Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa vừa có kết luận kiểm tra đơn phản ánh tại Trường THPT Chuyên Lam Sơn. Kết quả kiểm tra cho thấy, Hiệu trưởng nhà trường không giảng dạy đủ số tiết theo quy định nhưng vẫn hưởng phụ cấp…
Kiểm tra nhiều nội dung có dấu hiệu vi phạm
Trường THPT Chuyên Lam Sơn là một trong những trường THPT chuyên đầu tiên của cả nước và duy nhất của tỉnh Thanh Hóa, tuyển chọn và đào tạo học sinh (HS) năng khiếu cấp THPT các môn văn hóa, ngoại ngữ trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa.
Trường THPT Chuyên Lam Sơn ngày nay kế tục và phát triển từ Collège de Thanh Hoa, thành lập năm 1931, sau đó là Collège Đào Duy Từ (1943-1950). Từ năm 1950, trường mang tên Lam Sơn.
Trong những năm qua trường luôn được sự quan tâm của tỉnh với nhiều cơ chế chính sách đối với cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV) và HS; chất lượng giáo dục luôn được giữ vững đạt thành tích cao, nhiều năm liên tục có HS đạt giải Olympic khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, mới đây, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm tại ngôi trường giàu truyền thống và thành tích bậc nhất xứ Thanh.
Trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa).
Theo đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có công văn về việc giải quyết đơn phản ánh của một số GV, phụ huynh Trường THPT chuyên Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa.
Sở GD&ĐT đã tổ chức kiểm tra nhiều nội dung phản ánh như: Công tác quản lý, phân công nhiệm vụ cho CBQL, GV, nhân viên (NV); công tác kiểm tra nội bộ.
Đồng thời, kiểm tra các khoản thu, chi ngoài ngân sách; dạy thêm, học thêm; công tác bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi; hồ sơ tuyển dụng GV; quản lý, sử dụng tài sản công, tổ chức trồng cây; chi trả chế độ lương thêm giờ, phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo và phối hợp với Trung tâm dạy ngoại ngữ cho HS tại Trường THPT chuyên Lam Sơn.
Về phân công nhiệm vụ cho CBQL, GV, NV, qua kiểm tra, sổ Nghị quyết hội nghị công chức, viên chức (các năm học 2016-2017, 2017-2018) về số quyết định ban hành quy chế dân chủ trường học (các năm 2016, 2017, 2018) không được thể hiện trong sổ văn bản đi của nhà trường, các ngày ban hành nghị quyết và quy chế dân chủ là số của văn bản khác nhà trường đã ban hành.
Nội dung quy chế dân chủ trường học không thay đổi, nhưng năm nào Hiệu trưởng cũng ban hành quyết định mới.
Việc phân công nhiệm vụ cho CBQL, GV, NV trong năm học 2018-2019, Trường được giao 124 chỉ tiêu biên chế và hợp đồng lao động. Biên chế và hợp đồng hiện có 113 người, trong đó CBQL 4, GV 92 (biên chế 89, hợp đồng lao động 3), thiếu 12 GV.
Qua kiểm tra, các năm 2017, 2018, 2019, môn Thể dục – Quốc phòng không thiếu GV, Hiệu trưởng đã ký hợp đồng với bà Lê Thị Ngân (SN 1987), thời gian từ ngày 1/9/2017 (Hợp đồng số 150/HĐ-THPTLS ngày 1/9/2018). Văn bản hợp đồng là hợp đồng làm việc dành cho đối tượng là viên chức hoặc trúng tuyển qua tuyển dụng; cả 3 GV hợp đồng hưởng lương theo ngạch bậc thiếu căn cứ pháp lý và đều được hưởng phụ cấp ưu đãi từ ngân sách nhà nước là không đúng quy định.
Hàng năm, nhà trường có phân công nhiệm vụ giảng dạy cho CBQL, GV được thể hiện trong danh sách phân công chuyên môn và thời khóa biểu.
Qua kiểm tra, Hiệu trưởng chưa ban hành quyết định phân công nhiệm vụ từng năm học (thể hiện số tiết giảng dạy, kiêm nhiệm của từng CBQL, GV và nhiệm vụ của từng NV) làm cơ sở để chỉ đạo, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ được giao và chi trả chế độ lương thêm giờ cho cán bộ, GV.
Các môn Toán, Hóa, tiếng Anh phân công 1 GV dạy 2 lớp chuyên là không đúng quy định về chế độ làm việc và khung vị trí việc làm của GV trường THPT chuyên.
Hiệu trưởng dạy thiếu hơn 70 tiết
Qua kiểm tra kết quả thực hiện giảng dạy của CBQL trong các năm học, ông Chu Anh Tuấn, Hiệu trưởng dạy không đủ số tiết theo quy định.
Cụ thể, năm học 2016-2017, không giảng dạy (9 tháng, thiếu 74 tiết); năm học 2017- 2018, dạy 7 tiết/37 tuần (thiếu 67 tiết); năm học 2018-2019 (đến ngày 24/1/2019) dạy 3 tiết/19 tuần (thiếu 35 tiết).
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng dạy đủ số tiết theo quy định: Năm học 2016-2017, dạy 148 tiết/37 tuần; năm học 2017-2018, dạy 148 tiết/37 tuần; năm học 2018-2019 (đến ngày 24/1/2019) dạy 74 tiết.
Các hiệu phó còn lại đều dạy thừa số tiết theo quy định. Cụ thể, bà Lại Thị Thu Hiền (năm học 2016-2017 thừa 185 tiết; năm học 2017-2018 thừa 185 tiết; năm học 2018-2019, đến 24/1/2019 dạy 74 tiết.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó hiệu trưởng dạy thừa số tiết theo quy định (từ 26/9/2018), dạy 90 tiết/15 tuần (thừa 30 tiết/15 tuần).
Trong khi đó, theo quy định, CBQL phải giảng dạy để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của HS nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.
Năm học 2016-2017, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn không giảng dạy; các năm học (2017-2018, 2018- 2019) dạy không đủ số tiết theo quy định, không báo cáo Sở GD&ĐT nhưng vẫn hưởng phụ cấp ưu đãi, là vi phạm quy định.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề sai phạm tại Trường THPT Chuyên Lam Sơn.
Theo Dân Trí