Cậu bé nghèo xúc động trước tình cảm của các bác sĩ đã cứu chữa cho mình, từ đó nuôi ước mơ trở thành thầy thuốc.
Cậu bé bán hủ tiếu gõ ngày ấy tên là Trần Hòa, hiện làm Trưởng đơn vị can thiệp nội mạch, Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, đồng thời là giảng viên Tim mạch, Trường Đại học Y Dược TP HCM.
Hòa sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở Quảng Nam. Sau năm 1975, cả nhà di cư vào vùng kinh tế mới Vườn Mít, tỉnh Gia Lai. Nhà nghèo lại đông con, từ nhỏ cậu bé theo 6 anh chị và cha mẹ vào rừng hái nấm, làm than, lên nương trồng tỉa hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Làm lụng vất vả quanh năm nhưng chẳng đủ ăn, người dân xóm nghèo lần lượt tha phương cầu thực.
6 tuổi Hòa được gửi vào Sài Gòn để đi học, ở nhờ nhà một gia đình họ hàng. Sau đó cha mẹ và các anh chị cậu bé cũng xuống thành phố ở trọ, kiếm sống bằng nghề bán hủ tiếu gõ. Hàng ngày, cả nhà từ người lớn đến trẻ nhỏ đẩy xe hủ tiếu đi bán từ 2-3h chiều đến 2-3h sáng mới về, tranh thủ ngủ vài tiếng đồng hồ rồi lại dậy chuẩn bị hầm xương cho nồi hủ tiếu tiếp theo.
Bác sĩ Trần Hòa đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: T.T.
|
Dù vất vả, cậu bé luôn cảm thấy mình may mắn hơn các bạn nhỏ khác vì được đến trường học chữ đúng tuổi. Trừ những lúc đi học, cậu bé theo phụ mẹ bán hủ tiếu. Thay lời rao, Hòa dùng một thanh tre nhỏ gõ vào lưng một thanh tre lớn sẽ phát ra tiếng kêu “lóc cóc” vang xa cả phố. Ai muốn ăn chỉ cần gọi, ít phút sau sẽ được phục vụ tận nơi. Với cậu bé, niềm vui lớn nhất mỗi ngày là bán hết hàng, không phải “ăn hủ tiếu ế” thay cơm.
Một đêm trời mưa, xe hủ tiếu của hai mẹ con chưa bán được bao nhiêu, Hòa đang lo ế thì bên kia đường có một cô gái gọi đặt hàng. Cậu bé mừng rỡ chạy băng qua đường để báo với mẹ mà chẳng kịp quan sát, bị một chiếc xe máy đâm kéo lê một quãng dài. Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán cậu bé bị chấn thương sọ não.
Nằm trong viện, nửa tỉnh nửa mê, Hòa còn gọi “Má ơi làm cho chị kia một tô hủ tiếu mì sườn đặc biệt” khiến các y bác sĩ xúc động. Mở mắt ra, cậu nhìn xung quanh vì chưa định hình chuyện đã xảy ra. Sợ bệnh nhi hoảng loạn, các bác sĩ và y tá đều an ủi, động viên và ân cần thăm hỏi.
“Hình ảnh các bác sĩ mặc áo blouse trắng như những thiên thần, các cô y tá luôn nhẹ nhàng chăm sóc hỏi han mỗi khi lau rửa vết thương hay cho thuốc, khiến tôi rất cảm động. Tôi không nghĩ một cậu bé bán hủ tiếu gõ lại được chăm sóc chu đáo như vậy”, bác sĩ Hòa nhớ lại.
Choáng ngợp trước cảnh tượng ấy, cậu bé nghèo ước sau này sẽ trở thành bác sĩ để cứu giúp những người khốn khổ. Nhưng đó chỉ là một ước mơ thoáng qua, bởi trong suy nghĩ của Hòa việc trở thành bác sĩ là điều rất xa vời, những đứa trẻ nhà nghèo chẳng thể nào với tới.
