Quan sát những người đăng ký hiến tạng, ai cũng nở nụ cười vui vẻ. Đâu đó trong vô thức, mình cảm thấy sự kết thúc của mình có ý nghĩa.
TS Đặng Hoàng Giang, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, nói như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ. Gia đình ông vừa trở thành gia đình đầu tiên ở Việt Nam hiến mô, tạng sau khi qua đời.
Quyết định của gia đình ông Giang là kết quả của một quá trình học hỏi và hiểu về sự chết.
* Thưa ông, vì sao gia đình ông quyết định hiến mô, tạng?
– Đầu năm 2017, tôi bắt đầu dự án hành trình cùng người cận tử. Kết quả của dự án là cuốn sách Điểm đến của cuộc đời – Đồng hành với người cận tử và những bài học cho cuộc sống, sẽ được xuất bản sau Tết Nguyên Đán.
Tôi hiểu rằng cái chết là một phần cuộc sống. Một lúc nào đó, nó sẽ xảy ra, dù ta muốn hay không. Thay vì sợ hãi, chạy trốn, tôi muốn tiếp xúc trực diện để hiểu về nó và chấp nhận nó.
Khi đi vào lĩnh vực này, tôi cũng nhận thấy ở Việt Nam hầu như không có tạng để ghép cho người cần. Mỗi năm có hàng chục ngàn người chết vì tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai biến mạch máu não… Đó là những trường hợp lý tưởng để ghép mô tạng cho người bệnh. Nhưng vì xã hội còn chưa nghĩ đến chuyện hiến tạng, nên cuối cùng thì người chết vẫn chết, mô tạng để ghép cho người khác thì vẫn cứ thiếu.
Trong quá trình làm dự án, tôi thường xuyên chia sẻ với vợ và các con tôi. Dần dần, mọi người quen với việc nghe về cái chết, và hiểu về tầm quan trọng của việc hiến tạng.
Cách đây nửa tháng, gia đình tôi quyết định đi đăng ký hiến tạng. Chúng tôi không bị cản trở bởi quan niệm tâm linh, tín ngưỡng. Chúng tôi chỉ mất nửa tiếng để đăng ký, còn nhanh hơn đăng ký truyền hình cáp hay làm thẻ ngân hàng.
* Quan niệm chết toàn thây với ông có gì bất cập?
– Cá nhân tôi thấy quan niệm này không logic. Khi qua đời, cơ thể mình hoặc trở thành thức ăn cho giòi bọ, hoặc thành tro bụi nếu qua hoả táng.
Cũng là mất mát về cơ thể, vậy sao mình không để quả tim, quả thận của mình giúp người khác sống?
Tôi tôn trọng tín ngưỡng của người khác, nhưng tôi thấy quan niệm chết toàn thây cản trở sự sống, cản trở việc tích đức, một điều quan trọng trong đạo Phật. Phật giáo cũng nói cơ thể chỉ là một cái bao tải chứa đựng các bộ phận, chất nhờn, mủ…, nó không phải là của chúng ta.
Không có lãnh tụ tôn giáo nào nói không nên hiến tạng cả.
Trong đạo Phật, thậm chí còn có điển tích, trong một kiếp trước của Đức Phật, ông đã hiến cơ thể của mình cho con hổ cái sắp chết đói để nó sống chăm bầy con của nó.
Người Tây Tạng trước kia vẫn có tục điểu táng, để xác cho chim ăn.
Nhiều thiền sư muốn xác mình có ích cho các sinh linh khác, hơn là hỏa táng, không giúp ích gì cho ai.
TS Đặng Hoàng Giang
* Tôi mường tượng ở Việt Nam, các cá nhân muốn hiến tạng cũng sẽ gặp rất nhiều rầy rà với gia đình.
– Nếu như ở nhiều nước, đặc biệt ở phương Tây, người ở lại không can thiệp vào mong muốn của người đã qua đời, thì ở Việt Nam, với những ràng buộc gia đình, họ hàng, việc hiến tạng không dễ.
