Để giúp sinh viên học trực tuyến, nhiều trường ĐH đã hỗ trợ chi phí cho sinh viên sử dụng Internet, dữ liệu di động trong quá trình học. Các trường cũng đã giảm học phí 8 – 20%.
Ông Võ Văn Tuấn – phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang – cho biết trường đang khảo sát sinh viên về nhu cầu sử dụng máy tính xách tay để học online nhằm nắm thông tin có bao nhiêu sinh viên cần, mức giá, hình thức chi trả.
Sau đó, trường sẽ tính các hỗ trợ như tìm nhà cung cấp rẻ nhất, cho vay trả chậm… để các bạn có thể mua máy tính xách tay phục vụ tốt nhất việc học.
Ông Lê Sĩ Hải – giám đốc điều hành thường trực Trường ĐH Văn Hiến – cho biết trường hỗ trợ 20% học phí các môn học online và 10% đối với các môn học offline cho tất cả sinh viên của trường. 100% sinh viên của trường được hỗ trợ gói cước phí tốc độ cao để thuận lợi hơn trong việc học tập trực tuyến.
Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hoặc gặp khó khăn về phương tiện học tập như không có điện thoại thông minh hay máy tính xách tay sẽ được nhà trường hỗ trợ mua trả góp hoặc cho mượn.
Bên cạnh việc giảm học phí, hỗ trợ phương tiện, một số trường đã tổ chức đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ việc dạy và học trực tuyến.
Chẳng hạn, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng tổ chức đội ngũ kỹ thuật 10 người hỗ trợ người học 24/7.
Một số giảng viên Trường ĐH Văn Lang tổ chức đội ngũ canh lớp, khi có sinh viên gặp trục trặc, đội ngũ này sẽ báo để giảng viên hỗ trợ kịp thời, tránh trường hợp sinh viên bị điểm danh vắng hoặc không biết cách quay lại lớp.
Ngoài các yếu tố thuộc về phương tiện, kỹ thuật, một trong những yếu tố quan trọng để dạy học trực tuyến thành công, theo ThS Đoàn Thị Kiều Oanh – giảng viên khoa ngoại ngữ Trường ĐH Văn Lang, là thầy trò phải tương tác thường xuyên.
Bà Oanh cho rằng dạy học online giảng viên sẽ vất vả hơn vì không chỉ tương tác với sinh viên trong giờ học mà ngay cả ngoài giờ, khi sinh viên có thắc mắc cần trao đổi.
“Đầu giờ học tôi thường kiểm tra nội dung chính bài học hôm trước dưới dạng các câu hỏi như một trò chơi để biết các bạn hiểu bài tới đâu, vừa không tạo cảm giác buồn ngủ. Cứ mỗi sau 20 phút thì dừng lại, tạo một hoạt động vui để kiểm tra xem sinh viên có đang theo dõi mình nói hay không” – ThS Oanh nói.
Nguồn: tuoitre.vn