Do nợ nần, ông Đỗ Văn Minh mua gói bảo hiểm 200 triệu đồng/năm. Theo hợp đồng, sau khi ông Minh chết, vợ con sẽ được hưởng số tiền bồi thường 18 tỉ đồng.
Do vậy, ông Minh lên kịch bản giết cháu vợ và chở đi đốt, tạo hiện trường giả như mình đã chết rồi bỏ trốn về Bình Phước.
Vụ án giết người, đốt xác trên quốc lộ 28 (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) vào rạng sáng 4-5 gây chấn động dư luận. Công an tỉnh Đắk Nông phá án trong 6 ngày.
Tạo hiện trường để giả… chết
Sáng 4-5, người dân phát hiện xe bán tải cháy trơ khung ven quốc lộ 28 (địa phận xã Đắk Som), bên trong có một thi thể ở ghế tài xế cháy đen, không thể nhận dạng. Dựa vào biển số xe, đồng hồ, chìa khóa…, xác định xe bị cháy đứng tên Đỗ Văn Minh (49 tuổi, bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng).
Qua xác minh, công an phát hiện ông Minh mới mua gói bảo hiểm mà người thụ hưởng là vợ con ông này có thể lên đến 18 tỉ đồng. Công an cũng xác minh được thông tin: ông Minh nợ hơn 10 tỉ đồng do làm ăn thua lỗ, vợ ông này cũng nợ số tiền khá lớn.
Ngoài ra, vào rạng sáng 4-5, anh Trần Nho Vương (25 tuổi, thôn Đan Hà, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà) – cháu gọi ông Minh bằng dượng – cũng mất tích. Kiểm tra nhà ở rẫy anh Vương, công an phát hiện một số dấu vết chưa kịp xóa và rìu có vết máu, đồ đạc bị xê dịch…
Theo đại tá Hồ Văn Mười – giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, ban chuyên án khẳng định người chết không phải ông Minh mà là anh Vương và đây là vụ án mạng. Nhiều khả năng ông Minh mượn xác người khác nhằm giả chết để vợ con hưởng tiền bồi thường bảo hiểm. Từ đó ban chuyên án vẫn tung nhiều mũi trinh sát để truy tìm ông Minh.
Trốn thoát và ẩn náu như phim
Ngày 4-5, sau khi khởi tố vụ án “giết người, đốt xe”, ban chuyên án được người dân cung cấp thông tin quý giá. Đó là khoảng 17h ngày 27-4, có người đàn ông khoảng 50 tuổi, cao tầm 1,7m, dáng người mập… đội mũ bảo hiểm trùm kín đầu dắt theo xe Ware đến nhà anh K’Biển (xã Đắk Som) xin gửi xe. Người này còn nhờ anh K’Biển chở mình đến nơi ôtô bị hỏng. Đến 3h sáng 4-5, người này quay lại nhà anh K’Biển lấy xe máy, sau đó chạy về hướng UBND xã Đắk Som.
“Từ nguồn tin này, ban chuyên án đã xác định được người đàn ông này là Đỗ Văn Minh. Hàng chục trinh sát được tung ra lần theo dấu vết của Minh. Trích xuất các camera an ninh dọc đường, công an đã vẽ được hướng di chuyển của Minh về Bình Phước.
Sáng 10-5, trinh sát phát hiện tại nhà nghỉ TQ ở TP Đồng Xoài có người đàn ông giống Đỗ Văn Minh nên đã tiến hành vây bắt” – thượng tá Nguyễn Tường Vũ, phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, tường thuật.
Theo ban chuyên án, khi giết người, tạo hiện trường giả và bỏ trốn, Minh cắt liên lạc với gia đình nhưng mua sim rác kết bạn Zalo với con trai, động viên con đang đau buồn vì mất bố. Toàn bộ quá trình “đám tang” của mình do gia đình tổ chức ở nhà, ông Minh đều theo dõi qua camera an ninh.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy giữa ông Minh và nạn nhân Vương không có mâu thuẫn. “Động cơ giết người là do nợ nần, muốn trục lợi tiền bảo hiểm. Vì vậy, ông Minh lên kịch bản giết người, tạo hiện trường giả và lẩn trốn rất chi tiết, tinh vi” – thượng tá Nguyễn Tường Vũ cho biết.
Cũng theo ban chuyên án, qua điều tra, trước khi giết người đốt xe một tuần, ông Minh có đến nghĩa trang xã Quảng Khê (huyện Đắk Glong) đào trộm mộ của một người vừa mất. Tuy nhiên khi sắp lấy được thi thể, ông Minh bỏ cuộc. “Tại sao không thực hiện đến cùng việc trộm xác? Minh trả lời do mệt và sợ nên bỏ cuộc” – đại tá Mười kể lại.
Sau khi trộm xác bất thành, ông Minh về công tác bình thường. Đến sáng 3-5, Minh tới nhà anh Vương ăn cơm, uống rượu rồi sát hại anh vào đêm 3-5. Hiện cơ quan công an đã khởi tố bị can về hành vi giết người và sẽ khởi tố bổ sung hành vi xâm phạm mồ mả đối với Minh.
Xác con trong đám tang người khác
Trong khi ban chuyên án Công an tỉnh Đắk Nông truy tìm hung thủ, gia đình Minh tổ chức tang lễ thì gia đình nạn nhân Vương mải miết tìm con.
