Hộ chiếu vắc xin Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Chứng nhận Kỹ thuật số về Covid EU, được áp dụng với toàn bộ 27 thành viên của khối.
BBC cho biết, Chứng nhận Kỹ thuật số về Covid là cách để các công dân EU chứng minh họ đã tiêm ngừa Covid-19, hoặc mới làm xét nghiệm PCR cho kết quả âm tính, hay đã khỏi bệnh Covid-19.
Ảnh |
Chứng nhận này, viết tắt là EUDCC, có sẵn và được công nhận ở tất cả 27 nước thành viên EU, thêm Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy và Liechtenstein. Nó được cấp miễn phí, và mọi công dân EU cũng như những người không thuộc Liên minh nhưng đang cư trú hoặc sinh sống hợp pháp ở các nước thành viên có thể tải xuống tài liệu này, hoặc lấy bản sao bằng giấy.
Một số nước đã sử dụng Chứng nhận trên cơ sở tự nguyện – tuy nhiên, nó được chính thức áp dụng từ ngày 1/7 với một khoảng thời gian 6 tuần.
EUDCC có mã phản hồi nhanh (QR) với khóa chữ ký số duy nhất cho nơi lưu trữ thông tin vắc xin của một cá nhân – chẳng hạn như bệnh viện, trung tâm xét nghiệm hoặc cơ quan y tế. Dữ liệu của cá nhân vẫn nằm trên Chứng nhận và không được lưu trữ hay giữ lại mỗi khi được xác minh, ví dụ như tại sân bay.
Vì sao cần EUDCC?
Chứng nhận được cho là sẽ giúp mọi người đi lại dễ dàng trên toàn EU. Nó không phải là một loại giấy thông hành nên mọi người vẫn phải mang theo hộ chiếu hoặc một hình thức nhận dạng khác.
Nhưng về nguyên tắc, bất kỳ ai có Chứng nhận sẽ được miễn làm xét nghiệm hoặc kiểm dịch khi đi qua biên giới quốc tế.
EU có công nhận thẻ NHS Covid Pass của Anh?
Chưa, nhưng một số nước riêng rẽ như Hy Lạp hoặc Tây Ban Nha đã chấp nhận thẻ này của Anh. EU cho biết, liên minh đang làm việc để đảm bảo Chứng nhận kỹ thuật số về Covid của khối tương thích với các sản phẩm tương tự ở các nước không thuộc EU.
Chính phủ Anh cũng khẳng định việc đi lại tự do và cởi mở là một ưu tiên. “Chúng tôi đang làm việc với Ủy ban châu Âu về việc mở lại các tuyến du lịch từ Vương quốc Anh”, một quan chức cho biết.
Vấn đề các loại vắc xin
Hiện có 4 loại vắc xin được phê chuẩn sử dụng ở Anh cũng đã được EU phê chuẩn. Tuy nhiên, ba trong số chúng được biết đến với 3 thương hiệu khác nhau.
Ở EU, vắc xin Pfizer-BioNTech được gọi là Comirnaty, vắc xin Oxford-AstraZeneca (AZ) được gọi là Vaxzevria, Moderna được biết đến là Spikevax và Janssen (thỉnh thoảng được gọi là vắc xin Johnson & Johnson) cũng giống như ở Anh.
Tuy nhiên, vắc xin AZ được Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất còn có tên gọi thứ 3 là Covishield. Dù giống hệt những sản phẩm được sản xuất tại châu Âu, song chúng vẫn chưa được EU cho phép sử dụng.
Nguồn: vietnamnet