Trong nhiều trường hợp, đội ngũ y tế đến rồi phải ra về tay không chỉ vì một thành viên gia đình người qua đời không đồng ý. Hoặc họ nội đồng ý, đã lấy được giác mạc rồi, nhưng họ ngoại chặn lại bắt để lại.
* Sau khi ký hiến tạng, thái độ của hai con gái ông ra sao?
– Quan sát những người đăng ký hiến tạng, và quan sát cả chính gia đình mình, tôi nhận thấy sau khi nhận cái thẻ đăng ký, ai cũng nở nụ cười vui vẻ.
Đâu đó trong vô thức, mình cảm thấy sự kết thúc của mình có ý nghĩa. Mình không tan biến vào hư vô, mà cái gì đó của mình được người khác đón nhận, được tồn tại tiếp. Ai cũng muốn để lại dấu ấn trên đời, hiến tạng cũng là một cách để lại dấu ấn.
* Đến một giai đoạn nào đó của đời người, ai cũng nghĩ đến cái chết. Hành trình cận tử ông theo đuổi nhằm để giải quyết câu hỏi của ông về sự sống, về cái chết?
– Đúng vậy. Tôi muốn tiếp cận với cái chết, làm quen với nó. Chuẩn bị tốt để gặp nó, chủ động chuẩn bị cho mình một cái chết thanh thản, đàng hoàng.
Tôi tiếc mình đã không tìm tới đề tài này sớm hơn. Tôi cho rằng không bao giờ quá sớm, kể cả với trẻ em, để tìm hiểu về cái chết, để chuẩn bị đối mặt với tổn thất khi nó xảy ra. Trẻ em cũng chứng kiến thú yêu của mình chết, người thân qua đời, bạn mình bị tai nạn. Chúng cũng cần phải hiểu chúng và người thân không thể lẩn trốn cái chết.
Những khoảnh khắc tôi nhìn vào cái chết của những nhân vật trong cuốn sách khiến tôi thấy quý trọng cuộc sống hơn. Cảm nhận được thời gian là hữu hạn giúp ta sống tập trung hơn, có ý thức hơn, mong muốn làm được việc có ý nghĩa chừng nào mình còn có thể.
TS Đặng Hoàng Giang
* Người phương Tây dường như rất quan tâm đến lĩnh vực chăm sóc cho người cận tử, còn ở Việt Nam vấn đề này dường như chưa được chú ý đúng mức?
– Phương Tây đã bắt đầu có những thay đổi trong chăm sóc giảm nhẹ từ chừng 50 năm nay. Lĩnh vực này với họ rất quan trọng. Các bác sĩ không chỉ chữa chạy, mà còn có nhiệm vụ làm các đàm thoại cuối đời với bệnh nhân.
Một người cận tử ở các nước phát triển sẽ có ít nhất bốn người bên cạnh. Bác sĩ và điều dưỡng giúp họ giảm đau đớn cơ thể và các triệu chứng khác như nôn, khó thở; bác sĩ tâm lý giúp họ tháo gỡ những vướng mắc, lo lắng tinh thần; nhân viên xã hội giúp họ tổ chức cuộc sống, giải quyết thủ tục giấy tờ; và linh mục hay nhà sư giúp họ có sự an lạc về tâm linh.
Ở Việt Nam, phần nhiều gia đình và bác sĩ chỉ tập trung vào mổ xẻ, chữa trị tới tận phút cuối, khi mọi phác đồ đã trở nên vô nghĩa, thậm chí thành hành hạ, tra tấn người bệnh, trong khi toàn bộ phần tâm lý, tâm hồn, tâm linh thì bị bỏ qua. Nhiều người chết đau đớn, trên người đầy máy móc, và ra đi trong lấn cấn, khúc mắc tinh thần. Không ai trao đổi với họ về cái chết, hỏi họ còn mong muốn gì, điều gì quan trọng với họ. Nhiều khi, người ta còn không vĩnh biệt được nhau.
* Quãng thời gian tiếp xúc với người cận tử với ông hẳn là rất nặng nề?
– Tôi đã có những cảm xúc rất trái ngược. Nhiều khi tôi thấy nặng nề khi chứng kiến gia đình họ khánh kiệt, thấy bất lực khi nhận được tin nhắn, “Cháu đau lắm chú ơi, làm thế nào bây giờ hả chú?”
