Lần đầu tiên sau hơn một năm, trẻ em được trở lại một số trường ở Mexico City. Tuy nhiên, không phải tất cả. Mỗi ngày, chỉ một số học sinh được tới trường.

Hiểm họa từ lớp học trống không thời Covid-19
Hiểm họa từ lớp học trống không thời Covid-19

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở 18/31 bang của Mexico. Ở những nơi còn lại, tất cả các trường học vẫn tiếp tục đóng cửa. Theo báo The Economist, dịch bệnh còn lâu mới kết thúc nên sự thận trọng như trên là điều dễ hiểu. Và trẻ em ở Mexico cũng như khắp khu vực Mỹ Latinh tiếp tục là một trong những nạn nhân chính của đại dịch Covid-19.

Mỹ Latinh chịu tác động nặng nề bởi Covid-19 theo ba cách. Khu vực này chiếm khoảng 1/3 tổng số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu. Các nền kinh tế bị thu hẹp trung bình 7% vào năm ngoái, tệ hơn nhiều so với thế giới. Trường học bị đóng cửa lâu hơn bất cứ nơi nào. Tác động của đại dịch dự kiến còn kéo dài kể cả khi nó kết thúc và kinh tế đã phục hồi.

Thận trọng để tái mở cửa an toàn

Các trường học ở Mỹ Latinh hầu hết đều đóng cửa từ tháng 3/2020 và tới giờ, nhiều trường vẫn chưa mở lại. Chỉ có trường học ở 6 quốc gia nhỏ hơn trong vùng là mở hoàn toàn. Một số quốc gia, như Argentina và Colombia, bắt đầu mở cửa trường học vào đầu năm nay rồi lại phải dừng hoạt động khi họ hứng chịu sự tấn công của làn sóng dịch thứ hai.

Hiểm họa từ lớp học trống không thời Covid-19

Tình trạng học hành sa sút kéo dài khiến cho các tiêu chuẩn giáo dục trở nên tệ hơn. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) dành cho học sinh 15 tuổi cho thấy, với các môn đọc, toán và khoa học, học sinh các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh kém hơn các bạn cùng lứa ở nhóm các quốc gia OECD (gồm toàn các quốc gia giàu) trung bình là ba năm.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, khoảng 77% số học sinh sẽ đạt dưới thành tích tối thiểu so với độ tuổi của họ, trong khi con số này vào năm 2018 là 55%. Điều này sẽ có ảnh hưởng lâu dài. Ngay cả khi chỉ nghỉ học 10 tháng, thì theo WB, trung bình một sinh viên có thể mất số tiền kiếm được tương đương 24.000USD trong suốt cuộc đời mình.

Những người nghèo nhất thường sống ở nông thôn, và học sinh nữ là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi trường học buộc phải đóng cửa. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn đã xảy ra rộng khắp ở khu vực Mỹ Latinh.

Nhiều nước Mỹ Latinh đã nỗ lực tổ chức học từ xa trong suốt đại dịch. Tuy nhiên, một số trường chưa được kết nối internet. Khoảng 98% số sinh viên giàu có trong vùng có kết nối internet tại nhà, trong khi chỉ có 45% số sinh viên nghèo nhất có internet. Tại Brazil, điện thoại di động chỉ cung cấp kết nối internet cho hơn 60% sinh viên da đen và bản địa.

Hiểm họa từ lớp học trống không thời Covid-19
Các môn học phổ biến trong dạy học trực tuyến. 

Nhiều chính phủ đang sử dụng các kênh truyền thống, như tivi, đài phát thanh và tài liệu in ấn để hỗ trợ việc giảng dạy. Mexico cũng triển khai chương trình học từ xa cho 25 triệu học sinh.

Ngoài mức độ nghiêm trọng của đại dịch, việc chậm tái mở cửa trường học ở Mỹ Latinh còn vì những lý do khác như sự hờ hững của các bậc phụ huynh hay thái độ miễn cưỡng của các công đoàn giáo viên. Tại Argentina, khi Thị trưởng Buenos Aires cố tái mở cửa trường học vào tháng 3, ông đã bị cả chính phủ lẫn công đoàn phản đối.

Quan chức này than thở: “Không có áp lực nào đối với chính phủ để tái mở cửa trường học”.

Các chính phủ có thể phải làm nhiều hơn nữa để có thể thúc đẩy quá trình tái mở cửa an toàn, thông qua thông tin và tham vấn. Emanuela Di Gropello thuộc Ngân hàng Thế giới cho biết: “Cho tới giờ, tất cả các nước ít nhất phải có một nỗ lực đáng kể để mở lại các trường học. Chúng ta không phải ở nơi chúng ta nên ở”.

Phương án tốt thời dịch bệnh

Không giống những quốc gia Mỹ Latinh, Hàn Quốc đã mau chóng triển khai việc dạy và học trực tuyến rất nhanh, sau khi đánh giá những rủi ro của việc mở cửa trường học giữa lúc dịch bệnh hoành hành.

Cựu Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun khi còn tại nhiệm từng nói: “Mở các lớp học trực tuyến là một con đường mới chúng tôi chưa từng đi. Kéo dài thời gian đóng cửa trường học là một cách trốn tránh trách nhiệm… nhưng chúng tôi chọn việc mở các lớp học trực tuyến vì đây là phương án tốt”.

Dù là một nước tiến bộ về công nghệ, song việc chuyển từ các lớp học trực tiếp sang lớp học ảo cũng là một thách thức lớn với Hàn Quốc. Theo hãng tin BBC, để mọi học sinh có thể tham gia học trực tuyến, chính phủ nước này đã hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp thanh toán hoá đơn internet, cho hàng trăm nghìn học sinh mượn thiết bị để học trực tuyến.

Một loạt tổ chức từ thiện cũng tham gia quyên góp máy tính bảng, các thiết bị internet di động và thậm chí còn phát các hộp đồ ăn cho các học sinh của những gia đình có thu nhập thấp để các em yên tâm học tập. Vì thế, trong suốt thời gian dịch bệnh hoành hành, các lớp học trực tuyến ở Hàn Quốc vẫn diễn ra bình thường, trong cái gọi là “bình thường mới”.

Uruguay cũng là một điểm sáng về dạy và học trực tuyến. Từ trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, mỗi trẻ em ở Uruguay đều được nhà nước cấp cho một máy tính xách tay cùng tài liệu hướng dẫn trực tuyến. Việc giáo dục bằng kỹ thuật số từ sớm đã giúp hệ thống giáo dục nước này ứng phó với những khó khăn xuất phát từ đại dịch Covid-19 tốt hơn.

Haim, quản lý của Plan Ceibal, cơ quan giáo dục kỹ thuật số của Uruguay cho biết, ngay từ tháng 3/2020, khi việc dạy và học được tiến hành trực tuyến, học sinh và giáo viên đã thích ứng ngay. Ngay từ đầu dịch, cơ quan này đã mở rộng dung lượng các máy chủ và chính phủ cung cấp cho các học sinh 50GB lưu trữ miễn phí mỗi tháng. Theo Haim, năm học vừa qua đã diễn ra suôn sẻ.

Trang web của Diễn đàn kinh tế thế giới dẫn một số nghiên cứu cho thấy, việc học trực tuyến cũng khá hiệu quả đối với những người được tiếp cận công nghệ phù hợp.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Covid-19 Thế Giớivirus Corona

Các tin liên quan đến bài viết