Sau những âu lo một năm thất bát do chịu ảnh hưởng nặng nề của thời tiết khi đất đai, nguồn nước trồng hoa bị hạn mặn xâm nhập, người dân các làng hoa tại miền Tây vẫn chắt chiu những gốc hoa đẹp nhất mang lên chợ hoa ở TP.HCM.
Tại chợ hoa trên lề kênh Tàu Hủ – Bến Nghé (tuyến đường Bến Bình Đông, Q.8), những chậu hoa tết đầu tiên của thương nhân các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An, Đồng Tháp… đã theo ghe cập bến với các loại hoa đặc trưng là mai, quất, hoa giấy, vạn thọ…
Chở một ghe lớn hơn 300 gốc mai ghép, anh Huỳnh Kim Hải (ngụ Bến Tre) cho biết để có được số mai này, anh đã phải chắt chiu từng giọt nước tưới tắm cho từng gốc mai trong những ngày nước mặn xâm nhập.
Không được như mọi năm, các gốc mai đơm nụ không đều, nụ hoa cũng nhỏ nhưng được như vầy là kết quả kỳ công chăm bón. Hạn mặn đã làm chết khô hơn 100 gốc mai ghép đã vài năm tuổi của anh Hải, thiệt hại quá lớn.
Trong hơn 1.000 cây quất ươm trồng cho vụ tết này, anh Hải chỉ mang lên Sài Gòn khoảng 200 cây, số còn lại đã chết hạn và sống èo uột.
“Vườn tui như vậy là nhẹ, có những nhà hứng trọn cơn nước mặn tràn vào vườn, mấy trăm gốc mai chết, coi như mất tết” – anh Hải nói.
Để có vườn mai ghép đều bông mang lên Sài Gòn, ông Lê Quang Thành ở làng hoa Cái Mơn (huyện Chợ Lách, Bến Tre) phải bỏ ra gần cả trăm triệu đồng mua nước ngọt cứu cây xuyên mùa hạn.
Mỗi ngày ông Thành phải dùng máy đo độ mặn của nước, nếu nước tự nhiên vượt ngưỡng an toàn, ông phải mua hàng chục mét khối nước với giá 80.000 đồng/m3 để cứu mai. Nước mặn cũng khiến ông mất cả tỉ đồng khi chục gốc mai ghép cổ thụ không sống nổi.
Số mai ông mang đi bán, cho thuê tết này khoảng 200 gốc, mỗi gốc giá bán từ vài chục đến 200 triệu đồng và giá thuê mai 10-40 triệu đồng.
“Tui bán và cho thuê mai đã gần 20 năm nên cứ đến mùa là có khách gọi, hết 90% là khách quen thuê mai đã nhiều năm” – ông Thành nói.
Còn với ông Tuấn, chủ một vườn hoa giấy ghép đủ màu, thì do ông chăm bón kỹ lưỡng hơn, số lượng cây kết hoa cũng khá cao như kỳ vọng. Năm nay ông Tuấn mang đến chợ hoa hàng trăm gốc hoa giấy với mức giá 200.000 – 6 triệu đồng mỗi cây. Ngày “mở hàng”, ông Tuấn đã bán hàng chục gốc.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoa – phó chủ tịch UBND Q.8, chợ hoa xuân này sẽ kéo dài đến ngày 11-2, có trên 500 nhà vườn từ các tỉnh miền Tây mang đến các loại hoa, cây kiểng, trái cây chưng tết.
Gốc dừa hình trâu hút khách
Ông Lê Hồng Quân chăm chút những gốc dừa tạo hình con trâu
Những gốc dừa non đơm lá xanh mướt từ những gáo dừa được tạo hình thành những chú trâu ngộ nghĩnh là sản phẩm độc đáo tại chợ hoa Bến Bình Đông (Q.8) năm nay. Mỗi chậu dừa non mang một dáng dấp, hình hài của những chú trâu khác nhau, đều được tạo hình từ gáo và thân dừa.
Các gốc cây này là sản phẩm tâm huyết từ ý tưởng của ông Lê Hồng Quân (cơ sở thủ công mỹ nghệ Hiển Long, Bến Tre) từ nhiều năm qua. Năm nay ông tung ra thị trường 600 gốc cây dừa tạo hình này, đã bán sỉ phần lớn cho các chợ hoa ở TP.HCM, An Giang và Cần Thơ, chỉ còn số ít do ông trực tiếp bán lẻ với mức giá 600.000 – 2 triệu đồng/chậu.
Ông Quân cũng tạo hình tự nhiên để cây dừa có dáng như con kiến, bạch tuộc hay con nhện. Theo ông, sau khi chưng tết, người mua vẫn có thể trồng cây bình thường như cây dừa giống.
Nguồn: tuoitre.vn