Nhưng tôi cũng đã có nhiều giây phút rất đẹp, đầy tình người, khi họ trải lòng với tôi, khi tôi tư vấn được điều gì cho gia đình họ. Đây là những gặp gỡ mà ở đó mọi sự khác biệt về trình độ, địa vị, tài sản, trở nên vô nghĩa. Chúng tôi gặp nhau như những sinh linh trần trụi, bình đẳng trước vòng xoay sinh tử.
Những tương tác đặc biệt này đã nuôi dưỡng tôi, khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và giàu có. Tôi cũng thấy thật may mắn khi mình vẫn còn sống, vẫn khoẻ mạnh, vẫn có gia đình ở bên. Đôi lúc tôi nghĩ mình cần sống hộ những người tôi đã đồng hành. Được uống cốc nước, ra ngoài thiên nhiên, được chơi với con, là một diễm phúc tôi đang có. Tôi cảm thấy có lỗi trước họ nếu mình phung phí thời gian, mình sống vô thức, nếu mình phí hoài cái mà họ khao khát: sự sống.
* Cá nhân ông chuẩn bị như thế nào cho cái chết của mình?
– Dự án này đã cho tôi cơ hội để nghĩ nhiều hơn về cuộc sống và cái chết của mình. Tôi nhận ra có ba điều những người cận tử khao khát. Đó là được khỏe mạnh trở lại để đi làm, đi học, đóng góp cho xã hội. Thứ hai là có những quan hệ thân thương, tốt đẹp với những người xung quanh. Thứ ba là được tận hưởng những niềm vui bình dị trong cuộc sống, như ăn một trái táo, lắng nghe tiếng cười của trẻ.
Cách chuẩn bị cho cái chết tốt nhất là sống một cuộc sống có ý nghĩa. Người hài lòng với cuộc sống mình đã sống là người có thể bình tĩnh ra đi. Do vậy, tôi cố gắng dưỡng nạp cho mình ba điều mà tôi vừa kể trên, để giả sử mình có đột ngột ra đi thì mình không nuối tiếc tại sao đời mình đã vô vị thế, tại sao mình không tha thứ được cho người này, vì sao mình không xin người kia tha thứ.
Tôi đã chứng kiến có người đi tới cái chết rất bình tĩnh, người khác vượt qua được nỗi đau mất mát khổng lồ. Họ đã đi qua những thử thách lớn nhất của đời người một cách đầy bản lĩnh.
* Dường như cuộc sống hiện đại quá đầy đủ đã làm cho con người có thêm nhiều ràng buộc, khiến họ khó buông bỏ, vì thế họ sợ chết hơn. Đối với văn hóa của người Việt hiện đại, cái chết là một điều gì đó đen tối, đáng sợ.
– Có sự dịch chuyển trong khoảng nửa thế kỷ qua.
Trước kia, con cháu có thể nhìn thấy ông bà qua đời trong nhà mình. Người già sắm sẵn cho mình một cỗ quan tài, để đựng thóc khi chưa dùng tới. Trong quá khứ, cái chết không xa lạ với chúng ta.
Nhưng ngày nay, chúng ta chỉ nhìn thấy người chết khi họ được trang điểm thật kĩ. Cái chết được cải trang thành giấc ngủ, trở thành một vị khách không mời.
Việc chạy theo đời sống vật chất, hưởng thụ cũng khiến con người trở nên tham lam, đòi hỏi. Họ không được rèn luyện để chấp nhận thực tại, chấp nhận bi kịch và mất mát. Do đó, họ bị cầm tù bởi nỗi sợ, và cuối cùng, chết trong hoảng loạn.
Đối diện cái chết một cách bình tĩnh là để sống trọn vẹn và an lạc. Ý thức về cái kết của cuộc sống, có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, là để giúp ta cảm nhận được sự rực rỡ và kỳ diệu của vạn vật xung quanh.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng. Ông tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức; bảo vệ tiến sĩ kinh tế phát triển tại Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Hiện sống và làm việc tại Việt Nam.
Nguồn: tuoitre.vn