lên thì một chữ “bẻ đôi” cũng không biết.
Sư Thạch Danh cho biết: Do trước đây kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên đa phần các bà, các cô, các chị chỉ “võ vẽ vỡ lòng” chữ phổ thông tiếng Việt. Tiếng mẹ đẻ dân tộc, khi sinh ra người Khơ me đã biết nói nhưng không được học đọc, học viết. Phật giáo Nam tông của đồng bào Khơme gắn với đời sống, sinh hoạt của người dân. Đa phần người Khơme theo đạo Phật nên biết đọc, biết viết ngôn ngữ dân tộc chính là để học và tụng kinh Phật. Do đó, ngoài dạy tiếng Khơme cho thanh thiếu nhi, chùa Sereyodom thấy cần dạy cho cả người lớn. Tuy nhiên, do lớn tuổi và phải lo cuộc sống hằng ngày nên các bà, các cô lâu nhớ, dễ quên hơn so với lớp trẻ. Vì thế mỗi đêm, sư chỉ dạy 1 dòng, tương đương 1 câu (5 chữ được phiên âm). Thế nhưng, chỉ sau 2 tháng, đa phần các bà, các cô đều phấn đấu đọc được, viết được để tụng kinh Phật. Chùa Sereyodom có 4 sư đều tham gia dạy chữ Khơme cho phật tử ở ấp 4.
Nguồn: BPO