Bác sĩ Hòa (phải) và ê kíp can thiệp nội mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Ảnh:T.T.
|
Là một học sinh giỏi văn, Hòa chỉ dám mong trở thành một giáo viên dạy văn, nhà văn hoặc đạo diễn. Bước ngoặt khiến chàng trai thay đổi suy nghĩ là sau khi tốt nghiệp lớp 12, anh nhận được lá thư dài hai trang của người cô họ có 5 đứa con làm bác sĩ. Trong thư cô khuyên Hòa nên theo nghề y để giúp đỡ cha mẹ và anh chị khi bị bệnh. Một lần nữa khát khao trở thành bác sĩ trở lại với chàng trai, rõ ràng như hôm nào nằm trên giường bệnh. Hòa chuyển sang ôn luyện khối B để thi vào trường Đại học Y Dược TP HCM.
Năm đầu tiên Hòa trượt đại học, thiếu hai điểm. Thêm một năm miệt mài ôn luyện, chàng trai đã thi đậu Bác sĩ đa khoa, chỉ thua thủ khoa năm ấy một điểm. Nhiều sinh viên cho rằng vào được đại học là một trạm dừng an toàn, song Hòa luôn tâm niệm “Vào trường y đã khó, trụ được càng khó hơn” nên không bao giờ xao nhãng học hành.
Năm thứ ba đại học, nơi đầu tiên Hòa thực tập là Khoa Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy. Chàng sinh viên bị choáng ngợp trước sự hấp dẫn của chuyên khoa ấy. Cảm giác nghe được tiếng tim đập, âm thổi lạ lẫm khi đặt ống nghe giúp anh khám phá sự kỳ diệu của bệnh lý tim mạch ứng với những kiến thức đã học ở trường. Những lần thăm khám, hỏi bệnh nhân bị đau ngực thế nào, khó thở ra sao, giúp bác sĩ tương lai hiểu và phân biệt được cơn đau tim khác với các bệnh lý bình thường ra sao…
Thời gian này, Hòa may mắn được học với những người anh và các bậc thầy xuất sắc trong ngành tim mạch. Hình ảnh các bác sĩ nội trú đàn anh vừa giỏi về lý thuyết lại thạo lâm sàng để lại trong anh ấn tượng sâu đậm. Đó cũng là tấm gương để Hòa phấn đấu trở thành bác sĩ tim mạch, thi đậu vào nội trú và trở thành một giảng viên tim mạch.
Kết thúc khóa thực tập tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Hòa luôn dành ít nhất một ngày trong tuần và các dịp nghỉ lễ để quay lại Khoa Tim mạch trực đêm với các bác sĩ đàn anh. Nhờ đó chàng trai học được nhiều điều hay mà các sinh viên khác khó có cơ hội tiếp cận.
Bác sĩ Hòa cùng các chuyên gia về tim mạch Việt Nam tham dự hội nghị tim mạch quốc tế. Ảnh: T.T.
|
Tốt nghiệp bác sĩ nội trú, Hòa giành được học bổng toàn phần FFI (chương trình đào tạo nội trú tại Pháp do chính phủ Pháp tài trợ). Hai năm học ở Pháp là thời gian quý báu giúp anh tiếp cận những kiến thức y khoa tiên tiến về lĩnh vực tim mạch và tim mạch can thiệp. Sự chỉ dạy tận tình của những người thầy, và đồng nghiệp cùng sự giúp đỡ của cha mẹ nuôi và chị đỡ đầu người Pháp, bác sĩ trẻ trưởng thành hơn trong nghề nghiệp và cuộc sống. Về nước, bác sĩ Hòa đã cùng các đồng nghiệp cứu sống nhiều bệnh nhân mạch vành nặng, giúp họ có cuộc sống tốt hơn.
Phó giáo sư Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của bác sĩ Trần Hòa trong việc cải tiến và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tim mạch, đặc biệt là tim mạch can thiệp. Mỗi năm, bác sĩ Hòa cùng ê kíp của Đơn vị can thiệp nội mạch điều trị cho hơn 500 bệnh nhân với tỷ lệ thành công rất cao. “Trong vai trò quản lý Đơn vị can thiệp nội mạch, bác sĩ Hòa luôn nêu gương trong công việc và có trách nhiệm cao với người bệnh nên được bệnh nhân và đồng nghiệp quý mến”, bác sĩ Bình nói.
Theo VnExpress