Nắng hạn kéo dài khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh rơi vào tình cảnh thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trầm trọng. Tại huyện biên giới Bù Gia Mập, sau gần 5 tháng chưa có mưa đã khiến hàng ngàn héc-ta cây trồng bị thiếu nước. Nhiều nông dân ở khu vực này đang loay hoay đủ mọi cách tìm nguồn nước để cứu cây trồng, thế nhưng đây là vấn đề nan giải.

Những ngày qua, gia đình anh Hoàng Sơn Đông ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập như ngồi trên đống lửa khi vườn sầu riêng rộng gần 4 ha của gia đình đang chết héo. Cây sầu riêng thiếu nước, lá từ màu xanh đã ngả sang vàng, quả rụng đầy gốc.

Chỉ tay vào giếng khoan, cùng hệ thống ống tưới tự động nằm la liệt giữa vườn sầu riềng, anh Đông cho biết: Trước đây, với 2 giếng khoan của gia đình, mùa khô dư nguồn nước để tưới cây trồng. Năm nay nắng hạn kéo dài, nước giếng khoan đã khô cạn, vừa qua gia đình tôi bỏ ra hơn 30 triệu đồng cải tạo lại ao nhằm tìm nguồn nước nhưng không có kết quả.

Nắng hạn khiến ao hồ tại huyện Bù Gia Mập khô cạn đáy. Trong ảnh: Anh Hoàng Sơn Đông ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập (bên trái) đã bỏ ra hơn 30 triệu đồng cải tạo lại ao để tích trữ nước nhưng không hiệu quả

“Đã hơn 5 tháng khu vực này chưa có mưa, vườn sầu riêng đã xuống lá, gia đình quyết định cắt bỏ trái để giữ cây. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, nếu nắng nóng thêm 1 tuần nữa là cây chết khô. Chúng tôi đã hết cách, không còn giải pháp nào để cứu cây, nguồn nước không có, mua nước về tưới thì không đủ điều kiện” – anh Đông cho biết thêm.

Cách đó không xa, vườn cà phê, sầu riêng của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng nhiều cây đã chết hẳn, lá và thân cây khô quắt lại. Nắng hạn kéo dài khiến ao nhỏ cung cấp nguồn nước tưới cho vườn cây của gia đình cũng đã cạn trơ đáy; chiếc máy nổ vì thế đành đắp chiếu nhiều tháng nay. Giếng khoan được xem là niềm hy vọng duy nhất đối với gia đình anh, thế nhưng đây là mũi khoan thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 tháng nay nhưng vẫn không có nguồn nước.

Anh Thắng cho biết: Chưa năm nào nắng hạn kéo dài như năm nay, hiện nước sinh hoạt cho gia đình còn hiếm huống gì nước tưới cây trồng. Hiện hơn 50% diện tích vườn cà phê, sầu riêng của gia đình bị rụng lá, héo lá và chết. Gia đình tôi cố gắng khắc phục bằng giếng khoan, nhưng đã khoan đến mũi thứ 2 vẫn chưa có nước. Khoan giếng, xây bể tích nước chi phí hết gần trăm triệu đồng nhưng vẫn không tìm được nguồn nước. Ngày ngày ra nhìn vườn cây chết dần, chết mòn tôi thấy xót xa quá.

Giếng khoan là giải pháp được người dân lựa chọn để tìm nguồn nước cứu cây trồng. Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập bỏ ra hàng chục triệu đồng khoan giếng nhưng không tìm được nguồn nước

Cứu cây, nhưng cứu như thế nào đang là bài toán khó, khi nguồn nước tự nhiên đã khô cạn, nguồn nước ngầm khan hiếm và nắng nóng dự kiến còn kéo dài đến tháng 5. Bất lực là tình cảnh chung của người dân nơi đây khi phải tận mắt chứng kiến những vườn cây được trồng, chăm sóc bằng tiền của, mồ hôi và công sức đang chết dần, chết mòn vì nắng hạn. “Giờ cứu cây trồng cũng không biết cứu kiểu gì, có nước đâu mà cứu. Ao đã cạn khô, tôi làm liều múc dưới lòng suối sâu đến 4m nhưng cũng không có nước” – anh Nguyễn Văn Tiến, thôn Bù Gia Phúc 1 chia sẻ.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay huyện Bù Gia Mập đã có hơn 5,7 ngàn héc-ta cây trồng thiếu nước, tập trung chủ yếu ở cây điều, tiêu, cà phê và các loại cây ăn trái. Nếu nắng hạn còn kéo dài, thời gian tới diện tích cây trồng thiếu nước tưới dự kiến tăng lên hơn 10.000 ha. Trong đó, xã Phú Nghĩa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 5.700 ha, xã Bù Gia Mập khoảng 3.700 ha.

Không chỉ thiếu nước sản xuất, nắng hạn kéo dài còn khiến gần 1.000 hộ dân trên địa bàn huyện Bù Gia Mập thiếu nước sinh hoạt. Con số này dự kiến tăng lên 1.500 hộ nếu thời tiết không có mưa trong những ngày tới.

Về lâu dài, chúng tôi mong Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiếp tục hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng để phục vụ sản xuất. Đồng thời nạo vét, cải tạo hồ đập, nâng cấp hệ thống xử lý tại các trạm cấp nước nhằm đảm bảo nguồn nước tưới và nước sinh hoạt cho người dân.

Ông NGUYỄN TẤN LỰC, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Gia Mập

Ông Nguyễn Tấn Lực, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Gia Mập cho biết: Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, vừa qua huyện đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn như: Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 778, Đồn biên phòng Bù Gia Mập, Vườn quốc gia Bù Gia Mập cấp 430m3 nước sinh hoạt hỗ trợ 459 hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng. Huyện cũng đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm. Đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng các phương pháp tưới tiết kiệm, giữ ẩm gốc cây trồng nhằm giảm thiểu sự bốc hơi nước.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : nắng nóng

Các tin liên quan đến bài viết