Đồn biên phòng Hoa Lư (Bình Phước) bây giờ đã xây dựng lại to đẹp bên cạnh doanh trại cấp 4 cũ. Nhưng trước cổng vẫn nguyên vẹn tấm bia có ghi tên 33 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam 40 năm trước.

Thắp hương tưởng niệm tại bia có ghi tên 33 liệt sĩ Biên phòng đồn Hoa Lư hy sinh trong ngày 28.2.1978

Trung tá Bùi Mạnh Lịch, chính trị viên Đồn biên phòng Hoa Lư, lật lại sổ thống kê, nói: Ngày 13.6.1976, trên tuyến biên giới, đoạn từ tỉnh Kratie đến tỉnh Munđulkiri, 300 lính của Pol Pot đổ xuống đóng sát đường biên. Tại mốc giới trên đường 13B giáp sông Chiu Riu, họ cũng tăng cường thêm 60 lính; tại khu vực biên giới đối diện Lộc Ninh, 160 quân tinh nhuệ cũng được tăng cường cho chốt biên phòng đồn trú…

Đặc biệt nghiêm trọng, ngày 14.6.1976, lính Pol Pot cùng dân thường tiến hành xâm canh trên lãnh thổ ta; ngày 15.6.1976, việc xâm canh ở lãnh thổ ta sâu vào 200 – 600 m ở khu vực phía đông QL13, bất chấp việc quân và dân ta ngăn cản, thuyết phục.

Một sự kiện mà những cựu binh Biên phòng Bình Phước vẫn nhớ: Ngày 18.12.1976, quân Pol Pot ngang nhiên dựng barie chặn ngang QL13 và thay thùng thư (để trao đổi giữa hai bên) bằng thùng đạn đại liên.
Khi phía VN yêu cầu giải thích, họ nói thẳng: “Chúng tôi không có người gác ở đây nữa. Các anh có thư quan hệ thì cứ bỏ vào đây, sẽ có người đến lấy” khiến đồn phải cử người theo dõi thư và kiên trì yêu cầu dỡ bỏ barie. “Họ không chỉ xâm phạm lãnh thổ VN mà còn đẩy lên thành khiêu khích vũ trang, chuẩn bị cho cuộc xâm lược trên toàn tuyến Tây Nam”, nguyên đồn phó Nguyễn Văn Hát nhớ lại.
Đầu năm 1978, tập đoàn phản động Pol Pot – Ieng Sary tăng cường các hoạt động lấn chiếm biên giới VN nên dân cư được lệnh sơ tán về phía sau. Đến ngày 5.1.1978, khi ta tổ chức phản công ở phía bắc Sông Bé, toàn bộ số dân quân du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực (2 trung đoàn của Sư đoàn 302) trên địa bàn cũng lui về cách đồn 10 km, để lại duy nhất Đồn biên phòng Hoa Lư nằm cách đường biên 1,6 km với rừng già bằng phẳng, ngay trên QL13 chạy từ nội địa ta sang Kratie (Campuchia) với quân số 68 người…
Đỉnh điểm là từ chiều 27.2.1978, gần 2.000 lính trinh sát của bọn phản động Pol Pot bao vây đồn. Rạng sáng 28.2.1978, phát hiện địch bao vây 4 phía và ầm ào cưa cây, đào công sự, thượng úy đồn trưởng Nguyễn Văn Vải nhận định “đồn đã bị bao vây bằng lực lượng lớn, nếu để địch đào xong công sự thì rất khó phòng thủ” nên ra lệnh nổ súng tiêu diệt địch.
Từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa 28.2.1978, cả trung đoàn bộ binh của địch mở 15 đợt tấn công vào đồn với sự hỗ trợ của các loại pháo, cối nhưng đều bị bẻ gãy. 7 giờ sáng, đạn cối 60 và 82 đã hết, xạ thủ cối Bùi Minh Tiến lấy súng bắn tỉa ra chiến đấu, nhưng vừa ra tới công sự thì hy sinh.
Chiều 28.2.1978, địch mở thêm 7 đợt tấn công nữa nhưng đều bị ta đẩy lùi. Lúc này đạn dược, lựu đạn gần hết trong khi địch bên ngoài siết chặt vòng vây. Đồn trưởng Nguyễn Văn Vải điện về tỉnh xin ý kiến và được phép mở đường máu ra đánh địch ở vòng ngoài, sẽ có đơn vị lên đón, cách đồn 1 km. 17 giờ, sau khi chôn cất 2 liệt sĩ, hủy tài liệu cơ yếu, chôn giấu máy thông tin, cả đồn chia làm 3 tốp rút ra ngoài dưới sự đánh lạc hướng của đội vũ trang.
Mới ra khỏi đồn khoảng 400 m, đội hình bị địch phát hiện vây đánh quyết liệt. Đồn trưởng Nguyễn Văn Vải và một số chiến sĩ anh dũng hy sinh. Số còn lại lạc đội hình thành từng tốp 2 – 3 người trụ lại chiến đấu kiên cường và thoát khỏi vòng vây của địch. Kết thúc cuộc chiến đấu của 68 bộ đội ta chống lại cả 1 trung đoàn bộ binh địch, Đồn biên phòng Hoa Lư hy sinh 33 cán bộ chiến sĩ, bị thương nặng 13 người.
Những tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Đồn biên phòng Hoa Lư là hình ảnh không bao giờ phai nhòa trong cuộc chiến tranh thắng lợi của quân đội ta, lật đổ chế độ độc tài của bọn phản động Pol Pot – Ieng Sary, đem lại cuộc sống bình yên cho dân tộc nước bạn cùng người dân nước ta sống dọc vùng biên giới.

Mai Thanh Hải/Nguồn danviet.vn

Từ khóa : anh hùngBiên Giới Tây NamĐại hội Đoàn các cấpĐại Hội Đoàn Toàn Quốc Lần Thứ XIhành trìnhhy sinhliệt sĩ

Các tin liên quan đến bài viết