Khi đặt ra câu hỏi này, chúng ta cũng gần như có câu trả lời, nhất là sau những sự kiện dồn dập như phụ huynh xách dao vào trường bắt hiệu trưởng quỳ, giáo viên bị bẻ tay dẫn đi trước mặt học sinh, học sinh đánh nhau và tung clip lên mạng…
Mới đây nhất, sự việc một phụ huynh xách dao vào Trường tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đe dọa giáo viên, bắt hiệu trưởng phải quỳ xuống xin lỗi gây xôn xao dư luận.
Bất an
Chia sẻ cảm xúc về những sự việc diễn ra trong nhà trường gần đây, hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM bày tỏ: “Ngay cả hiệu trưởng nhà trường, người cao nhất ở trường, mà cũng bị phụ huynh xách dao vào tận trường đe dọa nên nhiều giáo viên ở trường tôi cũng thấy bất an. Tôi nói anh em đừng lo lắng, run sợ vì việc gì cũng có cách giải quyết. Nhưng phải thừa nhận rằng bây giờ nhiều phụ huynh rất quá khích. Chỉ một chút không hài lòng là họ làm lớn chuyện ngay, thậm chí họ thượng cẳng tay hạ cẳng chân luôn với giáo viên, ban giám hiệu”…
Kể chuyện một phụ huynh của trường tức giận vì cô giáo chủ nhiệm đọc bài “nhanh quá” (theo phụ huynh này), vị phụ huynh này lên lớp đôi co luôn với giáo viên chủ nhiệm, đập bàn đập ghế trong buổi làm việc với ban giám hiệu trường, hiệu trưởng trường tiểu học này nói: “Tôi thấy phụ huynh ngày nay họ “dữ dằn” hơn nhiều. Nhiều người không có thái độ tôn sư trọng đạo nên nhà trường cũng mất an toàn hơn. Sắp tới, trường tôi sẽ lưu tâm hơn về vấn đề an toàn này”.
Cũng cảm thấy trường học hiện nay có nhiều vấn đề về mất an toàn hơn trước đây, cô Trần Thị Thu Hương, hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP.HCM), nhận xét rằng đây có lẽ là vấn đề chung của xã hội, diễn ra không chỉ ở trong môi trường học đường. “Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng căng thẳng hơn, những vấn đề cá nhân được bàn nhiều trên mạng xã hội và hành vi xấu cũng có thể được bênh vực khiến cho con người dễ cáu giận hơn. Đó có thể là căn nguyên của nhiều vụ việc bạo lực xảy ra nơi công cộng, trong đó có một số sự việc diễn ra tại trường” – cô Thu Hương nói.
Hành xử thiếu thấu đáo
Làm thế nào để trường có thể tránh được những phụ huynh quá khích? Làm thế nào để những sự việc ở trường được giải quyết một cách có giáo dục nhất và trường học là nơi bất khả xâm phạm?
Luôn quan tâm đến an toàn của học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên của trường nhưng theo cô Trần Thị Thu Hương, trường học không thể là nơi “kín cổng cao tường” với đội ngũ bảo vệ nghiêm ngặt, thiếu thân thiện. “Trường học là nơi dạy cho học sinh sự hòa đồng, thân thiện và có sự giao lưu, kết hợp giáo dục giữa các thành phần nhà trường – gia đình – xã hội nên không thể áp dụng cách an toàn một cách máy móc được. Và tôi nghĩ những hiện tượng xấu xí, bạo lực diễn ra trong nhà trường mà chúng ta biết đó cũng một phần do cách hành xử chưa thấu đáo từ một số hiệu trưởng, giáo viên” – cô Thu Hương nêu ý kiến.
Tương tự, thầy Cao Đức Khoa, hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1, TP.HCM), cho rằng sự việc phụ huynh xách dao vào trường dọa hiệu trưởng ở Hà Tĩnh, sự việc giáo viên bị bẻ tay trên lớp… chỉ là những sự việc nhỏ lẻ. Nguyên nhân của những sự việc đó một phần lớn bắt nguồn từ những hành xử thiếu chuẩn mực của lãnh đạo các trường này.
“Hiệu trưởng trong vụ việc bị phụ huynh xách dao đến trường đe dọa là do thầy đã thiếu cách cư xử đúng đắn trong việc thúc đẩy học sinh thực hiện nghĩa vụ đóng tiền bảo hiểm y tế, gây bức xúc cho phụ huynh khi họ có đến hai đứa con phải đóng. Tôi nghĩ nếu phụ huynh này đã bức xúc với cách hành xử của thầy hiệu trưởng như vậy thì nếu không gặp thầy ở trường mà ở địa điểm khác phụ huynh cũng có thể làm vậy với thầy, thậm chí còn dễ để lại những điều đáng buồn hơn” – thầy Cao Đức Khoa nhìn nhận.