Chiều 11-5, trong căn nhà cũ của gia đình ông Trần Nho Bất (cha nạn nhân Vương) ở xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà, người thân và hàng xóm không dám tin những gì đang xảy ra là sự thật. “Ngày 4-5, nghi con trai mất tích nên chúng tôi báo với Công an huyện Đắk G’Long (Đắk Nông). Vợ chồng tôi cũng thuê xe đến đó cùng tìm kiếm. Ròng rã mấy ngày không thấy tin tức gì, công an khuyên về nhà đợi tin, vừa về đến nhà thì ai ngờ…” – bà Nguyễn Thị Ánh, mẹ Vương, nói trong nấc nghẹn.
Theo ông Bất, anh Vương bắt đầu đi làm ở Đắk Nông mới được hơn 3 tháng tại vườn của người chú ruột, giáp với vườn nhà ông Minh tại xã Đắk Som. Thường khi ông Minh sang thăm vườn, mọi người vẫn ăn cơm và nói chuyện vui vẻ với nhau, không hề có mâu thuẫn như thông tin trước đó. Gia đình không biết chuyện ông Minh nợ nần và khẳng định xưa nay ông Minh là người hiền lành trong dòng họ. Không ngờ rằng ông Minh lại ra tay sát hại cháu vợ của mình.
Trong khi đó, hàng xóm và những người thường xuyên tiếp xúc với ông Minh cho biết ông là người dễ gần, hòa đồng với hàng xóm. Ngày “đám tang” của ông Minh diễn ra, nhiều người vô cùng thương tiếc và bất ngờ trước cái chết thương tâm của ông. Mọi người còn bất ngờ hơn nữa khi chiều 10-5, công an khám xét nơi ở của ông Minh vì là chủ mưu trong vụ án giết người đốt xe. Đến lúc đó mọi người mới bàng hoàng trước hành trình tội ác rợn người của ông Minh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ về việc có hay không đồng phạm là gia đình của ông Minh vì việc trục lợi tiền bảo hiểm từ cái chết giả của ông Minh, giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết: “Quá trình điều tra cho thấy Minh dùng sim rác nhắn tin về cho gia đình nên có thể người nhà biết Minh chưa chết, nhưng việc có là đồng phạm để trục lợi hay không thì chưa có căn cứ nào để xác định”.
Giả chết để trục lợi bảo hiểm, không dễ!
Ông Trần Nguyên Đán – viện trưởng Học viện Đào tạo bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính – cho biết tại Việt Nam, hai trường hợp phổ biến thường bị lợi dụng để trục lợi bảo hiểm là ôtô bị hư rồi mới mua bảo hiểm để được bồi thường và có bệnh từ trước nhưng giấu không khai báo để nhận bồi thường.
“Tuy nhiên hầu như không thể trục lợi bảo hiểm đối với mảng nhân thọ, đặc biệt liên quan đến tử vong vì quy định kiểm soát rất chặt chẽ” – ông Đán nói.
Theo quy trình, khi nhận được yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, nhân viên đặc trách sẽ đi điều tra nguyên nhân tử vong, thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ, đóng nhiều vai để thâm nhập thực tế nhằm tìm ra sự thật với nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”. Việc điều tra này độc lập với cơ quan điều tra. Sau đó họ gặp cơ quan điều tra để lấy hồ sơ.
“Mục đích điều tra không phải để từ chối bồi thường bảo hiểm, mà để đảm bảo chi trả đúng và công bằng” – ông Đán nói.
Thường các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có điều khoản: nếu người được bảo hiểm bị tai nạn thương tật, tử vong… sẽ được chi trả số tiền lên đến hàng tỉ đồng.
Nhưng để được bồi thường với trường hợp tử vong do bệnh hoặc tai nạn, khách hàng phải nộp giấy chứng tử, hồ sơ tai nạn do cơ quan điều tra cấp, các giấy tờ khác như tóm tắt bệnh án cấp cứu tai nạn, các xét nghiệm nếu có cấp cứu tai nạn… Doanh nghiệp bảo hiểm cũng liên kết với các bệnh viện để truy hồ sơ bệnh án của người được bảo hiểm bị tai nạn hoặc tử vong.
Luật sư Phạm Hoàng Sang – Đoàn luật sư TP.HCM – cho biết những vụ cố tình mất tích, giết người để nhận bảo hiểm tại Việt Nam không phổ biến. Trường hợp gây rúng động dư luận là vào năm 2016, bà L.T.N. (Hà Nội) do nợ nần nên thuê người chặt chân tay của chính mình rồi tạo hiện trường tai nạn giao thông giả, với hi vọng trục lợi khoảng 3,5 tỉ đồng. Nhưng bà N. không những không được tiền bồi thường mà còn bị xử phạt hành chính.
Luật sư Phạm Hoàng Sang cho hay hiện mức xử phạt liên quan đến những hành vi gian lận bảo hiểm ở Việt Nam vừa nhẹ vừa thiếu, chỉ mang tính khái quát, còn sơ sài.
Theo điều 213 Bộ luật hình sự 2015 về tội “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” thì khung hình phạt cao nhất áp dụng với hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm sẽ bị xử phạt lên tới 7 năm tù giam.
Nguồn: tuoitre.vn