Việc mở cửa thị trường, gỡ bỏ rào cản thuế quan khiến hàng nước ngoài nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Trong khi đó, các hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước lại không theo kịp, khiến nhiều ngành hàng đứng trước lằn ranh “sống còn”.
Mặt hàng nào cũng nhập
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng nhập các sản phẩm thép từ các quốc gia vào Việt Nam đạt hơn 5 triệu tấn; trong đó thép từ Trung Quốc đạt 2,65 triệu tấn, chiếm hơn 52% tổng sản lượng thép nhập.
Đặc biệt, trong tháng 3/2023, lượng thép nhập từ Trung Quốc tăng 146% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cũng ghi nhận, tính chung năm 2022, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 11,679 triệu tấn, trị giá hơn 11,92 tỷ USD.
“Nhu cầu thép chưa hồi phục do thị trường nhà ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu ấm lên, số nhà xây mới liên tục sụt giảm. Do đó, xuất khẩu thép tiếp tục là một phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản lượng dư thừa ở Trung Quốc. Dự kiến, lượng thép xuất khẩu của nước này sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2023. Điều này sẽ gây sức ép đối với ngành thép Việt Nam”, đại diện một DN thép chia sẻ.
Ngành gạch ốp lát Việt Nam đã có chỗ đứng thứ 4 thế giới.
Trong khi đó, gần như các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0% (trừ thép cốt bê tông). Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại, như tự vệ phôi thép, đã bị dỡ bỏ; các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, ống thép, thép dự ứng lực… đều không phải chịu bất kỳ biện pháp pháp phòng vệ thương mại nào.
Một DN ước tính, việc thép nhập khẩu tràn vào có thể khiến ngành thép Việt Nam mất cơ hội việc làm cho khoảng 40.000 lao động. Hàng chục tỷ USD chi ra cho nhập thép mỗi năm, trong khi hàng trong nước không bán được.
Thép không chỉ là mặt hàng duy nhất được nhập ồ ạt vào Việt Nam, gây sức ép lớn lên ngành thép trong nước. Ngành sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng do hàng Ấn Độ chất lượng không ổn định, giá rẻ tràn vào. Nỗi lo thị trường rơi vào tay những nhà nhập khẩu từ Ấn Độ lớn hơn bao giờ hết, đẩy nhiều DN nội vào thế khó.
Các doanh nghiệp đều chung nhận định, ngành sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, không thể phát triển được nếu chúng ta không khẩn trương tìm ra giải pháp đối phó ngăn chặn gạch nhập khẩu từ Ấn Độ.
Nhìn số liệu nhập khẩu hàng năm, có thể thấy hàng trong nước đang bị sức ép khủng khiếp từ hàng nước ngoài.
Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2022 của Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam chi hàng chục tỷ USD để nhập các mặt hàng từ nước ngoài, từ sản phẩm công nghiệp đến nông sản.
Thiếu hàng rào kỹ thuật bảo vệ hàng trong nước
Trong một lần chia sẻ với PV về sức ép từ gạch ốp lát Ấn Độ, ông Trần Tuấn Đại, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp Á Mỹ (AMY GRUPO), chỉ ra một phần nguyên nhân là hàng rào kỹ thuật của Việt Nam tuy có nhưng rất đơn giản khi chỉ đánh giá sản phẩm mẫu. Chỉ cần sản phẩm mẫu đạt yêu cầu là có thể nhập khẩu.
Do đó, các DN sản xuất gạch ốp lát kiến nghị lập hàng rào kỹ thuật theo chuẩn mực quốc tế nhằm ngăn chặn hàng nhập khẩu kém chất lượng, bảo vệ thị trường trong nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Những doanh nghiệp sản xuất điều trong nước, trước mối quan ngại từ hàng nhập khẩu, đã nhiều lần kêu cứu.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, trước đây, Việt Nam từng xuất khẩu sang Ấn Độ. Nhưng để bảo hộ hàng trong nước, nước này áp thuế nhập khẩu điều nhân 25% nên không còn container điều nào xuất khẩu sang được. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có sự bảo hộ sản xuất trong nước.
Trước thực tế trên, hiệp hội này khẩn cấp đề xuất nghiên cứu giải pháp áp thuế nhập khẩu điều nhân ở mức 25%, tương tự như Ấn Độ đã thực hiện với điều Việt Nam, để ngăn chặn tương lai u ám với ngành điều nội.
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cũng kiến nghị Chính phủ kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành cần triển khai ngay các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng, như xây dựng các hàng rào kỹ thuật hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại diện một Tập đoàn thép nêu, các quốc gia trên thế giới đang tăng cường áp dụng các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Cụ thể, rào cản kỹ thuật được áp dụng rõ ràng tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ,… Các sản phẩm khi xuất khẩu sang các quốc gia này đều yêu cầu có chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu. Mục tiêu của giấy phép này là ngăn chặn lượng nhập khẩu sản phẩm kém chất lượng, tăng cường khâu kiểm soát thép nhập khẩu.
Vì vậy, các DN thép kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra thép nhập khẩu vào Việt Nam. Thép ‘ngoại’ cần phải có chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam cấp phép cho hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, đề xuất tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp đối với sản phẩm thép.
Theo quy định hiện hành của Việt Nam, thép không phải là mặt hàng nhóm 2 gây mất an toàn nên nhà nhập khẩu chỉ cần tuyên bố tiêu chuẩn áp dụng. Tuy nhiên, với các nước khác trên thế giới (Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Úc, Ấn độ,… ) thép và nhiều mặt hàng khác mà nước đó sản xuất đều có các chính sách hàng rào kỹ thuật áp dụng như mặt hàng nhóm 2 của Việt Nam.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khi phát biểu tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” hồi tháng 4 cũng nói rằng: Các nước lớn đang có xu hướng nâng cao hàng rào kỹ thuật như chuyển đổi năng lượng sạch, sản xuất cacbon thấp, thuế tối thiểu toàn cầu…
Xu hướng này đặt ra những luật chơi mới và là cuộc đua không cân sức với những nước còn nhiều khó khăn như Việt Nam. Do đó, Việt Nam cũng cần nghiên cứu hàng rào kỹ thuật để làm sao không vi phạm cam kết trong các hiệp định thương mại tự do nhưng vẫn hỗ trợ tốt cho sản xuất trong nước.
“Để làm được điều này, bản thân những người trong cuộc là từng hiệp hội, từng DN cần nắm bắt chính sách của các nước và đóng góp ý kiến cho Bộ Công Thương, từ đó có phản ứng, đề xuất chính sách lên Chính phủ”, lãnh đạo Bộ lưu ý.
Nguồn: vietnamnet