Để thu được lợi nhuận trong một thị trường dược phẩm tỉ đô, các nhà sản xuất thuốc mới phải chi đậm để thuyết phục bác sĩ sử dụng thuốc của họ |
Theo báo Business Insider, trong 5 tháng cuối năm 2013, theo điều tra của tổ chức phi lợi nhuận ProPublica, các hãng dược bỏ ra gần 20 triệu USD để “thuyết phục” bác sĩ và bệnh viện đưa những loại thuốc mới được cấp phép vào điều trị, rất nhiều loại trong đó là những phiên bản tương tự các thuốc cùng điều trị một loại bệnh. Câu hỏi đặt ra là vì sao các hãng dược trả tiền “hoa hồng” quá nhiều để bác sĩ kê toa thuốc của họ? Câu trả lời chỉ gói gọn trong hai chữ: cạnh tranh. Để thu được lợi nhuận trong một thị trường dược phẩm tỉ đô, các nhà sản xuất thuốc mới phải chi đậm để thuyết phục bác sĩ sử dụng thuốc của họ. Chẳng hạn chỉ trong 5 tháng cuối năm 2013, hãng dược đa quốc gia AstraZeneca – nhà sản xuất thuốc Brilinta – chi tới 282.000 USD cho 63 lần trả phí “hoa hồng”. Hãng Novo Nordisk phải bỏ ra 816.000 USD tiền “hoa hồng” trong 166 lần chi để “chống lưng” cho thuốc Victoza trị tiểu đường type 2. Một trong các hãng dược lớn nhất thế giới là GSK cho biết năm 2014 họ phải chi 890.503 USD tiền “hoa hồng” trả cho bác sĩ tham gia các ban cố vấn, hoặc trả thù lao để họ phát biểu hay viết các bài báo liên quan tới sản phẩm của GSK. Trong khi đó tại Anh, báo Telegraph dẫn dữ liệu công bố giữa năm ngoái của Hiệp hội Ngành công nghiệp dược phẩm Anh (ABPI) cho biết những bác sĩ thuộc Mạng lưới Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) nhận được trung bình trên 100.000 bảng Anh (tương đương 129.050 USD) mỗi năm tiền “hoa hồng” từ các hãng dược. Những quan chức của NHS tham gia quá trình đánh giá những thuốc được phép kê toa cho người bệnh cũng bỏ túi mỗi năm khoảng 20.000 bảng Anh (25.810 USD). Tháng 8 năm ngoái, lần đầu tiên các hãng dược phẩm tại Úc tiết lộ số tiền họ phải chi trả cho bác sĩ nước này là 19.000 đôla Úc (hơn 15.000 USD) trong các chuyến du lịch nước ngoài, hơn 18.000 đôla Úc (14.200 USD) cho phí thuyết trình, tư vấn với các sản phẩm thuốc của họ. Trang news.com.au cũng cho biết trong 6 tháng, từ tháng 10-2015 đến tháng 4-2016, các bác sĩ Úc chia nhau bỏ túi 8,5 triệu đôla Úc (6.728.642 USD) tiền “hoa hồng” của các hãng dược. Kể từ tháng 10-2016, các hãng dược tại Úc buộc phải công bố mọi khoản tiền họ trả cho bác sĩ. Quy định của Úc cũng ghi rõ nếu bác sĩ nhận “hoa hồng”, họ sẽ phải chấp nhận việc công khai thông tin.