Mặc dù vấn đề xả lũ của các hồ chứa Sơn La, Hoà Bình và Thác Bà đang được quan tâm và khiến nhiều người lo lắng, tuy nhiên, xét về góc độ kỹ thuật thì đây lại là điều đáng mừng vì các hồ không những đã tích đầy nước mà cần phải xả thừa.
Hồ thủy điện xả thừa, ít gây ảnh hưởng đến hạ du
Có thể khẳng định, các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình và Thác Bà là những hồ chứa lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng chống lũ đồng bằng sông Hồng, phát điện và cấp nước phục vụ sản xuất.
Thời gian vận hành mùa lũ được quy định trong Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (Quyết định 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ, sau đây gọi tắt là Quy trình 740) quy định là từ 15/6 đến 15/9 hàng năm.
Đây là thời kỳ mùa lũ và các hồ chứa Sơn La, Hoà Bình, Thác Bà và Tuyên Quang cần phải hạ thấp mực nước để dành dung tích phòng lũ cho hạ du.
Để đảm bảo cấp nước cho các mục đích khác nhau, cuối thời kỳ mùa lũ (từ 22/8 đến 30/9), các hồ chứa được phép tích dần lên mực nước dâng bình thường, theo quy định, hồ Sơn La là 215m, hồ Hoà Bình 117m, hồ Thác Bà 58m và hồ Tuyên Quang là 120m.
Hiện nay, trong hệ thống 4 hồ trên thì ngoại trừ hồ Tuyên Quang đang ở mức 117.8m, các hồ còn lại đã tích đầy nước. Do đó, vấn đề xả nước là bình thường, ta có thể coi đó là việc xả thừa.
Mặt khác, trên thượng lưu hiện tại không có lũ lớn và mực nước hạ lưu các sông đang ở mức thấp (mực nước tại trạm thuỷ văn Hà Nội lúc 19h ngày 1/10 là 3.70m) nên việc xả nước ít gây ảnh hưởng đến tình hình lũ lụt ở hạ du.
Tuy nhiên, cần thông báo rộng rãi cho nhân dân, chính quyền các địa phương và có các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn đê, kè, cũng như các công trình trên sông.
Như vậy, có thể khẳng định, việc xả lũ của các hồ chứa trong đợt này chỉ là vấn đề xả thừa của các hồ chứa và thực hiện theo đúng Quy trình 740.
Mở 1 cửa xả đáy, mực nước hồ Sơn La sẽ giảm dần
Đối với hồ Sơn La, hiện nay mực nước hồ đang cao hơn mức nước dâng bình thường 1.28m (lúc 19h ngày 1/10) và Công ty thuỷ điện Sơn La, Lai Châu đã thực hiện vận hảnh mở 1 cửa xả đáy lúc 16h ngày 1/10.
Mặc dù lưu lượng về hồ tại thời điểm này là 4840 m3/s xấp xỉ bằng lưu lượng xả (bao gồm cả lưu lượng phát điện và lưu lượng qua cửa xả), tuy nhiên, đây chỉ là những số liệu tức thời.
Thực tế, theo số liệu vào lúc 6h ngày 1/10, lưu lượng đến hồ Sơn La chỉ ở mức 2350 m3/s. Do đó, việc vận hành 1 cửa xả đáy, cộng với lưu lượng phát điện ổn định ở mức 2600 m3/s thì mực nước hồ Sơn La sẽ giảm trong thời gian tới.
Mặt khác, theo nhận định thì thời gian tới trên lưu vực thượng lưu sẽ không có lũ lớn nên hồ Sơn La không cần dành dung tích phòng lũ cho hạ du. Do vậy, việc tích nước ở mức cao là nhằm đảm bảo phục vụ cấp nước, phát điện cho mùa kiệt. Nếu xả thừa quá mức sẽ gây lãng phí tài nguyên.
