Ngày 2-8, tại buổi giao ban của Sở Y tế với các quận huyện, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết hiện bệnh sốt xuất huyết đã vào mùa.
Hãy diệt lăng quăng thay vì chỉ... xịt muỗi 
Bệnh nhi sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM

Trẻ viêm đường hô hấp nhập viện tăng nhanh

Tại TP.HCM, tổng số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 11.195. Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trong tháng 7 đã tăng 46% so với số ca mắc bệnh sốt xuất huyết nhập viện trong tháng 6. Từ đầu năm đến hết tháng 7 có 4 ca sốt xuất huyết tử vong ở các quận 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và cũng là những quận huyện có số ca mắc sốt xuất huyết cao. Trọng tâm cao điểm phòng chống dịch bệnh trong tháng 8 vẫn là phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
* Hà Nội có thêm một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Sở Y tế Hà Nội xác nhận một người bệnh nam đã tử vong ngày 26-7 (61 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) và đây là ca thứ 4 tử vong do sốt xuất huyết.Theo ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế, tình hình sốt xuất huyết tại Hà Nội hiện vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong khoảng một tháng gần đây, mỗi tuần ghi nhận hơn 1.000 đến 2.000 trường hợp sốt xuất huyết. Hiện Sở Y tế Hà Nội đang hướng dẫn các cơ sở thực hiện tổ xung kích diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết. Tổ này gồm 2 – 3 thành viên từ các hội phụ nữ, thanh niên, an ninh… phụ trách 30 – 50 hộ đến diệt bọ gậy, tuyên truyền, giám sát người bệnh tái kiểm tra sau một tuần.
* Ngày 2-8, tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết ở Cần Thơ, ông Lê Văn Tâm – phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ – nhấn mạnh: địa phương quận huyện nào không làm tốt công tác diệt lăng quăng phòng chống dịch sốt xuất huyết, để bùng phát dịch thì người lãnh đạo cao nhất nơi đó phải chịu trách nhiệm. Đồng thời cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào không chịu hợp tác diệt lăng quăng cũng sẽ bị nêu lên các phương tiện truyền thông, nặng hơn là sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. “Việc phòng chống dịch sốt xuất huyết phải chủ yếu dựa vào việc phòng bệnh bằng cách diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường… chứ không ỷ lại vào việc phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng, vì vừa tốn kinh phí, vừa làm lờn thuốc mà không đạt hiệu quả” – ông Tâm nói.
* Ghi nhận tại nhiều bệnh viện (BV) nhi và BV có chuyên khoa nhi ở Hà Nội, số trẻ có các bệnh lý hô hấp tăng cao trong những ngày gần đây. Trong khi đó, số trẻ phải nhập viện điều trị sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu giảm. Theo BS Nguyễn Thị Út, trưởng khoa khám bệnh BV Nhi T.Ư, mỗi ngày khoa này tiếp nhận 2.500 – 3.000 trẻ đến khám, trong đó hơn một nửa là trẻ bị mắc các bệnh về đường hô hấp, như: sốt virút, ho, viêm tiểu phế quản, viêm phổi… Số trẻ bị bệnh về đường hô hấp hiện nay tăng nhanh, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Nguyễn Thành Nam, trưởng khoa nhi BV Bạch Mai, mấy ngày gần đây số trẻ đến khám tăng đột biến. Mỗi ngày khoa này tiếp nhận khoảng 500 trẻ đến khám, trong đó quá nửa mắc bệnh hô hấp, đa số trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng trên là thời tiết miền Bắc nắng mưa thất thường, tạo điều kiện cho virút xâm nhập, trong khi cơ thể trẻ không kịp thích nghi với sự thay đổi đột ngột của thời tiết.
Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bệnh viện Nhi ĐồngHà Nộilăng quăngnhập việnsố casở y tếsốt xuất huyếtTP HCMtrường hợptử vong

Các tin liên quan đến bài viết