Ngồi trò chuyện với ông trong căn nhà cấp 4 ngăn nắp, thấy tôi chú ý đến những tấm huân, huy chương được sắp xếp ngay ngắn, ông vui vẻ nói: “Đấy là niềm vinh dự của tôi khi được Đảng và Nhà nước trao tặng trong quân ngũ”. Còn trong hoạt động xã hội từ năm 2009 đến nay, ông được Ủy ban Trung ương MTTQVN, UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh, UBND thị xã Đồng Xoài và xã Tiến Thành trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Ông là Nguyễn Thanh Việt (1942), Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận, Tổ trưởng Tổ dân vận ấp 4, xã Tiến Thành (Đồng Xoài), người cán bộ luôn tận tụy với công việc.
XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ
Ông Việt quê tỉnh Bắc Ninh, là chiến sĩ quân y, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường A-B (chiến trường A từ tỉnh Quảng Bình trở ra Bắc, chiến trường B thuộc các tỉnh phía Nam). Năm 1987, ông xin chuyển ngành về làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). Năm 1992, ông nghỉ hưu theo chế độ. Năm 2003, ông cùng gia đình vào sinh sống tại xã Tiến Thành. Từ năm 2004 đến nay, với uy tín và lòng nhiệt huyết trong hoạt động xã hội, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận, Tổ trưởng Tổ dân vận, Chi hội trưởng khuyến học ấp 4.
Hằng ngày, ông Việt đều đến nhà văn hóa ấp để mở loa tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước
Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, trong các cuộc họp bàn công việc của ấp, ông đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực giúp nâng cao cuộc sống người dân. Ông tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn trong dân; đặc biệt luôn gương mẫu trong thực hiện và vận động nhân dân tích cực đóng góp và tham gia xây dựng nông thôn mới. Điển hình như từ cuối năm 2015 đến nay, ông đã vận động người dân trong ấp hiến đất, chặt cây, đóng góp 361,27 triệu đồng và 56 ngày công lao động làm 8 tuyến đường với tổng chiều dài 1.180m; khơi thông 516m mương thoát nước, trị giá khoảng 4,5 tỷ đồng… Hằng năm, bằng uy tín của mình, ông vận động các nhà hảo tâm ủng hộ 10 triệu đồng tặng quà tết cho hộ nghèo, 10 triệu đồng để sửa chữa, mua sắm bàn ghế, loa đài nhà văn hóa.
Chủ tịch UBMTTQVN xã Tiến Thành Mai Thế Tám cho biết: Với vai trò là Bí thư chi bộ ấp, kiêm Trưởng ban công tác mặt trận, ông Việt luôn phát huy vai trò, trách nhiệm và những kinh nghiệm gắn thực hiện nhiệm vụ ở xã với các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thông qua những việc làm cụ thể như: ủng hộ xây dựng các quỹ “Vì người nghèo”, “Khuyến học”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Chăm sóc người cao tuổi”, các chương trình an sinh xã hội, bảo vệ môi trường khu dân cư… ông họp dân, đến từng hộ tuyên truyền, vận động và được người dân tích cực tham gia.
NÓI DÂN HIỂU, LÀM DÂN TIN
Phát huy dân chủ ở cơ sở trên tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, các khoản thu – chi, vận động nhân dân đóng góp, việc bình xét hộ nghèo, gia đình văn hóa, hay lựa chọn làm đường giao thông nông thôn… đều được ban điều hành ấp thông báo công khai trong các cuộc họp để người dân quyết định. Ông Nguyễn Văn Ba, Phó chủ tịch UBMTTQVN thị xã Đồng Xoài cho biết: Với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “Nói đi đôi với làm”, ông Việt luôn gương mẫu thực hiện các phong trào và vận động mọi người hưởng ứng. Qua đó đã tạo sự lan tỏa trong các đảng viên, nhân dân tại khu dân cư.
Ông Việt cho biết: “Để mọi người tin tưởng và làm theo, tôi luôn vận động gia đình, người thân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, chăm lo phát triển kinh tế ổn định, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Vì vậy, khi vận động người dân đều nhiệt tình hưởng ứng”. Ông đã ủng hộ 2 triệu đồng làm tường rào lưới B40 xung quanh nhà văn hóa, trồng nhiều cây xanh tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp. Khi nhà văn hóa được xây dựng, ông đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ 2 tấn xi măng làm 100m2 bê tông sân, cổng chào khu dân cư và đường vào nhà văn hóa.
Nhờ sự góp sức của Ban điều hành ấp 4, trong đó có vai trò quan trọng của Bí thư Chi bộ Nguyễn Thanh Việt nên đời sống người dân trong ấp dần được nâng lên. Năm 2010, thu nhập bình quân của người dân đạt 25 triệu đồng, đến năm 2016 đạt 36 triệu đồng/người/năm; hộ khá, giàu chiếm khoảng 60%, chỉ còn 7 hộ nghèo (theo tiêu chí đa chiều), 4 hộ cận nghèo. Nhiều năm liền, ấp 4 bình quân có 96% số hộ đạt gia đình văn hóa, khu dân cư giữ vững danh hiệu văn hóa, chi bộ được công nhận trong sạch vững mạnh.
Nguồn: baobinhphuoc.com.vn