Về vấn đề an toàn công trình, thứ nhất, đập Sơn La là đập bê tông trọng lực, các công trình xả lũ được thiết kế để đảm bảo xả lũ với lưu lượng lớn. Đáng chú ý là mực nước lũ kiểm tra khi xảy ra lũ PMF lên tới 228.07m. Có nghĩa, trong điều kiện xảy ra trận lũ như vậy thì hồ vẫn đảm bảo an toàn khi mực nước dâng cao đến mức trên.
Thứ hai, trên thực tế, năm 2013 hồ Sơn La đã thử tích nước đến mức 217.3m và kết quả đánh giá về độ thấm và các hạng mục an toàn khác cho kết quả tốt, hồ đảm bảo an toàn.
Có thể khẳng định, việc tích nước cao hơn mực nước dâng bình thường của hồ Sơn La là đã nằm trong dự tính và được các chuyên gia phân tích, đánh giá cẩn thận. Tuy vậy, ta vẫn phải chủ động đề phòng các trường hợp bất thường từ phía thượng lưu, đặc biệt là các diễn biến thời tiết cực đoan và vấn đề xả lũ của các hồ chứa từ phía Trung Quốc. |
Do vậy, có thể khẳng định việc tích nước cao hơn mực nước dâng bình thường của hồ Sơn La là đã nằm trong dự tính và được các chuyên gia phân tích, đánh giá cẩn thận.
Tuy vậy, vẫn phải chủ động đề phòng các trường hợp bất thường từ phía thượng lưu, đặc biệt là các diễn biến thời tiết cực đoan và vấn đề xả lũ của các hồ chứa từ phía Trung Quốc.
Vấn đề này đã được dự tính và bàn thảo trong cuộc họp ngày 28/9/2020 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và các đơn vị liên quan. Ở đó, các tình huống đã được phân tích và kiến nghị. Trong đó, Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam đã đề xuất phương án xả lũ để giảm mực nước hồ Hoà Bình nhằm chuẩn bị trước tình huống xả lũ từ hồ Sơn La.
Bởi vì, nếu hồ Hoà Bình đang ở mức cao mà hồ Sơn La xả lũ lớn thì việc vận hành hồ Hoà Bình sẽ rất phức tạp. Nếu hồ Hoà Bình xả lũ cấp tập sẽ gây mất an toàn cho hạ du. Do đó, cần chuẩn bị trước một bước. Điều đó cho thấy rằng, việc phối hợp và trình tự xả lũ của các hồ chứa là nằm trong tính toán và có sự kiểm soát.
Mặt khác, nếu sử dụng phần dung tích siêu cao thì dung tích hồ Sơn La cũng còn tương đối lớn, cụ thể dung tích đến mực nước lũ thiết kế (217.83m) là 325 triệu m3; đến mực nước lũ kiểm tra PMF (228.07m) là 2 tỷ 875 triệu m3.
Do đó, về mặt kỹ thuật thì hồ Sơn La hoàn toàn có thể đảm bảo an toàn trong những tình huống bất thường có thể xảy ra. Tuy nhiên, đó chỉ là những thông số kỹ thuật, trong vận hành thực tế thì không được chủ quan, lơ là mà cần theo dõi chặt chẽ và đưa ra những quyết định chính xác.
Sẵn sàng cho những tình huống bất thường
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện số 13/CĐ-TƯ yêu cầu hồ Sơn La, Thác Bà mở 1 cửa xả đáy vào hồi 16h ngày 1/10. Hồ Hòa Bình tiếp tục duy trì 1 cửa xả đáy và sẵn sàng phương án mở thêm cửa xả thứ 2 khi có lệnh.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, vào lúc 15h ngày 1/10, mực mước hồ Sơn La ở cao trình 116,27 (trên mực nước dâng bình thường 1,27m), lưu lượng đến hồ 4.112m3/s, tổng lưu lượng xả 2.601m3/s (lưu lượng chạy máy phát điện). Mực nước hồ Thác Bà ở cao trình 58,8m (trên mực nước dâng bình thường 0,8m), lưu lượng đến hồ 721m3/s, tổng lưu lượng xả 402m3/s (lưu lượng chạy máy phát điện).