Vì thế, theo thầy Cao Đức Khoa, vấn đề an toàn trường học phải nhìn nhận tận sâu vào gốc rễ của nó chứ không chỉ là “bảo vệ bờ rào hay cổng trường”. “Tôi cho rằng một trường học an toàn là ở đó có đội ngũ quản lý và giáo viên thấu hiểu phụ huynh và các vấn đề phải được giải quyết dứt điểm. Và người quản lý cần có kỹ năng giải quyết các tình huống có thể xảy ra để hướng dẫn giáo viên. Như vậy mới tránh được các trường hợp đáng tiếc mà chỉ cần một vài phút đã có thể dẫn đến bạo lực” – thầy Khoa cho hay.
Nhìn nhận an toàn trường học cần được chú trọng hơn, TS Nguyễn Kim Dung – viện trưởng Viện khoa học giáo dục Nam Việt – cho rằng trong bối cảnh hiện nay để đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh thì bộ phận bảo vệ trường học cần tinh nhạy, chuyên nghiệp hơn nhưng vẫn đảm bảo yếu tố “trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Do con bị mời đứng dậy dưới cờ
Chiều 31-10, ông Võ Văn Điệp (42 tuổi, ngụ tại thôn Lâm Bình, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) có hành vi xách dao xông vào Trường tiểu học Sơn Lâm đe dọa nhiều giáo viên. Hiệu trưởng là ông Phan Đình Thống cũng bị đe dọa và bị bắt quỳ xin lỗi.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là vào cuối buổi chào cờ sáng 31-10, nhà trường có mời một số học sinh, trong đó có hai con của ông Điệp, đứng lên để hỏi về việc phụ huynh đã nhận được giấy mời đến trường để trao đổi thông tin về việc đóng tiền bảo hiểm hay chưa mà không thấy phản hồi. Chiều cùng ngày, ông Điệp chở con đến trường học và có những hành vi như trên.
Chiều 2-11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Sơn đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Võ Văn Điệp để điều tra về hành vi “làm nhục người khác”. Quyết định đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
TS Nguyễn Thị Kim Dung: Cốt lõi nằm ở hiệu trưởng
Một ngôi trường có mấy trăm học sinh sẽ có kiểu phụ huynh này hoặc kiểu phụ huynh khác, không thể có một kiểu phụ huynh ôn hòa được. Nên cốt lõi của vấn đề an toàn trường học là hiệu trưởng nhà trường phải quản lý tốt, bao gồm: ban hành nội quy – quy định phù hợp, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, linh hoạt trong phản ứng và làm việc với phụ huynh… Và trên hết người hiệu trưởng phải biết lắng nghe.
Phải hướng đến trường học hạnh phúc
Để trường học bớt bất an, cần hướng tới xây dựng nhà trường hạnh phúc, môi trường học đường lành mạnh. Trong ảnh: hoạt động trải nghiệm của học sinh một trường tại TP.HCM
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Hồng Phan – trưởng bộ môn tâm lý giáo dục, khoa giáo dục Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – khẳng định: “Rõ ràng ai cũng thấy phụ huynh vác dao đến trường, bất kể có bắt hiệu trưởng quỳ xuống hay không, đã là hành vi nghiêm trọng và đáng lên án. Phụ huynh làm vậy với hiệu trưởng, giáo viên… là sai, là hung hăng, đe dọa, làm nhục người khác. Hành vi của vị phụ huynh đó nghiêm trọng đến mức thẩm quyền xem xét xử lý không thuộc về cá nhân người bị ảnh hưởng nữa mà ngay lập tức cơ quan điều tra phải vào cuộc. Xã hội chúng ta không dung túng cho hành động này”.
Theo TS Nguyễn Hồng Phan, dù sự việc đã rõ ràng về mặt pháp luật nhưng cũng cần nói thẳng để dẫn đến sự việc đó một phần do ứng xử chưa khéo léo, chưa thuyết phục của nhà trường (trong trường hợp này là vị hiệu trưởng) khiến cho họ cảm thấy bị tổn thương. Và vì thế, nhà trường cần có cái nhìn biện chứng để tự rút ra những bài học ứng xử của mình.
“Tôi cho rằng việc xây dựng một môi trường học đường lành mạnh sẽ hạn chế được những sự việc tiêu cực xảy ra trong nhà trường. Việc xây dựng môi trường đó cũng chính là điều mà Bộ GD-ĐT đang hướng tới của các trường phổ thông hiện nay: xây dựng nhà trường hạnh phúc. Muốn thực hiện được điều này, phải có sự đồng hành của ba “nhà”: nhà trường, gia đình, xã hội. Ở đó, nhà trường phải xây dựng được giá trị cốt lõi mà trường hướng tới, cụ thể hóa với các kế hoạch… Tóm lại, yếu tố quan trọng của trường là xây dựng giá trị cốt lõi và thực hiện được việc quản lý chuyên nghiệp để đạt tới trường học hạnh phúc, môi trường học đường lành mạnh” – ông Nguyễn Hồng Phan khẳng định.
Nguôn: tuoitre.vn