Dù đã 70 tuổi, họa sĩ Đặng Ái Việt vẫn hằng ngày trên chiếc xe honda 81 của mình rong ruổi mọi miền Tổ quốc “chạy đua với thời gian” tìm gặp các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) để tri ân qua những bức tranh khắc họa trước khi quá muộn. Như một cơ duyên, tôi may mắn có dịp gặp gỡ, tìm hiểu về họa sĩ Ái Việt trong hành trình khắc họa chân dung 28 Mẹ VNAH tại Bình Phước.

HÀNH TRÌNH NÉT THỜI GIAN

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Tiền Giang, 15 tuổi họa sĩ Đặng Ái Việt (SN 1948) thoát ly gia đình theo cách mạng. Vốn là chiến sĩ cách mạng, lại có thời gian công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam, được gặp gỡ những phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, từ năm 1994, khi có Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, họa sĩ Ái Việt đã lên ý tưởng về việc khắc họa chân dung các mẹ như một cách tri ân trước sự mất mát, hy sinh to lớn của các mẹ, của những người con anh hùng. Đến năm 2010 khi về hưu, họa sĩ mới có thể bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình với tên gọi “Hành trình nét thời gian” nhằm vẽ về các Mẹ VNAH, các Anh hùng Lực lượng vũ trang và vẽ về những người từng chung chiến hào. Sau gần 9 năm đồng hành với chiếc xe chaly cũ (chiếc xe hiện được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trưng bày), sau này là chiếc honda 81, họa sĩ Ái Việt đã vẽ được gần 1.800 bức chân dung độc bản về các Mẹ VNAH và hơn 200 bức vẽ Anh hùng Lực lượng vũ trang trong cả nước. Trong đó, tại Bình Phước, trước đây họa sĩ đã vẽ được 8 Mẹ VNAH và Anh hùng Lực lượng vũ trang Dương Đức Thùng (Đồng Xoài). Trong hành trình về Bình Phước lần này, họa sĩ sẽ tiếp tục vẽ 28 Mẹ VNAH tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.

Họa sĩ Đặng Ái Việt khắc họa chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng Đinh Thị Kha ở phường Tân Bình (Đồng Xoài)

BỨC TRANH MẸ VNAH SỐ 1.797

7 giờ sáng 10-10 vừa qua, sau khi liên hệ với lãnh đạo phường Tân Bình (Đồng Xoài), họa sĩ Ái Việt lại vội quấn chiếc khăn rằn rồi leo lên người bạn đồng hành của mình là chiếc honda 81 đã chằng chai nước, dụng cụ vẽ, quần áo, vật dụng cá nhân cùng chiếc tủ đựng hình Mẹ VNAH. Được một cán bộ dẫn đường, họa sĩ đã tìm đến nhà Mẹ VNAH Đinh Thị Kha tại khu phố Tân Bình, phường Tân Bình. Vừa đến nơi, dù chưa gặp mặt nhưng họa sĩ Ái Việt đã đoán được đó chính là nhân vật mình đang tìm. Họa sĩ vội chạy tới ôm chầm mẹ Kha với gương mặt vô cùng rạng rỡ như một đứa con xa nhà lâu ngày trở về. Họa sĩ cho biết: “Khi gặp các mẹ, cảm xúc trong tôi dâng trào, tôi như một đứa con của các mẹ, một đứa con mà các mẹ chưa từng gặp mặt, từ phương xa tới nhưng lại thân quen vô cùng. Vì tôi chính là đồng đội của con các mẹ”.

Trước khi vẽ, họa sĩ Ái Việt đã tự tay chỉn chu mái tóc, mặc áo dài cho mẹ. Ngồi bên nhau, mẹ và họa sĩ đã chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời, về người chồng, người con liệt sĩ của mẹ Kha. Thấu hiểu những nỗi đau của mẹ, sau khi thắp nén nhang thơm lên bàn thờ của 2 liệt sĩ, họa sĩ bắt đầu những nét vẽ đầu tiên. Mỗi nét vẽ như kể lại câu chuyện cuộc đời của mẹ, những đau thương, hy sinh, cống hiến của người chồng, người con của mẹ, những anh hùng đã mãi mãi nằm xuống cho đất nước hòa bình, độc lập. Bức tranh vẽ về Mẹ VNAH Đinh Thị Kha cũng là tác phẩm thứ 1.797 của họa sĩ Ái Việt trong suốt gần 9 năm qua.

CUỘC CHẠY ĐUA NGHIỆT NGÃ

Dù đã 70 tuổi nhưng trong suốt gần 9 năm qua, thời gian họa sĩ Ái Việt đi tìm gặp các Mẹ VNAH để vẽ chân dung còn nhiều hơn lúc được ở bên gia đình mình. “Nhiều lúc nhớ các con, các cháu muốn về nhưng nghĩ đến thời gian không chờ mình, cũng không chờ các mẹ nên tôi lại cố gắng chạy đua với nó, vượt qua nỗi nhớ, những khó khăn để hoàn thành càng nhiều bức tranh càng tốt”.

Sau khi hoàn thành bức vẽ thứ 1.797, họa sĩ Ái Việt lại lên đường tiếp tục hành trình những nét vẽ tri ân. “Khi nghĩ đến các mẹ chính là động lực thôi thúc tôi phải tiếp tục đi và không gì có thể cản bước tôi được. Nếu hỏi rằng trên đường đi có gặp khó khăn gì không thì với tôi chắc chắn là không” – họa sĩ Ái Việt vui vẻ nói.

“Ta đi, đâu phải cầu danh/Chẳng phải thiền sư chẳng thỉnh kinh/Ta tìm hình ảnh người mẹ Việt/Để lại ngàn năm cho thế nhân”. 4 câu thơ của họa sĩ Ái Việt cũng chính là câu chuyện kể ngắn gọn về “Hành trình nét thời gian” của họa sĩ trong những năm qua. Mỗi bức vẽ đều khắc họa một câu chuyện chân thực nhất về cuộc đời các Mẹ VNAH, về sự tự hào, lòng tiếc thương người chồng, người con anh hùng đã cống hiến, hy sinh cả cuộc đời cho dân tộc Việt Nam mãi trường tồn.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : Đinh Thị KhaHành trình nét thời gianHọa sĩ Đặng Ái Việtmẹ việt nam anh hùng

Các tin liên quan đến bài viết