Ông Khương Thế Anh, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho biết, với việc mở 1 cửa xả đáy, tổng lưu lượng nước xả qua đập thủy điện Sơn La là 4.440 m3/s, trong khi lưu lượng dự báo về hồ là 4.115 m3/s.
“Tình hình mưa lũ thượng nguồn còn diễn biến phức tạp, tùy theo tình hình thực tế có thể tiếp tục phải mở thêm cửa xả đáy của các hồ Sơn La, Hòa Bình và Thác Bà” – Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thông tin tại công văn hỏa tốc số 404/VPTT ngày 1/10.
Từ ngày 10-11/10/2017, chúng ta thấy rằng lưu lượng nước về một cách rất đột ngột do mưa ngay trong lòng hồ Hòa Bình và đã lên đến xấp xỉ 16.000m3/s. Lúc đó, chúng ta phải đóng toàn bộ hồ Sơn La lại để đảm bảo cho việc an toàn của hồ Hòa Bình.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai
Vào lúc 9 giờ sáng ngày 28/9, khi mực nước hồ Hòa Bình ở mức 215,39m (cao hơn quy định khoảng 0,39m), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã phải họp khẩn về vận hành liên hồ chứa thủy điện lưu vực sông Hồng.
Tại cuộc họp này, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bình quân trong 5 ngày tới (đến ngày 3/10), lưu lượng nước đổ về hồ thủy điện Sơn La trung bình ở mức 3.400m3/s (thấp nhất là 2.700m3/s, cao nhất là trên 4.200m3/s) và trong 10 ngày tiếp theo (từ 4-10/10) sẽ giảm xuống mức 2.900 m3/s.
Theo ông Long, dự báo từ ngày 4-5/10, sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường, gây ra một đợt mưa rào và dông. Ở khu vực Tây Bắc, có khu vực mưa to đến rất to và lượng mưa phổ biến ở khu vực Bắc bộ từ từ 50-100mm.
“Do ảnh hưởng của không khí lạnh, đợt mưa này sẽ kéo dài tiếp sau ngày 5/10 trở đi cho đến khoảng 12/10, lượng mưa phổ biến 130-230mm, có một số nơi cao hơn. Riêng các khu vực trên các hồ chứa Tây Bắc, lượng mưa có khả năng thấp hơn khu vực Việt Bắc, Đông Bắc” – ông Long dự báo.
Cùng với dự báo mưa trên địa bàn, lưu lượng nước đổ về hồ chứa trên hệ thống sông Hồng còn phụ thuộc vào lượng xả từ phía Trung Quốc về, hiện chiếm khoảng 50% dung lượng nước về.
Trước đó, ngày 24/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có văn bản số 6432/EVN-AT gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị cho phép tích nước hồ chứa thủy điện Sơn La cao hơn mức nước dâng bình thường.
Khi được ông Trần Quang Hoài và một số đại biểu hỏi rõ: “Mức nước dâng cao hơn bình thường là bao nhiêu và duy trì trong bao lâu?”, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: “Hiện nay, có một con số 217,83m là mức nước cho phép trong trường hợp có lũ về để đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đến lũ ở hạ du thì có thể đưa về mức nước đó. Chứng tỏ về mặt an toàn công trình, đến mức đó là hoàn toàn đảm bảo an toàn công trình”.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra, ngày 1/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có có công văn đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ các hồ thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản. Cùng với đó, rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là các trọng điểm đê điều, khu vực sạt lở bờ sông tại tổ 26, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình và các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng ứng phó. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với các chủ hồ có giải pháp đảm bảo an toàn đối với người dân hiếu kỳ đến gần khu vực xem xả lũ. |
Theo Dân việt